Khoảng trống liên kết tiêu thụ nông sản

Thời gian gần đây, nông dân nuôi bò sữa ở Lâm Đồng, TPHCM điêu đứng vì không tiêu thụ được sữa; nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa rồi đỏ mắt chờ thương lái; dưa hấu đầy đường, giá rẻ như cho… là hiện trạng của sản xuất nông nghiệp manh mún, thiếu liên kết mà đến giờ vẫn chưa tìm ra lời giải.

Cách nay đã 13 năm, trước tình hình sản xuất nông nghiệp rối bời đầu ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 80/2002/QĐ-TTg, khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Mục tiêu đề ra đến năm 2010 phải có hơn 50% khối lượng nông sản hàng hóa của nông dân được tiêu thụ thông qua hợp đồng với doanh nghiệp, thế nhưng đến thời điểm này, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng vẫn chưa tới 10%.

Hầu hết nông dân đều phó mặc việc tiêu thụ nông sản cho thương lái và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hàng đầu cũng phải lệ thuộc vào nguồn hàng do thương lái cung cấp. Trong các chuỗi ngành hàng lớn như lúa gạo, cà phê, thủy sản, rau quả, chè, sữa bò… chỉ có mặt hàng sữa bò là có khoảng 80% tiêu thụ qua hợp đồng, các ngành hàng còn lại tỷ lệ rất thấp, như rau quả chưa tới 1%.

Đã có rất nhiều cuộc họp, hội thảo, hội nghị bàn giải pháp cho vấn đề này nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Nguyên nhân là do liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa chặt chẽ, các bên thường đơn phương phá vỡ hợp đồng mỗi khi có biến động giá trên thị trường. Việc quy định và áp dụng các biện pháp chế tài khi nông dân và doanh nghiệp vi phạm thỏa thuận gặp nhiều khó khăn. Nông dân phần lớn chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa quen tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định.

Chưa kể, do tập quán làm ăn riêng lẻ, mang tính tự phát nên việc sản xuất manh mún, sản lượng cung ứng trên thị trường thiếu đồng nhất, chất lượng không cao. Phía doanh nghiệp cũng vậy. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với giá thu mua được thỏa thuận ngay từ trước khi vào vụ sản xuất nhưng đến khi nông dân thu hoạch, giá thị trường xuống thấp hơn giá ký kết hoặc khi sản phẩm khó tiêu thụ, doanh nghiệp “bẻ chĩa”, đơn phương ngừng thực hiện việc thu mua nông sản, khiến nông dân mất niềm tin.

Tại ĐBSCL, vùng sản xuất hàng hóa nông sản lớn nhất nước, tình trạng trên vẫn lặp đi, lặp lại dù ngành nông nghiệp, công thương các địa phương thường xuyên vận động, khuyến khích nông dân sản xuất theo hợp đồng. Đơn cử như việc đưa hàng hóa vào tiêu thụ trong siêu thị. Nông dân cho rằng thủ tục phức tạp và nhiêu khê, trong khi các siêu thị lại tiêu thụ hàng hóa theo chuỗi nên khó ký các hợp đồng đơn lẻ. Ngoài ra, việc sản xuất của nông dân thường theo mùa và trên diện tích rộng trong khi siêu thị nhận hàng thường theo nhu cầu nên tính đa dạng hàng hóa nông dân chưa đáp ứng được.

Tuy nhiên, vấn đề không hẳn bế tắc. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, siêu thị “làm ăn lớn” với nông dân bằng hợp đồng thông qua mô hình hợp tác xã (HTX). Tại An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng… nông dân sản xuất thủy sản, rau màu, lúa gạo và cây ăn trái thông quan HTX đều có đầu ra ổn định theo hợp đồng đã ký kết.

Theo Sở Công thương An Giang, để mở thêm kênh tiêu thụ cho hàng hóa, nông sản của địa phương, lãnh đạo địa phương đã chủ động kết nối với lãnh đạo TPHCM, thực hiện chương trình hợp tác với các tập đoàn phân phối lớn. Và những nỗ lực này đã giúp sản phẩm của An Giang vào các hệ thống phân phối lớn của TPHCM. Cụ thể, nhiều sản phẩm của An Giang như gạo, thủy sản, rau quả, đường thốt nốt, khô cá... đã vào các hệ thống phân phối lớn của TPHCM với tổng trị giá mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Hay như tại Sóc Trăng, địa phương thường xuyên tổ chức cho các doanh nghiệp thương mại gặp gỡ nông dân, thông qua đó giúp nông dân tăng cường quản trị thị trường tiêu thụ, gắn kết với doanh nghiệp…

Tiêu thụ nông sản qua hợp đồng hay liên kết 4 nhà là mục tiêu mà ngành nông nghiệp luôn hướng đến để đảm bảo sản xuất bền vững. Theo các chuyên gia, để lấp đầy “khoảng trống” trong liên kết tiêu thụ nông sản, việc “phân vai” trong liên kết cũng rất quan trọng. Nhà nước phải đảm nhận các khâu: quy họach, bảo vệ môi trường, ban hành cơ chế chính sách thuận lợi. Nhà khoa học phải thực hiện nghiên cứu kỹ thuật sản xuất, lai tạo giống mới chất lượng, chuyển giao khoa học cho nông dân và phản biện chính sách. Bản thân nông dân phải năng động nhạy bén nắm bắt khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường; chủ động liên kết với nhau để tạo ra sản lượng hàng hóa lớn chất lượng tốt; doanh nghiệp phải tăng cường mở rộng thị trường.

Để làm được điều này đòi hỏi phải nghiên cứu các cơ chế, chính sách hiện nay cho phù hợp với tình hình mới; các chính sách cần phải linh hoạt cho các mô hình sản xuất vận dụng để phát huy hiệu quả. Cần tổ chức lại sản xuất trên nguyên tắc gắn chặt với thị trường, quy hoạch vùng sản xuất, cơ cấu lại sản phẩm theo hướng phát huy vai trò, thế mạnh của từng nơi, từng địa phương, từng vùng.

HÀM LUÔNG

Tin cùng chuyên mục