Những hạt sạn kỳ thi quốc gia

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có trên 1 triệu thí sinh đăng ký tham dự, trong đó 28% thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp và 72% thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH-CĐ (so với các năm trước có gần 2 triệu hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ và khoảng 20% thí sinh không dự thi tuyển sinh ĐH-CĐ).

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có trên 1 triệu thí sinh đăng ký tham dự, trong đó 28% thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp và 72% thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH-CĐ (so với các năm trước có gần 2 triệu hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ và khoảng 20% thí sinh không dự thi tuyển sinh ĐH-CĐ).

Bộ GD-ĐT cho rằng, điều đó đã khẳng định hiệu quả của công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong việc phân luồng học sinh, giảm chi phí do hồ sơ ảo. Ngoài ra, việc ra đề thi mở đã giúp phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, các vấn đề thời sự của đất nước. Việc hạn chế ra các câu hỏi yêu cầu học sinh phải nhớ máy móc các con số và sự kiện cũng tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh khi làm bài thi… Bộ GD-ĐT khẳng định, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc ở cả hai loại cụm thi.

 Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn quá nhiều sự cố, nhiều vấn đề nảy sinh từ cuộc thi này mà Bộ GD-ĐT phải nghiêm túc nhìn nhận và phân tích thấu đáo để rút kinh nghiệm cho kỳ thi những năm sau, chứ không chỉ đưa ra đánh giá “kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc ở cả hai loại cụm thi”.

Dĩ nhiên, một kỳ thi chưa có tiền lệ khó có thể diễn ra suôn sẻ. Các sự cố như giám thị ký nhầm chỗ ở giấy thi của thí sinh; phát hiện đối tượng dùng công nghệ cao để đọc lời giải vào phòng thi cho thí sinh; thí sinh rải trắng phao thi ở một số điểm thi... là những điều hoàn toàn có thể xảy ra ở bất cứ kỳ thi nào. Đơn cử, giám thị ký nhầm có thể do nghiệp vụ còn non, cần phải rút kinh nghiệm; thí sinh rải phao thi không có nghĩa là thí sinh đó đã sử sụng phao thi trong phòng thi; không ai có thể cam kết loại bỏ 100% gian lận ra khỏi các cuộc thi...

Thế nhưng, có những vấn đề từ kỳ thi này chắc chắn ngành giáo dục phải nghiêm túc nhìn nhận nếu không muốn để lại cho xã hội sự hoài nghi. Chẳng hạn như sự cố thiếu đề thi ở điểm thi Trường THPT Yên Định 1 (huyện Yên Định, Thanh Hóa) khiến phải dừng việc phát đề thi để in thêm đề thi, nên thí sinh làm bài chậm gần một giờ so với lịch thi chung, là sự cố rất khó thông cảm. Tại sao số thí sinh vi phạm kỷ luật thi chủ yếu được phát hiện ở các cụm thi đại học chủ trì? Trong khi đó, không ít giám thị, cán bộ thanh tra ở các điểm thi do sở GD-ĐT chủ trì cho biết kỷ luật phòng thi ở nhiều điểm thi của tỉnh không được bảo đảm (đây cũng là điều lo lắng mà xã hội đã nói nhiều trước khi kỳ thi diễn ra).

Mặt khác, nhiều ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra rằng, cấu trúc đề thi chỉ phân hóa được học sinh giỏi với học sinh trung bình - khá (tức là đề thi chỉ có những câu dễ và rất khó, ít câu giao thoa giữa dễ và khó), mà không phân hóa được học sinh trung bình và học sinh khá. Rồi việc tại sao Bộ GD-ĐT chọn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào đầu tháng 7 là thời điểm nắng nóng nhất trong năm, rất vất vả cho thí sinh, phụ huynh, lực lượng tình nguyện, an ninh, thể hiện qua việc có quá nhiều thí sinh bị sự cố về sức khỏe; đồng thời các trường đại học cũng có ít thời gian để chấm thi một cách kỹ càng? Tại sao có tình trạng nhận lời giải từ bên ngoài vào nhưng sự việc chỉ được phát hiện từ phía công an trong khi trong phòng thi cán bộ coi thi không phát hiện được. Vậy kỷ luật phòng thi được thắt chặt đến đâu? Những buổi thi mà cả điểm thi chỉ có 1-2 thí sinh nhưng vẫn phải huy động hàng chục cán bộ, giám thị làm nhiệm vụ thì có cách nào để khắc phục?

Đặc biệt, việc thí sinh quên buổi thi, Bộ GD-ĐT cho phép các cụm thi giải quyết cho các em đăng ký thi môn thi khác để xét tốt nghiệp theo Bộ GD-ĐT là sự “nhân văn” nhằm đảm bảo quyền lợi cho các em, nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng cách làm này đã vi phạm quy chế thi, không công bằng với các trường hợp khác. PGS Văn Như Cương phân tích, quên buổi thi tức là muộn từ 90 phút (đối với thi trắc nghiệm) hoặc 180 phút (đối với thi tự luận) thì được thi lại môn khác. Trong khi thí sinh khác muộn 15 phút đã không được vào phòng thi, lỡ dở luôn 1 năm, vậy công bằng ở đâu? Đó đều là những vấn đề mà xã hội đang đặt ra để Bộ GD-ĐT rút kinh nghiệm, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phương án thi cử năm sau.

LÂM NGUYÊN 

Tin cùng chuyên mục