Ông Tô chọn cửa chính

Giao hữu chỉ là giao hữ
Ông Tô chọn cửa chính

Quyết định chỉ ở cùng đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho giải đấu giao hữu tranh Cúp bóng đá TPHCM của HLV Calisto một lẫn nữa khiến cho nhiều người ngạc nhiên. Tất nhiên, với những người tổ chức giải đấu thì một lần nữa… ứa gan. Vậy nhưng chúng tôi bỏ 1 phiếu ủng hộ cho ông Calisto với quyết định chăm sóc hết mình cho đội tuyển Olympic Việt Nam.

Giao hữu chỉ là giao hữ

Có thể thấy việc HLV Calisto chủ động quên đi Công Vinh cũng như dễ dàng chấp nhận cho phép Quang Thanh, Vũ Phong những cầu thủ chủ chốt của đội tuyển vắng mặt ở giải đấu giao hữu này là sự tính toán thận trọng. Với Vinh, việc anh phải tiếp tục ở lại CLB của Bồ Đào Nha để vượt lên chính mình ở thời điểm này mới là quan trọng. Quan trọng cho chính Vinh và quan trọng cho cả bóng đá Việt Nam, nếu Vinh trưởng thành hơn. Còn với Quang Thanh, Vũ Phong, Anh Đức, đó là lần đầu tiên người ta thấy quyền lợi của đội tuyển và quyền lợi của CLB được dung hòa tốt đến thế. Rõ ràng với bài tính, để 3 cầu thủ của Bình Dương ở lại CLB để giúp cho CLB của họ đi xa hơn ở một giải đấu chính thức của châu lục sẽ có lợi hơn so với việc họ góp mặt ở đội tuyển chỉ để kiểm tra phong độ. HLV Calitso và VFF đã bước một bước dài trong việc tính toán chiến lược.

HLV Calisto cần thiết cho đội tuyển Olympic nhiều hơn. Ảnh: Quang Minh
HLV Calisto cần thiết cho đội tuyển Olympic nhiều hơn. Ảnh: Quang Minh

Năm 2008, cũng chính ông thầy người Bồ đã chứng minh rằng, không thể lấy thành tích của một giải đấu giao hữu chỉ nhằm kiểm tra phong độ, năm đó Cúp TPHCM chỉ là nơi để ông thử nghiệm những sự hoán đổi vị trí và những người mới. Có vẻ như năm nay, mọi chuyện vẫn diễn ra theo hướng ấy, khi mà ông sẽ giao toàn quyền huấn luyện cho Huỳnh Đức, và tất nhiên, những Tuấn Anh (Thể Công), Sỹ Mạnh (Ninh Bình), Tuấn Vũ (Huế) sẽ lại có dịp được thử lửa như Chí Công, Hoàng Vương hay Ngũ Chí Thắng khi xưa.

Tất nhiên, mọi chuyện có khác đi chút ít khi bây giờ đội tuyển Việt Nam đang là đương kim vô địch Đông Nam Á, nhưng cũng có lẽ vì thế mà ông thầy người Bồ tin rằng chỉ với một nửa đội hình chính thôi thì tuyển quốc gia vẫn có thể chơi ngang ngửa với các khách mời? Có thể lắm, bởi chính ông đã tận mắt chứng kiến Bình Dương đã làm được điều đó, không có trong tay đội hình mạnh nhất, nhưng khi các cầu thủ có khát vọng và sự tự tin, họ khác hẳn. Biết đâu, với sự hờ hững của ông thầy người Bồ, tuyển Việt Nam sẽ tự ái và chơi hay hơn?!

Tuyển Olympic quan trọng hơn ở thời điểm này

Rõ ràng SEA Games đã cận kề, nhưng đội Olympic Việt Nam đến thời điểm này vẫn chưa nên hình hài nào cả, lo lắng hơn chính là việc họ chưa có những trận đấu giao hữu để thử sức mình cũng như điều chỉnh những điều chưa hợp lý. Thậm chí, việc loại đi các cầu thủ sau đợt tập huấn vẫn còn bị trù trừ thì đủ hiểu tuyển Olympic của chúng ta hiện nay vẫn chỉ là những viên gạch rời, nó khác hẳn với những bức vách được gây dựng ở đội tuyển, mà cùng lắm chỉ phải chọn vài viên gạch vừa vặn để trám vào lỗ hổng. Đó có lẽ là lý do lớn nhất mà HLV Calisto chọn đội Olympic thay vì chọn cách sát cánh cùng đội tuyển Việt Nam ở một giải mời.

Điều đó hoàn toàn hợp lý bởi lẽ, khi mà đội tuyển Việt Nam đoạt cúp AFF lần đầu tiên, nhiều người vẫn không dám đặt trọn niềm tin rằng chúng ta đã có sự thay đổi thật sự, một chút gì đó trong lòng người ta vẫn đặt câu hỏi: “Có hay không sự may mắn nhất thời?”. Thế nhưng trong thời gian gần đây, những tín hiệu vui với bóng đá Việt Nam ngày càng nhiều, tuyển U19 chơi khởi sắc và có thành tích ở giải đấu quốc tế, ở cấp độ CLB cũng vậy, Bình Dương đã lần đầu tiên đại diện bóng đá Việt Nam lọt vào đến bán kết AFC Cup. Nhưng, tính đến SEA Games 24 kết thúc thì từ ngày hội nhập với cuộc chơi này, bóng đá Việt Nam chưa bao giờ vượt qua được ngưỡng HCB, dẫu có lúc chúng ta có cả thiên thời địa lợi với việc SEA Games được tổ chức ngay trên sân nhà.

Trách nhiệm của HLV Calisto là nâng cao vị thế của nền bóng đá Việt Nam và ông đã không làm sai những gì mình nói, dẫu rằng có người lo sợ rằng bộ mặt của bóng đá Việt Nam, đội tuyển Việt Nam sẽ bị lem nhem bởi những trận thua ở Cúp TPHCM lần này. Nói là ông vẫn giữ lời, bởi tin chắc rằng VFF đã tính toán sẵn và họ hiểu rằng để đánh giá về một nền bóng đá, người ta không thể chỉ nhìn vào đội tuyển. Sự phát triển của một nền bóng đá phải được đánh giá dựa trên tổng quan thành công của các CLB, các đội tuyển lứa U và tất nhiên, đội Olympic có thành công hay không rất quan trọng trong việc đánh giá thang điểm.

Có lẽ nên vui hơn là buồn khi mà HLV Calisto chỉ ở TPHCM chỉ với vỏn vẹn 4 ngày bởi các cầu thủ cần ông chỉnh sửa nhiều hơn đang ở Hà Nội. Có lẽ nên vui hơn buồn, bởi HLV Calisto chọn cách chấp nhận đối đầu với sự “rầu lòng” từ vài quan chức VFF đứng tên trong BTC giải đấu mời để vì mục tiêu xa hơn. Và có lẽ nên vui hơn là buồn, bởi cho đến thời điểm này, khi ông Calisto vẫn chưa được ngỏ lời mời ở lại cùng bóng đá Việt Nam thì ông vẫn nghĩ đến cái chung.

Cơ hội lớn cho các HLV trẻ

Gọi Văn Sỹ, Phan Thanh Hùng rồi cả Huỳnh Đức lên làm phụ tá cho mình, HLV Calisto đã tạo nên sự phấn khích từ những cựu cầu thủ khi có thể học việc một HLV được coi là xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam trong những năm qua. Thế nhưng có vẻ mọi thứ còn “tốt hơn tưởng tượng” như cái cách các HLV trẻ tuổi nghề tâm sự. Chắc hẳn người ta chưa từng quên HLV Lê Thụy Hải cay đắng nói thẳng, những ngày ông ở đội tuyển có ai chịu nghe ông góp ý đâu, cùng lắm nhiệm vụ của trợ lý HLV cũng chỉ là bơm bóng, xách nước thôi. Lần này thì khác, các trợ lý được giao việc cụ thể đúng nghĩa là một trợ lý HLV. Họ hỗ trợ HLV trong việc hướng dẫn các cầu thủ tập luyện, họ được phép giới thiệu người và cả đề xuất loại cầu thủ ra khỏi đội hình. Quan trọng nhất, không chỉ có thế họ được trao cho sự tin tưởng. Họ được giao cho cả việc huấn luyện khi mà HLV vắng mặt, điều trước nay chưa từng xảy ra ở cấp độ đội tuyển.

Người ta hy vọng đây sẽ là bước tạo đà cho một ngày mai, một ngày nào đó các HLV Việt Nam được tin tưởng giao đội tuyển để tham dự một giải đấu chính.

PHẠM HOÀNG

TẤT ĐẠT

Tin cùng chuyên mục