Minh bạch và “bôi trơn”

Câu chuyện một cán bộ thuộc một trung tâm của Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM đòi “bôi trơn” 15.000 USD để có giấy phép đầu tư đang khá ồn ào nhưng có thể không phải là cá biệt ở lĩnh vực xin giấy phép đầu tư, càng không phải là cá biệt trong các quan hệ hành chính - dịch vụ công giữa nhà nước hoặc đơn vị được nhà nước ủy quyền với các tổ chức - cá nhân có yêu cầu.

Vấn đề “bôi trơn”, dù có đòi công khai hay chỉ gợi ý, hoặc là “luật bất thành văn” cũng tồn tại khá phổ biến, nhưng xử lý không hề dễ dàng. Thực chất, đây không chỉ là nhũng nhiễu mà chính là một dạng “tham nhũng vặt”.

Những chuyện đó được rất nhiều người biết nhưng việc xử lý thường rơi vào ngõ cụt. Đến độ một đại biểu HĐND TP Hà Nội là Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, phát biểu công khai rằng có hiện tượng chạy công chức giá 100 triệu đồng, thế nhưng cũng không thể xác minh được. Hay chuyện Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng ở Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) có hiện tượng muốn xin được lốt xuất bến phải trả giá 500 - 600 triệu đồng, thì kết quả xác minh chỉ cho biết đó là giữa các doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhau chứ không có trách nhiệm của bến xe…

Nói chung, hầu hết các trường hợp đều rất khó xác minh, bởi việc “chạy” hay “bôi trơn” đó thường để lại ít chứng cứ, “người trong cuộc” chẳng mấy ai chủ động “trình báo” bởi xét cho cùng đây là việc không đúng các quy định pháp luật. Chỉ khi nào có “sự cố” (bị phát giác, thực hiện không thành công hoặc không đáp ứng được yêu cầu của bên chi tiền, hoặc bên nhận tiền ăn chia không đều…) thì nội tình mới bị phanh phui, câu chuyện mới bị vỡ lỡ. Bởi vậy, chuyện hầu hết mọi người đều biết nhưng không thể nói ra hoặc nói nhưng không có đủ chứng cứ, thành ra những chuyện đó trở nên bình thường, buộc ai cũng phải làm nếu muốn được việc!

Nhiều người đặt ra vấn đề minh bạch trong các quy trình xử lý để hạn chế nạn “bôi trơn”. Chẳng hạn, minh bạch các quy định (vấn đề này đã được điều chỉnh bởi các quy định nào), minh bạch các văn bản (gồm có các loại văn bản, giấy tờ gì), minh bạch quy trình (đi bước nào trước, bước nào sau, đến những “cửa” nào), minh bạch thời gian (mỗi bước mất bao lâu, toàn quy trình mất bao lâu), minh bạch tài chính (đóng các loại phí, lệ phí nào, mỗi loại bao nhiêu, đóng cho ai, có phiếu thu hay không…), minh bạch xử lý (nếu có vấn đề gì chưa rõ thì hỏi ai, số điện thoại nào, nếu có vi phạm thì thông tin cho ai, kèm theo chứng cứ gì…). Thế nhưng trên thực tế, hầu hết cơ quan đã thực hiện được phần nhiều các việc minh bạch này nhưng các tiêu cực cứ xảy ra. Thậm chí, một số nơi còn có camera ghi lại hình ảnh, âm thanh của các hoạt động giao dịch giữa cán bộ công chức với người dân nhưng liệu các camera đó có “điểm mù” hay không và có ai lợi dụng “điểm mù” đó không? Vậy cần gì nữa?

Thực ra trong các minh bạch trên thì minh bạch xử lý là còn thiếu và yếu. Rất ít cơ quan có được quy trình, cách thức xử lý các vấn đề sai phạm của cán bộ công chức do người dân phản ánh. Chẳng hạn, khi người dân cảm thấy không hài lòng một quyết định, một cách thức xử lý, một ứng xử nào đó thì họ có thể phản ánh ngay với ai để kịp thời chấn chỉnh? Liệu đường dây “nóng” có thực sự “nóng” và hiệu quả? Liệu phiếu lấy ý kiến hài lòng của người dân có đạt kết quả thực chất? Liệu các kết quả xử lý đều thuyết phục và được người dân hài lòng?

Trên thực tế, nhiều người có thể nhận thấy rằng, sự đánh giá mức độ hài lòng thường chỉ dựa trên số người có cho ý kiến chứ không phải dựa trên tổng số người thực hiện giao dịch, bởi có một số người không hài lòng nhưng cũng không phản ánh và không cho ý kiến, vì họ nghĩ rằng “chẳng để làm gì” hoặc không tìm thấy kênh phù hợp để bày tỏ ý kiến. Trong điều kiện đánh giá hiện nay, các tỷ lệ hài lòng chỉ nên xem là một kênh tham khảo chứ không nên lấy đó làm thước đo thực sự để đánh giá sự tận tâm, trách nhiệm của cán bộ công chức.

Không chỉ vậy, camera giám sát ở cơ quan nhưng không thể giám sát ở nơi khác, nếu như cán bộ công chức cố tình đưa vụ việc ra ngoài cơ quan. Thí dụ, cán bộ công chức muốn “làm riêng” để nhận phí “bôi trơn”, “bồi dưỡng” thì camera không thể có chứng cứ xử lý vụ việc nếu “người trong cuộc” không có ý kiến hoặc cung cấp chứng cứ. Hay việc kiểm tra camera và xử lý các vấn đề được phát hiện thường ít được công khai, minh bạch nên tác dụng của phương tiện này cũng chưa thực sự đầy đủ.

Rõ ràng, phải quyết liệt hơn nữa vấn đề minh bạch, đặc biệt là minh bạch trong xử lý. Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan đã minh bạch nhưng bản thân người thừa hành không minh bạch, tức là luôn có ý muốn “luồn lách”, “vặn vẹo”, “ngắt nhéo”… thì họ cũng sẽ tìm cách vượt ra ngoài hoặc ngụy tạo để đạt được các minh bạch đó. Vì vậy, phải xử lý thật nghiêm các trường hợp sai phạm (nếu đã đủ chứng cứ) để ngăn ngừa và răn đe chung thì mới có tác động thực sự tích cực đến vấn đề minh bạch. Nói cách khác, phải quyết liệt hơn nữa với tệ nạn “tham nhũng vặt”.

TRỊNH MINH GIANG

Tin cùng chuyên mục