Gây hậu quả nghiêm trọng, không xử lý hình sự?

Trong tuần đầu kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, tuy không nổi bật như câu chuyện Formosa gây ô nhiễm biển miền Trung hay sự thăng tiến khó hiểu của ông Trịnh Xuân Thanh, song một vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến. Đó là thông tin “liên ngành tư pháp Trung ương” quyết định “không cần thiết phải xử lý hình sự đối với các thành viên Hội đồng quản trị Vinaconex”.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Tôi cho rằng 3 ngành tư pháp có chức năng giám sát hoạt động của nhau để đảm bảo truy tố đúng người, đúng tội; không để xảy ra oan sai, nhưng cũng không để lọt tội, đảm bảo nguyên tắc thượng tôn pháp luật”. Vì thế nên nói “liên ngành tư pháp quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự” là không chính xác. Vị luật sư kỳ cựu cho biết, theo pháp luật về tố tụng hình sự hiện hành, kết luận điều tra của cơ quan công an sẽ xác định vai trò của từng người, hành vi của từng người, mức độ sai phạm của từng người. “Viện KSND sẽ căn cứ vào kết luận điều tra, nhưng không chỉ căn cứ vào đó, mà trong suốt quá trình điều tra Viện KSND đã luôn bám sát, kiểm sát việc chấp hành pháp luật trong điều tra. Nói một cách khác, những người đó có cần phải truy tố không thì Viện KSND phải có kết luận. Còn việc có miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hay không thì Bộ luật Hình sự hiện đang có hiệu lực thi hành đã quy định rõ.

Quan điểm, đường lối chỉ đạo của Đảng, Hiến pháp, pháp luật hình sự của Nhà nước ta đã nói rõ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không có pháp luật áp dụng riêng cho quan chức hay pháp luật áp dụng riêng cho dân thường. Có chăng là khác trong biện pháp áp dụng như bắt hay không bắt phụ thuộc người đó có trốn hay không trốn. Hoặc trong quá trình lượng hình (xác định khung hình phạt), nếu bản thân người phạm tội hoặc gia đình người phạm tội có công với đất nước thì có thể giảm nhẹ hình phạt một phần nào, nhưng đây là giai đoạn sau” - ông Trương Trọng Nghĩa giải thích.

Trong vụ án Vinaconex, đã có những người bị khởi tố, truy tố và được đưa ra xét xử. Nếu hành vi của một số người như công luận đã nêu là phạm pháp mà không khởi tố, truy tố vì lý do nhân thân tốt, ốm đau, là quan chức có công… thì không thể chấp nhận được. Viện KSND phải cùng cấp là cơ quan phải đưa ra quyết định cuối cùng về việc có đưa ra xét xử những đối tượng đã nêu hay không. Trường hợp, vụ việc nghiêm trọng, quy mô thiệt hại lớn, kéo dài, thì Viện KSND cấp trên phải vào cuộc. Nếu vụ Vinaconex bỏ lọt tội phạm thì các cơ quan tư pháp phải chịu trách nhiệm mà đầu tiên là Viện KSND.

Trước đó, ngày 15-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam -Vinaconex”. Trong hồ sơ chuyển tới Viện KSND tối cao, cơ quan này đề nghị truy tố 9 bị can. Riêng với HĐQT Vinaconex lúc đó gồm các ông: Phí Thái Bình (Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội), Nguyễn Văn Tuân (Tổng giám đốc), Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm (các ủy viên), cơ quan điều tra xác định, việc làm của các thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Vinaconex có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 229 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra những người này khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án, có nhân thân tốt, nhiều đóng góp cho ngành xây dựng, vi phạm lần đầu…, nên xét thấy không cần thiết phải xử lý hình sự.

Cần nói thêm rằng dự án nước sạch sông Đà - Hà Nội có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng, do Vinaconex làm chủ đầu tư. Tuyến ống nước sạch sông Đà - Hà Nội, đã bị vỡ tới 14 lần trong khoảng thời gian từ tháng 2-2012 đến tháng 9-2015, khiến doanh nghiệp khai thác phải chi hơn 13,4 tỷ đồng để khắc phục sự cố; ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn Hà Nội.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục