Rút hoài sợi dây kinh nghiệm

Có thể nói, chưa bao giờ phim Việt lại thất thu mùa tết như năm nay, thậm chí chưa hết tết, nhiều phim Việt đã bị bật ra khỏi rạp hoặc bị hạn chế suất chiếu, chỉ còn 3 - 5 suất/ngày. Có phim thì dường như chỉ còn chiếu ở hệ thống rạp của đơn vị có góp kinh phí đầu tư sản xuất. Nguyên nhân được chỉ ra, bên cạnh việc cạnh tranh với nhiều bom tấn của nước ngoài thì quy định gắn nhãn phim được áp dụng từ 1-1-2017 được đưa ra nhiều nhất. Thậm chí đó còn bị coi là đòn đau đối với nhà sản xuất.

Đây là năm đầu tiên việc phân loại độ tuổi khán giả cho phim ở 4 mức độ có hiệu lực, thay vì chỉ có C16 như trước đây, được đánh giá là một cơ hội tốt để các nhà sản xuất, nhà làm phim và phát hành phim tiếp cận thị trường. Cụ thể, phân loại phim để phổ biến theo 4 độ tuổi: P (phim được phổ biến rộng rãi), C13 (phim cấm khán giả dưới 13 tuổi), C16 (phim cấm khán giả dưới 16 tuổi), C18 (phim cấm khán giả dưới 18 tuổi). Theo tiêu chí này, 3 phim Việt ra rạp mùa tết này là Rừng xanh kỳ lạ truyện đính nhãn C13, Nàng tiên có 5 nhà đính nhãn C16 và Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu đính nhãn C13.

Nếu trước đây, cả nhà có thể cùng xem một phim trong một ca chiếu thì nay việc lựa chọn khó khăn hơn khi phải chọn phim có đính nhãn P (dành cho mọi đối tượng) hoặc mỗi lứa tuổi phải chọn một phim với giờ và suất chiếu khác nhau. Và vì thế mất đi đối tượng khán giả là các gia đình trong dịp tết chính là một “cái chết” được báo trước đối với nhà làm phim trong nước.

Đại diện Cục Điện ảnh lên tiếng cho rằng, trong số 5 phim chiếu trước và trong dịp Tết Đinh Dậu, chỉ 1 phim hòa vốn, 4 phim còn lại doanh thu thấp, rất thấp, thậm chí có phim “mất trắng”, sau khi trừ các chi phí. Nguyên nhân chính là chất lượng chưa đủ sức thu hút người xem chứ không phải do việc dán nhãn hạn chế đối tượng khán giả. Dẫn chứng cụ thể là việc thẩm định, đánh giá chất lượng phim được chấm theo 3 thang điểm: loại 1 (5 - 6,5 điểm); loại 2 (6,6 - 8,5 điểm); loại 3 (8,6 - 10 điểm). Phim tết các năm trước hầu hết chất lượng đạt loại 2. Năm nay, các phim chỉ đạt loại 1 (5 - 6 điểm), mặc dù sử dụng nhiều chiêu trò.

Cũng theo đơn vị có chức năng, việc thẩm định chia phim theo độ tuổi sẽ dẫn tới việc thay đổi thành viên ở Hội đồng thẩm định. Bên cạnh các nhà chuyên môn như các nhiệm kỳ trước, Hội đồng thẩm định phim mới có thêm các đại diện có trách nhiệm của các cơ quan: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Bộ Giáo dục - Đào tạo; Đoàn Thanh niên… Do đó, khó có chuyện có thể làm không minh bạch được.

Thực tế cho thấy việc dán nhãn phim để phân loại theo độ tuổi vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi. Và điều này đã gây không ít phiền toái cho các nhà sản xuất phim Việt và nhà phát hành phim khi nhập phim ngoại về chiếu tại Việt Nam. Với dẫn chứng có thể dễ dàng nhận thấy phim Tây du ký: Mối tình ngoại truyện là bộ phim gây khá nhiều tranh cãi về nội dung. Phần lớn ý kiến cho rằng, đây là bộ phim khá nhàm chán, kém hấp dẫn và không phù hợp với trẻ em vậy mà vẫn dán nhãn P - được phổ biến rộng rãi. Trong khi đó đơn vị sản xuất Rừng xanh kỳ lạ truyện từng thắc mắc là phim này không hề có cảnh bạo lực, hở hang... chỉ đơn thuần là phim hài mà bị dán nhãn C13. Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu có tiêu cực trong việc dán nhãn hay chỉ là sự cảm tính đơn thuần.

Trong khi các nước khác đã áp dụng hệ thống phân loại phim khá lâu thì Việt Nam mới bắt đầu thực hiện từ đầu năm nay và đáng tiếc là ngay sau đó việc dán nhãn đã đem lại tâm lý bất an đối với không chỉ các nhà sản xuất phim bởi những tiêu chí chung chung, thuật ngữ trừu tượng như hở hang, bạo lực… mà ngay đối với khán giả cũng cảm thấy phân vân, vì có phim nhãn P thì lại “thoáng” trong khi có phim dán nhãn C16, C18 lại không khác biệt nhiều so với C13.

Dẫu biết rằng không phải cái mới nào ngay khi mới ra đời đều tốt hơn cái cũ và được chấp nhận dễ dàng, đặc biệt là những quy chuẩn mới trong lĩnh vực mang tính nghệ thuật. Song trách nhiệm của người quản lý là phải nhanh chóng đưa được các quy định mới vào cuộc sống với trọn vẹn ý nghĩa là đem lại cho xã hội, cho người dân một môi trường làm việc, giải trí lành mạnh, minh bạch hơn. Đừng để “sợi dây kinh nghiệm” cứ tiếp tục lùng nhùng.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục