Ăn từ chất cấm đến chất độc

PHÚC HẬU

Lâu nay chúng ta vẫn nói về chất cấm có tên gọi là Salbutamol và một số kháng sinh được dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; song theo khoa học thì chúng được xếp vào nhóm “chất kích thích tăng trưởng”. Gần đây, tình trạng lạm dụng có phần êm lắng hơn trước sau khi dư luận liên tục lên án, cơ quan chức năng cũng ra tay trách nhiệm hơn. Thế nhưng mới đây, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NN-PTNT cho biết, khi tổ chức ra quân dẹp nạn “chất cấm”, lực lượng chức năng còn phát hiện tình trạng còn đáng sởn gai ốc hơn, âm thầm tồn tại lâu nay, đó là người ta đang đưa cả các loại hóa chất công nghiệp vào sản xuất và chế biến thực phẩm.

Khi kiểm tra đột xuất tại các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai và TPHCM (nơi có nhiều công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thủy sản), đã phát hiện 2 công ty được cấp phép nhập khẩu hóa chất công nghiệp nhưng lại bán cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và 10 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng các hóa chất công nghiệp, chủ yếu là NaHCO3, MgSO4, MnSO4, ZnSO4, CuSO4, FeSO4, CaCO3… vốn dùng để sản xuất sơn, dệt nhuộm, sản xuất giấy. Theo ông Chánh thanh tra Bộ NN-PTNT, tình trạng này đang khá phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng và làm xã hội lo ngại. Mặc dù lực lượng chức năng đã xử phạt hàng trăm triệu đồng, đình chỉ các công ty vi phạm nhưng liệu có thể tin rằng “đầu rắn” đã bị đánh dập, hay chỉ như vòi bạch tuộc, chặt chỗ này lại phình chỗ khác?

Nói thêm về hóa chất công nghiệp, trước đây chúng ta cảnh báo rất nhiều về vấn nạn sử dụng hàn the (một loại hóa chất công nghiệp) trong giò chả để tăng độ giòn và thời gian bảo quản; hoặc tình trạng ướp formol (dùng ướp xác) vào bánh phở… Do đây là những hóa chất được thêm vào trong quá trình chế biến, bảo quản nên người tiêu dùng, các bà nội trợ có thể chủ động phòng tránh được thông qua cách phân biệt bằng cảm quan, chỉ chọn mua tại các cơ sở uy tín quen thuộc. Còn bây giờ, hóa chất công nghiệp, kháng sinh được đưa vào thực phẩm ngay từ quá trình chăn nuôi, dư lượng tồn dư độc hại “tẩm” vào từng tế bào, thớ thịt… thì phải qua nhiều bước “test” phản ứng hóa học mới biết trong con cá, miếng thịt có những thành phần hóa chất nào!

Theo điều tra, các hóa chất này được doanh nghiệp nhập về từ Trung Quốc và được bày bán công khai tại các chợ đầu mối hóa chất, trong đó nổi tiếng là chợ Đồng Xuân (Hà Nội) và chợ Kim Biên (TPHCM). Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng, sử dụng hóa chất công nghiệp vào sản xuất các sản phẩm dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sẽ gây tồn dư kim loại nặng trên thực phẩm và sau đó “để lại” trên cơ thể người tiêu dùng, gây các triệu chứng dị ứng, ngộ độc, có thể gây ung thư và cái chết đến từ từ. Nó là “thủ phạm vô hình”. Vì vậy, có lẽ bây giờ không thể nói đơn giản là “thực phẩm bẩn” nữa mà phải gọi là “thực phẩm độc hại”, và phải gọi đúng tên “chất cấm” là “chất độc”.

Điều trớ trêu là mặc dù dư luận lo sợ, các nhà khoa học rung chuông cảnh báo nhưng đủ loại hóa chất công nghiệp, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật lậu và chất kích thích tăng trưởng - tăng trọng, các phụ gia bảo quản, chế biến thực phẩm… vẫn đang vô tư bày bán ở chợ, được các doanh nghiệp nhập khẩu vào nội địa một cách công khai, cơ sở sản xuất thực phẩm sử dụng sai mục đích mà không có cơ quan nào chịu trách nhiệm về hậu quả tai hại của nó. Bộ Công thương (cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý hóa chất) nói rằng việc nhập khẩu và kinh doanh hóa chất là không vi phạm vì chúng được phép nhập để phục vụ mục đích sản xuất công nghiệp, nhưng người dùng đã sử dụng sai mục đích. Trên thùng sản phẩm đều có cảnh báo chỉ sử dụng trong công nghiệp. Tương tự là chất Salbutamol thuộc trách nhiệm cấp phép nhập khẩu và quản lý của Bộ Y tế, được nhập về để phục vụ trong điều trị bệnh, nhưng doanh nghiệp lại tuồn ra cho các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và trại chăn nuôi.

Xem ra, dùng sai mục đích gây họa cho cả xã hội là trách nhiệm của những doanh nghiệp không có đạo đức nhưng Bộ Công thương, Bộ Y tế phải thể hiện rõ trách nhiệm quản lý của mình, không thể cấp phép cho nhập rồi không quản, kêu khó quản. Phải coi hóa chất là sản phẩm theo dõi đặc biệt. Cần tổ chức các đợt thanh tra đột xuất các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi để quản từ gốc, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng vi phạm. Nếu quản không được, vẫn để doanh nghiệp sử dụng hóa chất sai mục đích, Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm trước người dân về thực trạng an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng.


PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục