Loại trừ thực phẩm kém chất lượng

Sau nhiều năm chuẩn bị, hôm nay 18-1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM phối hợp với các sở, ngành chức năng chính thức triển khai việc nhận diện và truy xuất nguồn gốc đối với mặt hàng rau, củ, quả tại TPHCM.

Trước đó, vào tháng 12-2015, Sở Công thương đã công bố hệ thống các điểm bán hàng thực phẩm được công nhận chuỗi thực phẩm an toàn (TPAT), đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP. Tròn 1 năm sau, TPHCM tiếp tục triển khai và đưa vào cuộc sống Đề án nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo. Đây là một trong những mặt hàng được người tiêu dùng mong đợi nhiều nhất, từ nay họ yên tâm hơn khi sử dụng thịt heo trong thực đơn hàng ngày của mình. Còn với những người chăn nuôi, giết mổ chân chính có thể thở phào nhẹ nhõm vì thịt heo sạch đã được minh oan, không còn chịu chung điều tiếng, thị phi với các loại thịt có chất tạo nạc, chất tăng trọng, bơm nước, giết mổ không đảm bảo an toàn vệ sinh...

Tính sơ bộ, đến nay TPHCM đã cơ bản hình thành được mạng lưới phân phối các loại thực phẩm sạch, bao gồm 308 điểm bán các mặt hàng thuộc chuỗi TPAT; 395 điểm bán thịt heo truy xuất nguồn gốc; 18 loại rau quả do các HTX nông nghiệp tại TPHCM sản xuất và cung ứng, bán tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Aeon, Big C sẽ được in mã vạch và dán tem mã vạch trên bao bì sản phẩm.

Người tiêu dùng có thể sử dụng ứng dụng Zalo trên điện thoại thông minh (trước mắt là điện thoại chạy hệ điều hành Android) hoặc các phần mềm quét mã QR code để truy xuất nguồn gốc. Theo kế hoạch, tiếp sau rau củ quả, lần lượt là thịt gia cầm, thủy hải sản sẽ được đưa vào danh mục các mặt hàng được nhận diện và truy xuất nguồn gốc tại TPHCM trong thời gian tới.

Bên cạnh các điểm bán thực phẩm trong chuỗi, tại TPHCM còn nở rộ các phiên chợ nông sản do các sở, ngành và các tổ chức thực hiện định kỳ mỗi tuần 1 lần, đã tạo ra không gian mua - bán mới cho thực phẩm sạch. Đến đây, người tiêu dùng có thể tìm mua đủ loại thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nếu tin dùng, khách hàng có thể gọi trực tiếp đến nhà cung cấp để được giao hàng tận nơi. Đó là chưa kể, việc bán các loại thực phẩm được quảng bá là tự trồng, tự làm qua Facebook, Viber… cũng trở nên phổ biến và được khá nhiều người tiêu dùng hưởng ứng.

Để thực hiện chiến lược căn cơ về nguồn cung thực phẩm sạch, TPHCM đang triển khai đồng bộ các đề án, chương trình như Đề án quy hoạch ngành chăn nuôi đến năm 2020; Đề án quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ; Các chương trình hỗ trợ kích cầu đầu tư cho các dự án nông nghiệp, phát triển mạng lưới phân phối; Triển khai Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020. Nhưng trên hết, đó là sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp đến người tiêu dùng trong việc khai thông, mở lối cho thực phẩm sạch phát triển, từng bước đẩy lùi nạn sản xuất, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng.

Còn nhớ, tại cuộc họp chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho Tết Đinh Dậu 2017 vào tháng 11-2016 vừa qua, khi các sở ngành chức năng chú trọng báo cáo về nguồn hàng và kế hoạch giảm giá bán hàng bình ổn vào những ngày cận tết, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến lại cho rằng, nguồn hàng và giá cả rất quan trọng. Nhưng điều mà các sở, ngành cần làm trong dịp tết năm nay là phải đưa ngày càng nhiều hàng hóa đảm bảo ATVSTP đến với người dân.

Để làm được việc này, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu các sở, ngành chức năng đẩy mạnh liên kết, mời gọi các tỉnh, thành thực sự có thế mạnh trong sản xuất và cung ứng thực phẩm sạch cho thị trường TPHCM để đa dạng hóa nguồn hàng cho bà con lựa chọn. Mặt khác, tăng cường và mở rộng phạm vi kiểm tra, giám sát thị trường, trong đó tập trung cho các sản phẩm liên quan đến sức khỏe người dân, như hàng kém chất lượng, lò giết mổ lậu, hàng không có xuất xứ nguồn gốc.

Trên thực tế, việc sản xuất và cung ứng, cũng như nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người dân TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đã bước vào giai đoạn chín muồi. Nhưng bên cạnh những kết quả ban đầu đạt được, vẫn còn ngổn ngang công việc, nỗi lo từ nhiều phía. Nói như ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, đơn vị chủ công thực hiện Đề án nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo, để triển khai đề án hiệu quả, cần có sự đều tay và đồng bộ của tất cả các chủ thể tham gia, từ cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chỉ cần một khâu phối hợp không nhịp nhàng, sẽ làm ảnh hưởng đến cả một chuỗi cung ứng. Điều quan trọng là cần có sự định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu sự khác biệt về đặc tính kỹ thuật, chất lượng đối với sản phẩm nằm trong chuỗi TPAT so với những sản phẩm khác đang lưu thông trên thị trường.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục