Có đúng không còn xe dù?

Việc đoàn kiểm tra liên ngành giao thông TPHCM tuyên bố “cơ bản không còn xe dù” hoạt động trên địa bàn, đã và đang gây được sự chú ý lớn của đông đảo người dân TPHCM. Nếu thực sự như vậy, đó là thành tích đáng ghi nhận của ngành giao thông trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông và trật tự an toàn xã hội.

Thế nhưng, dạo một vòng xung quanh các điểm nóng về xe dù nằm tại các khu vực quận 1, 10, 5, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh… người dân vẫn thấy có xe khách liên tỉnh tuyến cố định đón, trả khách lén lút tại các địa điểm không phải là bến xe theo quy định của Nhà nước. Vậy những xe này gọi là xe gì? So với định nghĩa của đoàn kiểm tra liên ngành về xe dù: “Xe dù là xe kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô mà không có phù hiệu, không có đăng ký kinh doanh và không có giấy phép kinh doanh vận tải”, thì rõ ràng chúng không phải là xe dù. Hầu hết các xe khách liên tỉnh tuyến cố định mà người dân phản ánh nêu trên đều là những xe hoạt động trong các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh và có giấy phép kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, việc đón trả khách của những xe này cũng rất rõ ràng, đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn giao thông và trật tự an ninh xã hội tại khu vực đón, trả khách. Trong loạt bài về chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TPHCM mà Báo Sài Gòn Giải Phóng đăng trong tuần trước cũng đã ghi nhận thực tế này.

Hiện nay, ngay trong ngành giao thông cũng có những định nghĩa khác nhau về xe dù. Có cán bộ định nghĩa xe dù giống như định nghĩa của đoàn liên ngành, song cũng có cán bộ coi tất cả những xe khách kinh doanh không đúng quy định của Nhà nước là xe dù. Tranh cãi để đặt tên cho những vấn đề liên quan đến vận tải, suy cho cùng là chuyện nội bộ của ngành. Điều người dân quan tâm: ngành chức năng trong chức trách của mình, đã xử lý dứt điểm các hành vi trái với các quy định của pháp luật chưa? Theo Thông tư 63/2014 của Bộ GTVT về tổ chức quản lý vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, xe khách liên tỉnh tuyến cố định chỉ được đón và trả khách tại các bến do Nhà nước quy định. “Sở GTVT xác định vị trí điểm đón, trả khách tuyến cố định và trình UBND cấp tỉnh phê duyệt” (Điều 9 về điểm đón, trả khách của Thông tư 63/2014). Những điểm đón, trả khách ở các quận 1, 10, Tân Bình… đã được UBND TPHCM chấp thuận chưa? Nếu chưa, thì những hành vi đón trả khách liên tỉnh tuyến cố định ở các điểm này là vi phạm pháp luật. Do đó, những xe đưa đón khách như vậy dù không bị gọi là xe dù theo định nghĩa của đoàn liên ngành, thì vẫn là xe kinh doanh sai phép và cần phải bị xử lý theo pháp luật. Biết rằng, có một số đơn vị vận tải cố tình nhập nhằng 2 loại hình kinh doanh vận tải: kinh doanh liên tỉnh theo tuyến cố định và kinh doanh theo hợp đồng du lịch. Họ lợi dụng quy định xe hợp đồng du lịch được đưa đón khách tại địa điểm mà hai bên thỏa thuận (Điều 47 Thông tư 63/2014) để đưa xe khách liên tỉnh theo tuyến cố định vào đón khách tại những bến, trạm mà họ tự lập ra dù không được ngành chức năng cho phép. Tuy nhiên, cần thấy rằng trò lách luật này không mới. Chỉ cần theo sát là ngành chức năng hoàn toàn có thể phát hiện.

Dẫu biết những rắc rối, khó khăn trong việc lập lại trật tự vận tải hành khách tại TPHCM sẽ được báo cáo lên Bộ GTVT và các cơ quan liên quan để tìm hướng giải quyết. Thế nhưng, báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành rằng “TPHCM cơ bản không còn xe dù” đã làm không ít người thất vọng, khi thực tế vẫn có nhiều doanh nghiệp tổ chức đưa đón khách liên tỉnh theo tuyến cố định, trái phép trong nội thành, ngay trước mắt lực lượng thanh tra giao thông, tồn tại nhiều năm mà không bị xử lý.

Người dân TPHCM quan tâm và mong mỏi, ngành chức năng thay vì tìm mọi cách để có “báo cáo đẹp”, thì hãy đề xuất giải pháp lập lại trật tự an toàn giao thông theo đúng chức trách của mình và trên tinh thần thượng tôn pháp luật.  

KHOA HÙNG

Tin cùng chuyên mục