Lịch sử Quả bóng vàng Việt Nam – Những điều chưa biết

Kỳ 1: Ý tưởng ban đầu

Kỳ 2:

Đội tuyển bóng đá nam Việt Nam lên đường sang Chiang Mai (Thái Lan) dự SEA Games 18-1995, dưới sự dẫn dắt của HLV trưởng người Đức Karl Heinz Weigang. Thế nhưng, lần đó, hy vọng đặt vào đội tuyển không cao, vì ai cũng mặc cảm ở hai lần đi trước: xếp cuối bảng tại SEA Games 16 (hòa Philippines 2-2, thua Malaysia 1-2, thua Indonesia 0-1) và hạng 3/4 tại SEA Games 17 (thắng Philippines 1-0, thua Indonesia 0-1, thua Singapore 0-2). Thế rồi, kết quả thu được qua từng trận đấu tại SEA Games 18 làm mọi người phấn khởi: thắng Malaysia 2-0, Campuchia 4-0, thua Thái Lan trong một trận cầu hay 1-3, rồi loại Indonesia 1-0 bằng bàn thắng của tiền vệ Hữu Đang, lọt vào đến bán kết.

Kết quả này làm người hâm mộ Việt Nam vui mừng. Thế nhưng, trận bán kết gặp Myanmar là cửa ải vô cùng khó của đội tuyển Việt Nam. 4 trụ cột tái phát chấn thương nặng sau trận này, một vị trí chủ lực nhận thẻ vàng thứ hai đành vắng mặt trận tới. Nói chung, đoàn quân của “tướng Weigang” tơi tả, dù vượt qua đối thủ Myanmar, vốn cũng te tua với chỉ 9 cầu thủ trên sân.

Song, chính “bàn thắng vàng” của tiền đạo Trần Minh Chiến (khoác áo CLB Công an TPHCM) vào lưới Myanmar, chính thức đoạt vé vào chung kết mới là nguồn cảm hứng cho tôi nghĩ ra giải thưởng “Quả bóng vàng”. Khi ấy, ngồi phía sau khung thành, chứng kiến cú vô lê tuyệt đẹp của Trần Minh Chiến, tôi nghĩ phải có một giải thưởng cá nhân dành tặng cho cầu thủ Việt Nam, tôn vinh họ sau một năm cống hiến. Còn tên gọi giải thưởng? Chữ “vàng” trong “bàn thắng vàng” của Chiến chính là ý tưởng tên gọi. Lập tức, tôi chạy về Trung tâm báo chí nằm trong khu Liên hợp thể thao Chiang Mai để điện về Việt Nam xin ý kiến “sếp” Hồ Nguyễn. Cuộc trao đổi ngắn qua điện thoại đã nhận được sự nhất trí cao từ bên nhà, dù mọi người có hơi e ngại: “Tên gọi giải thưởng Quả bóng vàng có lớn quá không? Thế giới họ dùng rồi, còn Việt Nam mình thì nhỏ bé quá!”. Tôi lập luận: “Thế giới họ làm là chuyện của họ, còn sân chơi này là của bóng đá Việt Nam. Cầu thủ mình xứng đáng được tưởng thưởng bằng tên gọi đó”.

Thế là công việc tổ chức “nổ máy” ngay sau đêm bán kết. Từ Chiang Mai, tôi viết vội kế hoạch, rồi fax về tòa soạn sáng hôm sau. Anh Hồ Nguyễn xin ý kiến Ban biên tập và được chấp thuận, liền tiến hành cuộc họp qua điện thoại với anh Trần Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Tiếp thị Thể thao Á Vận (công ty Tiếp thị Thể thao đầu tiên tại Việt Nam). Giám đốc Tiếp thị Tiger Beer Việt Nam Edward Goh hào hứng nhận lời đề nghị làm tài trợ chính. Công việc diễn ra nhanh đến chóng mặt, vì chỉ vài tuần sau, lễ bầu chọn “Quả bóng vàng Việt Nam lần 1-1995” diễn ra ngay tại phòng họp của Báo SGGP, với sự tham dự của đông đủ báo, đài, nhà tài trợ, các quan chức Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và TPHCM.

Có một điều bất ngờ trong kết quả bầu chọn lần đó. Ngoài hai danh hiệu đầu tiên bứt đi khá xa, với Lê Huỳnh Đức (đội Công an TPHCM) đoạt Quả bóng vàng, thủ môn Nguyễn Văn Cường (Bình Định) đoạt Quả bóng bạc thì Quả bóng đồng là cuộc so kè giữa Nguyễn Hữu Đang (Khánh Hòa) và Trần Minh Chiến (Công an TPHCM). Chiến thua đúng 1 phiếu, mà sau này mới biết lý do vì sao.

----------------
Kỳ 2: Lý do Chiến thua Đang và việc chế tác các quả bóng giải thưởng.

MINH HÙNG

Tin cùng chuyên mục