Không để xã hội thêm hoài nghi

Ngày 23-9, ngành giáo dục có 2 sự kiện đều liên quan đến thông tin đang được cả xã hội quan tâm hiện nay: phương án 1 kỳ thi chung quốc gia với 2 mục đích áp dụng từ năm 2015. Buổi sáng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận giải trình trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về phương án thi; buổi chiều bộ họp triển khai phương án thi tới các sở GD-ĐT, các trường đại học trọng điểm khu vực phía Bắc.

Ngày 23-9, ngành giáo dục có 2 sự kiện đều liên quan đến thông tin đang được cả xã hội quan tâm hiện nay: phương án 1 kỳ thi chung quốc gia với 2 mục đích áp dụng từ năm 2015. Buổi sáng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận giải trình trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về phương án thi; buổi chiều bộ họp triển khai phương án thi tới các sở GD-ĐT, các trường đại học trọng điểm khu vực phía Bắc.

Cho đến thời điểm này, hình hài về phương án 1 kỳ thi đã rất rõ ràng. Trong bối cảnh hiện nay, phương án thi 4 môn mà Bộ GD-ĐT công bố được nhiều ý kiến đánh giá là khả dĩ nhất, vấn đề còn lại chỉ là bàn cách tổ chức cho thật hợp lý để mang lại kết quả cao nhất. Ngay tại phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT hôm qua, tuyệt đại đa số ý kiến của các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng tán đồng phương án thi của bộ, đồng thời cho rằng, để có phương án hoàn thiện cuối cùng thì không thể chờ mà phải bắt tay đổi mới, vừa làm vừa sửa, từ đó có phương án tốt nhất cho tương lai. Cuộc họp của bộ với các sở, các trường đại học chiều qua cũng với tinh thần khẳng định thêm quyết tâm và bàn cách tổ chức tốt nhất, để bảo đảm kỳ thi này phải được xã hội chấp nhận.

Nhưng phải thừa nhận, tuy ý kiến tán thành khá cao, nhưng vẫn còn quá nhiều ý kiến băn khoăn về việc tổ chức như thế nào để bảo đảm mục đích của kỳ thi này và các em học sinh được thụ hưởng một kỳ thi công bằng nhất, tiện lợi nhất. Khi công bố phương án thi, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ tổ chức 2 loại cụm thi: một do các trường đại học chủ trì, dành cho các thí sinh có nhu cầu thi tuyển sinh đại học; một do các sở GD-ĐT chủ trì, dành cho thí sinh chỉ có nhu cầu công nhận tốt nghiệp. Lý giải của bộ nói rằng cụm thi do sở chủ trì là để tạo tiện lợi nhất cho những học sinh có học lực trung bình, ở vùng khó khăn, không có nhu cầu vào đại học. Nhưng đến thời điểm này, chính đây lại là vấn đề mà nhiều ý kiến đang băn khoăn nhất. Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khi chốt lại ý kiến của các thành viên ủy ban đã cảnh báo Bộ GD-ĐT phải lường trước được những hệ lụy không đáng có từ việc tổ chức cụm thi: nếu giao hết cho các trường đại học tổ chức thì có thể điểm thi sẽ rất thấp, lúc đó ngay cả mục tiêu xét tốt nghiệp cũng không đạt được, vậy thì công tác đề thi sẽ phải tính đến việc phân hóa thật tốt cho học sinh. Ngược lại, nếu giao cho sở GD-ĐT tổ chức thì với tâm lý nương nhẹ thí sinh, có thể điểm thi của các em sẽ rất cao, cơ hội xét tuyển vào các trường đại học thi riêng vẫn có, lúc đó thực sự mất công bằng với thí sinh thi ở cụm thi của trường đại học. Đây chính là vấn đề đòi hỏi Bộ GD-ĐT phải lắng nghe rất kỹ ý kiến của dư luận, của các địa phương và chính trong ngành giáo dục để đưa ra quyết định cuối cùng khi ban hành hướng dẫn về kỳ thi cũng như quy chế thi sắp tới.

Bên cạnh vấn đề về tổ chức cụm thi ra sao, vẫn còn nhiều lo lắng về 1 kỳ thi chung. Liệu các trường đại học có tin tưởng sử dụng kết quả hay không, hay sẽ hoàn toàn quay lưng với kỳ thi. Nếu điều này xảy ra, mục đích của kỳ thi coi như phá sản vì lúc đó sẽ quay lại cảnh trường trường tổ chức thi, trường trường luyện thi như cách nay cả chục năm. Điều này bắt buộc Bộ GD-ĐT phải tính toán rất kỹ cách tổ chức thi như thế nào để bảo đảm kỳ thi thực sự nghiêm túc, lấy được lòng tin của dư luận cũng như của các trường đại học. Và như vậy, trường đại học nào đủ tiêu chí để chủ trì cụm thi phải là điều Bộ GD-ĐT sớm công bố cho dư luận giám sát, đồng thuận.

Tối qua, trao đổi với SGGP, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, những góp ý của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội là rất quý giá cho Bộ GD-ĐT, để bộ tiếp tục hoàn thiện những vấn đề của kỳ thi. Các sở GD-ĐT, các trường đại học chiều qua cũng góp ý nhiều vấn đề về kỹ thuật để cùng bộ tổ chức kỳ thi này thật tốt. “Ngay khi ngồi trên xe từ ủy ban về bộ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã gọi điện yêu cầu chúng tôi tiếp thu, hoàn chỉnh phương án tổ chức thi. Từ bộ trưởng đến từng chuyên viên, chúng tôi đều với tâm niệm thực sự cầu thị. Cái gì tốt, tiện cho thí sinh thì chúng tôi đều cố gắng làm, dù có vất vả bao nhiêu”, ông Mai Văn Trinh giãi bày.

Không thể phủ nhận Bộ GD-ĐT đang nỗ lực để có một phương án thi tối ưu nhất, nhưng rõ ràng còn quá nhiều vấn đề cụ thể, quá nhiều thay đổi cục bộ mà dư luận chưa an tâm, đòi hỏi bộ phải tiếp tục giải trình cũng như lắng nghe ý kiến dư luận để hạn chế thấp nhất những hệ lụy phát sinh. Và quan trọng hơn hết, đổi mới thi lần này, Bộ GD-ĐT nhất định không được để dư luận hoài nghi rằng bộ đang mang thí sinh ra thí nghiệm cho những ý tưởng đổi mới của mình.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục