Văn hóa từ chức

Trong lịch sử nước ta, việc “cáo quan về vườn” đã xuất hiện từ lâu. Trường hợp Chu Văn An, Nguyễn Trãi là ví dụ. Chu Văn An (1292 - 1370) làm quan triều Trần. Đời Dụ Tông, ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, đã dâng thất trảm sớ, xin chém đầu 7 tên gian thần. Vua không nghe, Chu Văn An từ quan về dạy học dưới chân núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương). Nguyễn Trãi (1380 - 1442) là đại thi hào dân tộc. Ông làm quan Đại phu nhập nội hành khiển, trông coi việc học hành, thi cử của triều đình (Hàn lâm viện học sĩ kiêm tri tam quán sự). Nhưng khi triều đình rối ren, bất minh, Nguyễn Trãi khuyên can không được đã cáo quan về ẩn ở Côn Sơn.

Sau này cũng có những tấm gương trung liệt, liêm sỉ như thế. Cáo quan về vườn có nguyên cớ khác nhau. Nhưng người đời mãi trân trọng những tấm gương “cáo quan về vườn” không phải do bất mãn cá nhân mà vì đại sự. Người liêm sỉ nhường “ghế” của mình cho người khác có điều kiện hơn để lo việc dân, việc nước.

Những năm gần đây, trên nhiều diễn đàn xã hội, trong đó có Quốc hội, người ta đưa chuyện từ chức ra bàn thảo; coi việc tự nguyện từ chức của những người thấy mình không còn đủ năng lực, phẩm chất và uy tín đảm đương trọng trách là một nét đẹp văn hóa - văn hóa từ chức.

Theo quan niệm của người Việt, văn hóa là những giá trị tinh hoa về vật chất và tinh thần do con người sáng tạo trong quá trình lao động, được cả xã hội chấp nhận và thực hiện. Như thế, nói đến văn hóa là nói đến cái đẹp, cái tiêu biểu. Từ chức là việc tự nguyện rút khỏi chức danh mà mình đang đảm nhiệm. Lòng tự trọng, tính liêm sỉ trong việc này rất cao. Người nào vì lý do bất cập về năng lực và phẩm chất tự mình từ chức thì được coi là có văn hóa.

Thời nào cũng vậy, để xã hội phát triển cần có bộ máy điều hành tốt. Bộ máy điều hành (nhà nước) thực sự được coi là mạnh khi có một đội ngũ cán bộ, công chức tận tâm, tận lực, toàn tâm, toàn ý với việc chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khuyên răn, cán bộ là đầy tớ, công bộc của dân; phải liêm chính, chí công, vô tư...

Song xét thực tế, đội ngũ cán bộ quản lý của ta hiện nay còn quá nhiều bất cập. Không đích thực học tập, tu dưỡng rèn luyện; nạn chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp; nhóm lợi ích, bè phái, dòng họ, gia đình... xuất hiện một cách công khai, bất chấp cả pháp luật và dư luận. Trường hợp Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy gắn với trách nhiệm của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là một ví dụ. Ấy là chưa kể, người ta ngang nhiên “gài” con cháu, người thân vào những vị trí then chốt trong xã hội mà vẫn bao biện là “đúng quy trình”(?!). Quy trình đâu phải trời ban xuống, mà do chính con người soạn thảo ra phục vụ mục đích của mình!

Vì sao có tình hình trên? Có nhiều cách lý giải, nhưng theo chúng tôi, trước hết thuộc về “lỗi hệ thống”. Đó là tổng hợp quá trình từ đào tạo, bồi dưỡng đến sử dụng con người. Việc tạo nguồn cán bộ chưa thực sự khách quan theo hướng chọn người tài, đức mà nặng về chủ nghĩa lý lịch, sự thân quen, phe cánh... Và, như thế, tất yếu sẽ “sinh” ra một lớp cán bộ do chạy chọt, lươn lẹo mà được “ngồi” vào các vị trí, mắt xích quan trọng của bộ máy xã hội.

Đã đến lúc phải loại bỏ những “hạt sạn” trong “nồi cơm” trong lành của xã hội. Dân tộc ta vốn có truyền thống văn hóa, nhân hậu. Cần mở cho những người không còn xứng đáng với trọng trách một lối thoát danh dự mà người ta gọi là văn hóa từ chức. Đến lượt mình, những người đang đảm nhiệm trọng trách mà năng lực, phẩm chất đã bất cập, mong manh như ngọn đèn trước gió hãy vì lòng tự trọng, liêm sỉ, dũng cảm từ chức, nhường “ghế” cho người có đức, có tài hơn để đảm đương việc nước, việc dân…

Đảng đã có chủ trương, Chính phủ đã có biện pháp. Chúng ta hoan nghênh kết luận của Thủ tướng Chính phủ mới đây về việc giao cho Bộ Nội vụ sớm soạn thảo nghị định về từ chức để trình cấp có thẩm quyền thông qua; góp phần nhanh chóng làm lành mạnh đời sống xã hội.

TRẦN THẾ TUYỂN

Tin cùng chuyên mục