Việt Nam với Asian Games - Asian Games với Việt Nam

Bóng bàn Việt Nam làm Tokyo rơi nước mắt

Asian Games 3 – 1958 tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản. Đoàn thể thao Việt Nam (lúc đó là Sài Gòn) đi bằng phi cơ cánh quạt (chong chóng) D.C6 Constellation của Air France từ sân bay Tân Sơn Nhất quá cảnh Hồng Công, rồi mới sang Tokyo.

Trong đoàn, ngoài các môn dự tranh như điền kinh, bơi lội, xe đạp, đấu kiếm… bóng bàn và bóng đá (trước gọi là túc cầu hay bóng tròn) là hai môn “tâm điểm” của Việt Nam. Thế nhưng, với môn bóng bàn thì trước khi đoàn đi không ai hy vọng gì nhiều, ngoài việc cố gắng “lượm” một cái huy chương đồng là tốt lắm rồi. Bởi lẽ, Nhật Bản vừa là nước chủ nhà, vừa là đương kim vô địch thế giới đồng đội và đơn nam (tay vợt Tanaka) thì Việt Nam làm gì có cửa.

Thế nhưng, thực tế không phải vậy. Đội tuyển bóng bàn Việt Nam dự Asian Games 3 do ông Đinh Văn Ngọc làm trưởng đoàn, ông Chu Văn Sáng làm HLV, cùng 5 tay vợt là Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được, Trần Văn Liễu, Lê Văn Tiết và Nguyễn Kim Hằng. Ở giải đồng đội, Việt Nam thắng Philippines 5-1, Đài Loan 5-1, Iran 5-2, Hồng Công 5-1 và Hàn Quốc 5-3 ở bán kết.

Trận chung kết diễn ra lúc 19 giờ đêm 17-5-1958 tại nhà thi đấu thể thao Tokyo. Mai Văn Hòa “lãnh ấn tiên phong” thắng Sunoda 2-1 (21/14, 14/21, 21/19), Trần Cảnh Được thua lại Ichiro Ogimura 0-2 (11/21, 17/21), nhưng Lê Văn Tiết “đo ván” nhà vô địch thế giới Toshiaki Tanaka 2-0 (21/19, 21/18). Việt Nam tạm dẫn 2-1. Cả khán phòng nín lặng, nhưng người Nhật không tin mình có thể thua trận, nhất là trong tay họ có Ichiro Ogimura. Tay vợt có lối đánh khó chịu này tiếp tục hạ Mai Văn Hòa 2-1 (21/12, 15/21, 21/17), gỡ hòa 2-2. Thế nhưng, chỉ 30 phút sau, Lê Văn Tiết và Trần Cảnh Được giúp Việt Nam vượt lên trước 4-2, sau khi thắng tiếp Sunoda 2-0 (21/6, 21/11) và Tanaka 2-0 (21/15, 21/16).

Ichiro Ogimura quả là tay vợt cự phách, khi hoàn thành cú “hattrick” cho mình, với trận thắng thứ ba trước Lê Văn Tiết 2-0 (21/11, 21/16). Đến thời điểm này, mọi kỳ vọng của người Nhật đặt vào nhà vô địch thế giới Tanaka, nhằm san bằng cách biệt 4-4, mở đường cho Sunoda đánh trận quyết định (trận thứ 9 theo luật cũ) với Trần Cảnh Được. Cuộc so vợt giữa Tanaka và Mai Văn Hòa quá gay cấn. Hai bên so kè nhau từng điểm, trước khi Hòa bứt phá ở đoạn cuối ở hai ván liền, với tỉ số 21/17, 21/18.

Khi quả banh cuối cùng vừa kết thúc, Tanaka buông vợt chạy lên khán đài ôm mẹ khóc nức nở. Cả Tokyo, cả nước Nhật cùng rơi nước mắt theo Tanaka. Người Nhật bại trận ngay trên sân nhà. Một tờ báo Nhật hôm sau đã viết: “Đây là lịch sử đau buồn của thể thao Nhật sau biến cố bị mất chức vô địch thế giới Judo hạng nặng vào tay VĐV Hà Lan Anton Geesing”. Ngoài chức vô địch đồng đội nam, cặp Mai Văn Hòa/ Trần Cảnh Được thắng cặp Li Kou Tin/Sen Long Shung (Đài Loan) 3-1 trong trận chung kết, đoạt huy chương vàng đôi nam và cặp Trần Văn Liễu/ Lê Văn Tiết đoạt huy chương đồng.

Đoàn thể thao Việt Nam tại Asian Games 3 với 2 HC vàng, 1 HC đồng, xếp vị trí thứ 8/20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tiếp theo là Nhật Bản (67, 41, 30), Philippines (8, 19, 21), Hàn Quốc (8, 7, 12), Trung Quốc (6, 9, 10), Pakistan (6, 5, 4), Ấn Độ (5, 3, 3), Iran (4, 6, 6).

Asian Games 3 qui tụ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 1.820 vận động viên tranh tài ở 13 môn thể thao, từ ngày 24-5 đến 1-6-1958. Thành tích của các tay vợt bóng bàn Việt Nam tại Asian Games 3 có lẽ là tốt nhất cho đến trước Asian Games 14. Vì sau đó, tại Asian Games 4-1962 ở Jakarta (Indonesia), Việt Nam trắng tay, rồi đoạt 1 HC bạc, 2 HC đồng tại Asian Games 5-1966 và 2 HC đồng tại Asian Games  6-1970 đều ở Bangkok (Thái Lan).

LINH GIAO


- Kỳ sau: Hội nhập

Tin cùng chuyên mục