Chiến lược Olympic 2016

Thành công của các môn thi Olympic tại SEA Games 28 là nguồn động viên lớn cho các nhà hoạch định chính sách thể thao Việt Nam (TTVN) tiếp tục chiến lược đầu tư trọng điểm với những bước đi chi tiết hơn nhằm tìm 12 đến 15 suất dự Olympic 2016.

Thành công của các môn thi Olympic tại SEA Games 28 là nguồn động viên lớn cho các nhà hoạch định chính sách thể thao Việt Nam (TTVN) tiếp tục chiến lược đầu tư trọng điểm với những bước đi chi tiết hơn nhằm tìm 12 đến 15 suất dự Olympic 2016.

Nếu 4 năm trước, TTVN chỉ “áng chừng” số lượng VĐV đạt chuẩn dự Olympic 2012 thì nay, theo tính toán của Tổng cục TDTT, hiện đã chắc chắn có 4 suất, con số tối đa có thể đạt được là 26 suất. Sở dĩ tính ra được chi tiết như vậy là bởi xác định rõ các VĐV của Việt Nam phải đua tranh với ai, đạt thành tích nào thì mới chắc chắn giành quyền đến Brazil vào năm sau. Mục tiêu cũng được nêu: Bám sát và tấn công vào các đối thủ cùng khu vực cũng như tại châu Á, sau đó đầu tư mạnh để có thể thi thố tại Olympic 2016.

Đây là một bước tiến mới của những nhà quản lý thể thao. Trước đây, chúng ta cứ động viên nhau phấn đấu giành suất rồi hồi hộp chờ được các tổ chức thế giới xét duyệt, bây giờ thì biết đầu tư cho ai, đầu tư ra sao, bao nhiêu thì đủ. Chính thành công của VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên là bài học lớn nhất. Tài năng thiên phú của kình ngư 19 tuổi này không phải bàn, tuy nhiên sẽ không thể có thành tích tốt nếu không được đầu tư tập huấn chuyên sâu tại Mỹ, cường quốc bơi lội thế giới.

Thời gian qua, dư luận phản ánh về chế độ ăn “khủng” của Ánh Viên, khối lượng dinh dưỡng mà Ánh Viên nạp vào người vượt quá những suy nghĩ thông thường, kể cả với những người làm TTVN. Đây chính là sự khác biệt của đầu tư theo kiểu chung chung và đầu tư trọng điểm vốn rất tốn chi phí.

Điểm đáng mừng là TTVN đã quyết định chọn “đầu tư trọng điểm” dù biết trước là ngân sách dành cho thể thao rất eo hẹp. Ví dụ như việc đưa VĐV điền kinh Nguyễn Thị Huyền sang Nga tập huấn dài hạn cho đến khi dự Olympic. Thành tích của Huyền tại SEA Games 28 đã tiếp cận đến thành tích của các VĐV vào đến vòng bán kết của Olympic 2012 ở cả 2 nội dung 400m và 400m rào nên cơ hội để cô vào đợt chạy chung kết của Olympic 2016 không phải là không có. Nếu kế hoạch sang Nga tập huấn của Huyền được phê duyệt, sẽ là một quyết định mang tính chiến lược, bởi Nga là cường quốc của các nội dung chạy cự ly trung bình dành cho nữ.

Cũng cần phải nói TTVN vẫn thường xuyên cử VĐV đi tập huấn nước ngoài, nhưng trước trường hợp của Ánh Viên thì đa phần những chuyến tập huấn ấy diễn ra theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, chủ yếu là chọn Trung Quốc hoặc các nước Đông Âu để đỡ tốn kém, thời gian cũng chỉ vài ba tháng, không kịp thích nghi với thời tiết nên cũng không cải thiện được thành tích. Có trường hợp như “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương sang tập huấn ở Đông Âu rồi bị chấn thương về nước sớm. Có trường hợp như môn đua thuyền sang Australia tập huấn rồi VĐV bỏ trốn, trong khi tại SEA Games 28 vừa qua, đội đua thuyền rowing đạt đến 8 HCV dù chỉ tập tại Hồ Tây - Hà Nội. Chính những kiểu tập huấn “cho có” ấy còn gây ra sự lãng phí vì tiền vẫn chi nhưng hiệu quả đôi khi không bằng tập luyện ngay trong nước.

Ngược lại, dù mức đầu tư của Ánh Viên chưa là gì so với những đối thủ tại châu Á, nhưng đó cũng là bước đột phá mạnh mẽ để các nhà quản lý một lần nữa đặt trọng tâm hơn vào công tác đầu tư cho VĐV đỉnh cao với những mục đích cao hơn, cụ thể hơn.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục