Một mùa vàng của văn học nghệ thuật

 HỮU THỈNH

67 giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) năm 2015 đã được trao cho 9 tác giả là hội viên hội VHNT chuyên ngành trung ương, 58 tác giả là hội viên các hội VHNT địa phương. Kết quả này được ví như là một vụ mùa vàng của giới VHNT cả nước qua một năm lao động sáng tạo miệt mài.

Năm nay, phần lớn các tác phẩm đã đề cập vào nhiều vấn đề bộn bề, gai góc của cuộc sống. Tất cả các ngành nghệ thuật đã vào trận, đối mặt với vấn đề xã hội gây nhức nhối, cất lên tiếng nói đầy trách nhiệm của văn nghệ sĩ. Mức độ thành công có thể khác nhau, nhưng tiếng nói và lương tâm của văn nghệ sĩ thì giống nhau, đó là trách nhiệm của văn nghệ sĩ, chăm sóc bồi dưỡng nhân tố mới và đấu tranh không khoan nhượng với những sa sút, thoái hóa, biến chất về đạo đức hiện nay.

Các tác phẩm văn học đều hướng tới việc phản ánh cuộc sống đa dạng, nhiều chiều, đặt trong mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, giữa quá khứ và hiện tại, giữa hiện tại và xu hướng phát triển. Mảng viết về đời sống thường ngày được nhiều tác giả quan tâm và đề cập. Đó là quan hệ con người trong công việc, là tình bạn, tình yêu, mối quan hệ trong gia đình, tình đồng đội sau cuộc chiến, tình hàng xóm, láng giềng... được thể hiện sâu sắc, kỹ lưỡng bằng bút pháp nhuần nhuyễn, giàu vốn sống. 

 Điều đặc biệt là có 1/3 số tác giả đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay không phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ví dụ, tác phẩm lý luận phê bình là Hồ Ngọc Quang - Nghệ An. Tác giả này chưa vào Hội Nhà văn nhưng đã giành  một giải ngang với một nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp. Một tác giả khác là anh Trần Thanh Cảnh - Bắc Giang, cũng gây ngỡ ngàng cho hội đồng chấm giải. Tác phẩm của tác giả này được gửi tới hội một cách rất khách quan theo đường bưu điện nhưng quả thực, tập truyện ngắn của anh đã được dư luận chú ý. Điều này cho thấy tính chuyên nghiệp của hoạt động chuyên ngành và địa phương được chú ý đúng mức. Chúng ta vui mừng khi thấy rằng mùa năm nay không chỉ thấy xuất hiện một, hai tác phẩm (dù rằng việc xuất hiện một vài tác phẩm cũng đã rất đáng vui rồi) mà quan trọng hơn là đã xuất hiện một tác giả, một nghệ sĩ. Chúng ta phát hiện ra những tên tuổi, những tài năng thật sự. Chính phát hiện này đã góp phần tạo nên một mùa gặt đầy ấn tượng.

Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm đặc biệt ấn tượng, xứng đáng để nhận giải thưởng lớn có thể kể ra như vở cải lương Mai Hắc Đế - Nhà hát Cải lương Việt Nam.  Có thể nói, cải lương không phải sở trường của miền Bắc nhưng vở diễn được dựng rất thành công ở sân khấu Hà Nội, được công chúng đón nhận, hoan nghênh. Đây là thành công lớn của sân khấu. Hay như triển lãm mỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức tại Vân Hồ cuối năm vừa qua cũng gây được tiếng vang bởi sự mới mẻ, táo bạo...

 Đặc biệt, giải A cho thể loại thơ năm nay được trao cho tập Thơ và đời của Phan Duy Nhân, một tác giả 76 tuổi nhưng ông đã có thơ in rất sớm từ những năm 50-60 của thế kỷ trước trong các tập san thơ yêu nước của thanh niên, học sinh Quảng Nam, Đà Nẵng, Sài Gòn... Tập Thơ và đời của Phan Duy Nhân là chân dung một thế hệ trí thức - văn nghệ sĩ sinh viên học sinh trong phong trào yêu nước trước năm 1975 ở các đô thị miền Nam. Đây là một tập thơ của cả một đời. Giải A trao cho tác phẩm này rất xứng đáng.

So với thời trước khi đổi mới, văn nghệ sĩ ngày nay đã được “cởi trói” khi lựa chọn chủ đề sáng tác. Ngày càng nhiều tài năng trẻ xuất hiện, việc quảng bá tác phẩm cũng thuận tiện, nhanh chóng hơn nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Điều kiện làm việc của văn nghệ sĩ cũng tốt hơn, có sự hỗ trợ sáng tạo, tạo điều kiện sáng tác… Nhiều cuộc hội nghị giao lưu quốc tế cũng tạo điều kiện cho VHNT Việt Nam tiến gần hơn với thế giới. Tác phẩm hay thường hiếm, khó, nhưng chừng như khoảng cách giữa các hội địa phương và các hội liên ngành đang dần thu hẹp lại. Ở địa phương có lợi thế hơn bởi sự gần gũi với đời sống. Các tác giả nhờ đó mà trung thực với chính mình; không bị sa vào tình trạng “cũ người mới ta”, nhất là với các tác giả trẻ. Những người trẻ độc lập sáng tạo, tiếp thu một cách bình tĩnh các xu hướng của thế giới chứ không phải sống sít, vội vã.

Giải thưởng Liên hiệp VHNT Việt Nam là thành tựu VHNT năm 2015, là bó hoa tươi thắm của giới VHNT cả nước gửi lên Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Chúng ta có thể báo cáo với Đảng, với Trung ương, dòng chảy văn học của chúng ta là đúng hướng, lành mạnh và đang phát triển tốt đẹp. Những nghị quyết của Đảng ban hành đang được hiện thực hóa, trở thành hiện thực sống động trong đời sống, còn đội ngũ văn nghệ sĩ đã biến hiện thực đời sống thành các tác phẩm, thành hình tượng VHNT có sức thuyết phục đối với công chúng.

 HỮU THỈNH

Tin cùng chuyên mục