Chủ động phòng chống dịch

Liên tiếp hai hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh được Bộ Y tế tổ chức tại khu vực phía Bắc (ngày 15-2) và khu vực phía Nam (ngày 16-2) cho thấy tình hình dịch bệnh trên người năm nay diễn biến rất đáng quan ngại.

Liên tiếp hai hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh được Bộ Y tế tổ chức tại khu vực phía Bắc (ngày 15-2) và khu vực phía Nam (ngày 16-2) cho thấy tình hình dịch bệnh trên người năm nay diễn biến rất đáng quan ngại.

Thực tế chỉ mới là thời điểm đầu năm nhưng số người mắc các dịch bệnh nguy hiểm đã có chiều hướng tăng cao và phức tạp. Tại miền Nam và miền Trung, người dân tiếp tục phải đối mặt với virus Zika, cùng với sự bủa vây của dịch tay chân miệng, thủy đậu và sốt xuất huyết liên tục gia tăng số ca mắc. Trong khi đó, ở miền Bắc là dịch đau mắt đỏ trái mùa ở người lớn, cùng với đó là không ít trẻ nhỏ bị ho gà và thủy đậu phải nhập viện điều trị. Không chỉ có vậy, thời tiết mùa đông xuân năm nay cũng diễn biến bất thường với nền nhiệt độ nóng hơn mọi năm, đã trở thành điều kiện, môi trường thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus truyền bệnh phát triển mạnh.

Lo lắng trước nguy cơ nhiều bệnh nguy hiểm đang rình rập cuộc sống của người dân và cộng đồng, Bộ Y tế cho biết, không chỉ ở Việt Nam mà các nước trong khu vực, cũng như nhiều nước trên thế giới phải đối mặt với tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, với sự gia tăng nhanh chóng số người mắc và tử vong. Trong năm 2017, tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên người ở Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trong đó nhiều dịch bệnh trên thế giới như: Ebola, cúm gia cầm H7N9, Mers-CoV có khả năng xâm nhập vào nước ta nếu chúng ta không thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh. Trong khi đó, các dịch bệnh lưu hành trong nước như: sốt xuất huyết, Zika, tay chân miệng, dại, viêm não virus, liên cầu lợn, cúm... vẫn chưa thể khống chế được và việc giảm số người mắc, tử vong do các dịch bệnh lưu hành gây ra là rất khó khăn. Thậm chí ngay cả các dịch bệnh đã có vaccine phòng ngừa vẫn có thể tiếp tục ghi nhận các ca mắc ở những “vùng lõm” có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Không khó để thấy rằng trong năm vừa qua, cả nước nỗ lực tập trung nhiều biện pháp để phòng chống, ngăn chặn và khống chế, không để nhiều dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập vào nước ta hay bùng phát thành dịch lớn. Thế nhưng thực tế cho thấy, số người mắc và tử vong do dịch bệnh vẫn ở mức cao khiến người dân không khỏi lo lắng. Trong số các dịch bệnh lưu hành chỉ riêng sốt xuất huyết trong năm qua cũng đã khiến 110.876 người mắc với 36 ca tử vong, còn dịch bệnh tay chân miệng cũng ghi nhận hơn 45.000 trường hợp mắc với 1 trường hợp tử vong. Thậm chí, một số dịch bệnh đã có vaccine phòng ngừa như: sởi, dại, ho gà, bạch hầu, bại liệt vẫn có rải rác các ổ dịch bùng phát làm nhiều người mắc. Trong khi đó, dịch bệnh mới nổi và xâm nhập vào Việt Nam là Zika cho tới thời điểm này đã ghi nhận được hơn 230 người mắc tập trung chủ yếu ở TPHCM, đáng lo hơn khi đã có 1 trường hợp bị dị tật đầu nhỏ liên quan tới Zika tại Đắk Lắk.

Đáng lo ngại, ngoài các yếu tố do thời tiết, biến đổi khí hậu tác động khiến các loại vi khuẩn, virus truyền bệnh phát triển mạnh thì môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, điều kiện vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm tại nhiều nơi chưa bảo đảm là nguyên nhân chính khiến cho dịch bệnh tăng cao. Cùng với đó ý thức phòng chống dịch bệnh của không ít người vẫn rất chủ quan, nhiều dịch bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng vaccine nhưng nhiều gia đình vẫn ngại không cho trẻ đi tiêm chủng vaccine. Thậm chí khi dịch bệnh xảy ra, cơ quan y tế yêu cầu người dân vùng dịch uống thuốc dự phòng, nhưng nhiều người vẫn không uống đúng theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Cùng với đó là sự bất hợp tác của không ít hộ dân khi cơ quan y tế ở địa phương tổ chức các đợt phun hóa chất xử lý ổ dịch. Về phía cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ở nhiều nơi cũng thiếu sự quan tâm, hỗ trợ đối với công tác phòng chống dịch. Thậm chí ngay cả không ít cán bộ y tế nhất là ở tuyến dưới còn mơ hồ, thiếu nhạy cảm trước tình hình dịch bệnh; năng lực giám sát, chẩn đoán và điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm virus, vi khuẩn gây dịch bệnh vẫn hạn chế.

Dịch bệnh nguy hiểm không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng mà còn tác động tiêu cực tới đời sống kinh tế - xã hội. Dịch bệnh cũng không né tránh bất cứ ai, mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nếu chủ quan coi thường. Để phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả đòi hỏi ngành y tế cần tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát thường xuyên đảm bảo phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên để kịp thời xử lý ổ dịch. Đồng thời đẩy mạnh triển khai giám sát trọng điểm các dịch bệnh mới nổi, rà soát các đối tượng và tổ chức tiêm chủng vaccine đầy đủ, kịp thời, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vaccine đạt trên 95% quy mô huyện và đảm bảo trên 90% quy mô xã phường, kiên quyết không để địa bàn trắng về tiêm chủng. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần coi phòng chống dịch bệnh là một trong những nhiệm vụ chính trị, gắn liền với thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quan trọng hơn bản thân mỗi người dân phải nêu cao trách nhiệm trong việc phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của cơ quan y tế, chủ động ngăn ngừa, bảo vệ sức khỏe của bản thân mình, gia đình và cộng đồng.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục