Náo loạn bởi “tài năng”

“Đất nước của tài năng âm nhạc!”. Đó là lời cảm thán của rất nhiều bạn xem đài khi ngày nào mở tivi ra, rà hết kênh này sang đài nọ, cũng gặp vô số các cuộc thi tài năng hát hò, đủ thể loại âm nhạc thị trường đang ưa chuộng, đủ mọi lứa tuổi, đủ giới, đủ nghề nghiệp, đủ hoàn cảnh. Cứ như tình hình mở gameshow, cuộc thi âm nhạc như hiện nay tại Việt Nam, có thể hiểu: Ở đất nước hơn 90 triệu dân, tài năng âm nhạc cũng nhiều như sao trên trời!

Trước, các cuộc thi tài năng âm nhạc chủ yếu chỉ trực tiếp vào buổi tối hai ngày cuối tuần. Nay, tài năng xuất hiện cả vào các ngày khác trong tuần, cứ có gameshow là kéo theo một loạt tài năng xuất hiện. Trước, tài năng xuất hiện được truyền hình trực tiếp trên truyền hình. Nay, chi phí hạn hẹp (vì nhiều gameshow quá, nhà đài kham không nổi), các cuộc thi tài năng được thu trước, phát lại sau, hoặc chỉ truyền hình trực tiếp đêm chung kết cho bà con xem rồi bình chọn này nọ. Trước, chỉ có nhạc trẻ là chủ yếu; nay, tài năng nhạc trẻ vẫn có đất sống, nhưng tài năng nhạc bolero còn có đất sống hơn, khi nhiều cuộc thi về thể loại nhạc này đều đều xuất hiện. Trước, chỉ có 1 đài trung ương, 1 đài thành phố lớn làm gameshow; nay “phong trào” lan rộng đến các đài tỉnh, được chia nhỏ theo kiểu kênh 1 của đài tỉnh có vài gameshow, vài cuộc thi khác qua kênh 2 của đài, để kênh nào cũng có thi tài năng.

Chưa hết, trước chỉ có thanh niên mới đủ điều kiện thi gameshow; nay, trẻ nhỏ thi nhiều không kém, người lớn tuổi cũng có show của mình. Rồi thi một người hát mãi cũng chán, nhà sản xuất chuyển qua thi nhóm, thi cặp đôi để đa dạng các thể loại tài năng cùng tham gia. Gần đây, tài năng âm nhạc lại có thể loại thi mới, nghe đâu bản quyền từ nước ngoài là cuộc thi bịt mặt hát, bịt hết cả mặt lẫn bịt nửa mặt chỉ lộ mũi và miệng. Rồi kéo theo đó là lượng theo dõi kênh YouTube của các nhà sản xuất chương trình cũng tăng vọt không kém. Người ta vô coi chất lượng tài năng thì ít, bình phẩm về anh A, chị B, cậu C quen quen bịt mặt đi thi thì nhiều, đã vô hình trung, tăng độ phổ biến của các gameshow. Hỏi sao nhà đài, nhà sản xuất không ồ ạt tổ chức thi tài năng?

Có cầu ắt có cung. Chừng nào còn có người xem, người bình phẩm chứng tỏ chương trình vẫn còn sống được. Và rồi ồ ạt hàng tuần, hàng trăm tài năng âm nhạc xuất hiện, thi thố tưng bừng cả sóng truyền hình. Nhà sản xuất cũng rất khôn khi chuẩn bị sẵn kịch bản, tuyển chọn từng đối tượng đi thi, để sao cho ly kỳ, thu hút, thương cảm nhất hòng mua lòng khán giả. Nhờ thế, những “hotboy bán kẹo kéo”, “hotgirl bán bong bóng” mới bừng sáng; rồi ca sĩ hết thời hay ca sĩ chờ hoài chưa thấy thời, cũng nhờ thế mà chuyển mình thành “sao gameshow”.

Đất nước ta lấy đâu ra lắm tài năng âm nhạc thế không biết? Chắc không nhiều đến vậy, bởi nhiều “tài năng” rớt cuộc thi này lại đăng ký thi cuộc thi khác, sau khi dừng một thời gian ngắn để “chiêm nghiệm, thay đổi phong cách, thay đổi tư duy” các kiểu. Thay đổi đó, nhiều khi đơn giản là thay đổi kiểu tóc, thay gu ăn mặc sexy hơn, giảm chừng chục cân, hay thay tên đổi họ cho giống tên tài tử Trung Quốc, Hàn Quốc, thêm tên tây cho kêu vào trước tên ta. Thay đổi càng “thâm sâu, bí hiểm”, càng dễ trở lại các cuộc thi tài năng, nhất là sau các chiêu trò PR của nhà sản xuất.

Khi truyền hình bị náo loạn bởi các tài năng âm nhạc, người ta đặt ra câu hỏi: Phải chăng đất nước này, chỉ có tài năng âm nhạc, với thể loại âm nhạc dễ bắt tai, thiếu tính nghệ thuật? Hiện tại, khi độ phổ biến của các gameshow âm nhạc kiểu như trên đang phủ kín đời sống văn hóa nghệ thuật, thì việc tìm ra, phát huy và đầu tư cho tài năng thật sự của các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác lại bị bỏ ngỏ. Các quỹ hỗ trợ tài năng văn học hiệu quả tới đâu, các cây viết tài năng có được quan tâm phát triển đúng mức? Rồi những tài năng loại hình nhạc bác học, họ được tìm thấy, hỗ trợ như thế nào để có thể được vinh danh cùng bạn bè quốc tế? Những tài năng nhảy múa - thể loại đòi hỏi sự hy sinh rất nhiều, được quan tâm ra sao, bên cạnh vài cuộc thi nhảy múa trên truyền hình đang dần bị bó hẹp? Và còn vô số những lĩnh vực khác của đời sống văn hóa nghệ thuật, cũng cần được tỏa sáng đúng nghĩa, bởi những gì mà các tài năng thật sự bỏ ra, sự hy sinh của họ để được sống với nghề, là đáng trân trọng. Chúng ta phải làm gì để phát huy những tài năng thật sự, thay vì suốt ngày ngơ ngác trước ma trận “tài năng” xuất hiện hàng tuần, hàng tháng trên sóng truyền hình cả nước?

Một nhạc sĩ trẻ khá tiếng tăm, cũng từng ngồi ghế giám khảo một số cuộc thi trên sóng truyền hình, từng chia sẻ: Có lẽ đã đến lúc nên giảm dần và tạm ngưng các cuộc thi hát trên truyền hình. Lý do, theo anh, lĩnh vực âm nhạc cần thêm thời gian để thở và phát triển một cách đúng đắn, cân bằng với chất lượng của những nghệ sĩ. Tài năng trẻ cần được nuôi dưỡng và phát triển theo thời gian. Theo xu thế này, hiện tại, nhiều gameshow ở nước ngoài cũng đã tạm ngưng để làm mới mình.

Phải chăng đã đến lúc cần những sân chơi mới cho thị trường âm nhạc, mà không phải cho bản thân những thí sinh muốn trở thành ngôi sao? Cứ với đà này, chúng ta sẽ chỉ tìm được những tài năng âm nhạc chín ép, mà khó có thể có những giọng hát thực sự tài năng.

LÊ NGỌC

Tin cùng chuyên mục