Vấn nạn thất thoát tài nguyên

Khai thác khoáng sản là một trong những ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng ở nước ta, nhưng thực tế ngân sách thu được từ hoạt động này chưa tương xứng với mức độ khai thác. Tệ hơn nữa, khai thác khoáng sản đang tiềm ẩn nhiều rủi ro và bất ổn, nhất là nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm khiến tài nguyên của đất nước kiệt quệ nghiêm trọng...

Khai thác khoáng sản là một trong những ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng ở nước ta, nhưng thực tế ngân sách thu được từ hoạt động này chưa tương xứng với mức độ khai thác. Tệ hơn nữa, khai thác khoáng sản đang tiềm ẩn nhiều rủi ro và bất ổn, nhất là nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm khiến tài nguyên của đất nước kiệt quệ nghiêm trọng...

Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề cần sớm khắc phục trong lĩnh vực khoáng sản ở nước ta là mức độ minh bạch, đặc biệt trong cấp phép và quản lý thu thuế, phí. Từ năm 2010 đến nay, khung chính sách và pháp luật về tài nguyên khoáng sản của Việt Nam đang từng bước hoàn thiện. Trong tiến trình đó, nhu cầu về minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác được coi là giải pháp hữu hiệu nhất để nâng cao năng lực quản trị. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn khoảng cách lớn giữa chủ trương, quy định về khai khoáng và thực tiễn thi hành. Liên quan đến vấn đề cấp phép, Luật Khoáng sản 2010 quy định thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng lại không quy định rõ các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp qua đấu giá, khiến việc lựa chọn nhiều khi không đạt được mục tiêu là doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện. Quy định hiện nay cũng không yêu cầu công khai quá trình cấp phép, từ thông tin doanh nghiệp đăng ký cấp phép cho đến doanh nghiệp được lựa chọn cấp phép. Việc thiếu các tiêu chí này đã khiến nhiều doanh nghiệp phải trả nhiều chi phí không chính thức để có được giấy phép khai thác.

Chỉ rõ về bất cập này, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, qua phát phiếu thăm dò, lấy ý kiến từ các doanh nghiệp cho thấy chi phí không chính thức - “bôi trơn” để có được giấy phép khai thác của các doanh nghiệp khoáng sản luôn cao hơn 2% so với các doanh nghiệp khác. Thậm chí, ngay cả khi các quy định đấu giá về khai khoáng được kỳ vọng sẽ được áp dụng đại trà để giảm thiểu cơ chế “xin - cho” nhưng cho tới nay số trường hợp thực hiện đấu giá vẫn còn khá khiêm tốn.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có hơn 5.000 điểm mỏ và 60 loại khoáng sản khác nhau. Vào năm 2013, Việt Nam đã khai thác 42,6 triệu tấn than, 3 triệu tấn quặng sắt, 3 triệu tấn apatit, 193.000 tấn mangan và nhiều loại khoáng sản khác với sản lượng lớn... Thế nhưng, số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, tiền thuế tài nguyên thu được ngoài dầu khí trong giai đoạn 2011 - 2013 chỉ đạt 0,9% - 1,1% tổng thu ngân sách nhà nước. Nhiều địa phương phản ánh rằng tiền thuế tài nguyên thu được thậm chí không đủ cho chi phí quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản. Do đó, Viện Quản trị tài nguyên thiên nhiên từng đánh giá Việt Nam chỉ đứng thứ 41/58 quốc gia (xếp hạng là “yếu”) về mức độ minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng.

Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng và địa phương cần tăng cường quản lý, kiểm soát; đồng thời sớm có sự minh bạch trong mọi vấn đề liên quan tới khai thác khoáng sản, để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực và tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Nếu không, “rừng vàng, biển bạc” quốc gia ngày càng cạn kiệt, môi trường bị hủy hoại, trong khi nhiều người lại không ngừng giàu lên từ việc “rút ruột” lòng đất. Điều đáng tiếc là cho tới nay, Việt Nam vẫn chưa tham gia Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác khoáng sản (EITI). Đây là một tiêu chuẩn toàn cầu nhằm thúc đẩy tính minh bạch nguồn thu và trách nhiệm trong ngành khai thác khoáng sản. EITI ra đời từ năm 2003 và đến nay đã có 51 quốc gia tham gia để giúp ngăn ngừa tham nhũng, giảm thất thoát tài nguyên. Việt Nam đã tiếp cận và xem xét tham gia EITI từ năm 2007, song cho đến nay vẫn chưa chính thức tham gia. Cuối năm ngoái, trong một phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Phải khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản hiệu quả hơn, minh bạch hơn, trách nhiệm hơn. Nhiều nước tham gia EITI giúp các nước giàu tài nguyên tăng thu được hàng trăm triệu USD. Bộ Công thương cần sớm báo cáo về khả năng Việt Nam tham gia sáng kiến này”.

Cũng cần xác định rằng việc tham gia EITI hay bất cứ một sáng kiến, cơ chế quốc tế nào khác mới chỉ là bước khởi đầu. Thực thi nghiêm túc các quy định pháp luật trong nước và các cam kết quốc tế mới là yếu tố quyết định - liều thuốc hiệu nghiệm cho căn bệnh “chảy máu” khoáng sản và thất thu thuế từ nguồn tài nguyên.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục