Bóng đá miền Tây: Bao giờ “cất cánh”?

Chỉ có một Đồng Tháp?
Bóng đá miền Tây: Bao giờ “cất cánh”?

Miền Tây từng có một “tứ giác bóng đá” danh tiếng với các tên như Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang và Long An… Thêm vào đó, những Vĩnh Long, Cần Thơ cũng thường xuyên được nhắc đến trong suốt chiều dài lịch sử bóng đá Việt Nam. Nhưng gần chục năm qua, chỉ có Đồng Tháp là còn giữ được uy danh. Long An từ khi chuyển cho GĐT thì cũng không thực sự được xem là một đại diện của vùng sông nước này nữa.

Đồng Tháp vui mừng chiến thắng: Họ có một tập thể xuất sắc dù không nổi tiếng. Ảnh: Đ.Đ.

Đồng Tháp vui mừng chiến thắng: Họ có một tập thể xuất sắc dù không nổi tiếng. Ảnh: Đ.Đ.

Chỉ có một Đồng Tháp?

Cứ xem cách Đồng Tháp đào tạo và giới thiệu các lứa cầu thủ đều đặn nổi tiếng mới thấy tiềm năng của bóng đá miền Tây lớn đến đâu. Các cầu thủ có xuất xứ từ vùng đồng bằng đang là trụ cột tại Bình Dương (Trường Giang, Vũ Phong), HA.GL (nhóm cầu thủ Đồng Tháp) và tất nhiên, ĐT.LA. Dù tài năng của mình lần lượt ra đi nhưng Đồng Tháp hiện vẫn “sống khỏe”, là hiện tượng trong 2 mùa bóng vừa qua dù cứ mỗi đầu mùa là người ta lại dự báo họ sẽ xuống hạng đầu tiên.

Ở giải hạng nhất, với 3 đại diện, bóng đá miền Tây cũng chiếm đa số nếu so tính vùng – miền. Thế nhưng, 2,5 suất lên hạng chưa chắc đã đến tay họ. Tiềm năng không phải là không có nhưng loay hoay suốt 10 năm qua, cả khu vực đồng bằng vẫn chưa có một đội bóng tư nhân đúng nghĩa, vẫn đang nằm ở trạng thái một nửa ngân sách được bao cấp.

Ví dụ như Cần Thơ, thủ phủ kinh tế của đồng bằng sông Cửu Long, có sân vận động thuộc loại lớn nhất nước nhưng vẫn không cách gì chuyển đổi được mô hình hoạt động. Còn Tiền Giang, “thâm niên” đá bóng thì khỏi phải bàn, có ông Hai Hùng (ông Nguyễn Nam Hùng) rành rẽ bóng đá Việt Nam nhưng cứ “thậm thà, thậm thụt” ở ngưỡng nhà nước – tư nhân 5 năm qua.

Điển hình vẫn là An Giang, tưởng đã chuyển hẳn cho An Đô Group, ai ngờ chỉ sau 2 mùa tự nhiên trở về tình trạng “không có gì để … bán”. Thậm chí, ngay cả  Đồng Tháp, việc chuyển giao cho Tập đoàn Cao su vẫn chưa biết khi nào mới hoàn thành. Nói cách khác, không thể nói bóng đá miền Tây không nỗ lực cho bằng chị, bằng anh nhưng dường như đang gặp một lực cản nào đó, không thoát ra được.

Tư duy... thong thả

Tưởng chuyện đùa, ai ngờ lại thật 100%. Như Tiền Giang, mùa bóng này phải cậy nhờ Nghệ An cả quân lẫn tướng. Năm trước, An Giang phải vời đến ông Lê Thế Thọ từ Hà Nội vào, Cần Thơ thì mua cả cầu thủ phía Bắc mới có người đá. Trong khi Đồng Tháp dư người để bán thì các láng giềng lại thiếu trước, hụt sau.

Cầu thủ trẻ không hề thiếu tại miền Tây nhưng cứ trưởng thành là đi đâu mất. Vì không có tiền, các đội bóng không duy trì nổi mạch đào tạo dài hơi hơn nên cầu thủ vừa… hết trẻ là ra đi. Ráng lắm, Đồng Tháp mới ký hợp đồng 5 tỷ đồng với thủ môn Tấn Trường nhưng nếu Tấn Trường không muốn ở lại thì số tiền đó cũng khó lòng giữ nổi. Trường hợp như Long Giang, dù chưa hết tuổi 23 vẫn cứ muốn ra đi.

Tiền là một chuyện, nhưng vấn đề là cái chất bao cấp vẫn còn quá nặng tại bóng đá vùng đồng bằng. Cái lối sống vừa đủ, hài lòng với bản thân của người miền Tây không hợp với bóng đá hiện đại. Một đằng họ vẫn muốn trở thành CLB chuyên nghiệp nhưng đằng khác, vẫn cứ thích “có sao, chơi vậy”.

Rất nhiều doanh nghiệp đến với bóng đá miền Tây nhưng chính kiểu nghĩ “thong thả” ấy không đủ sức hút với doanh nghiệp. Không có tiền, giờ mà thúc các đội miền Tây thăng hạng thì chẳng khác nào thảm cảnh của Tiền Giang cách đây mấy mùa…

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục