Từ chuyện AVG muốn thâu tóm bản quyền truyền hình của 20 Liên đoàn thể thao

Háo hức một cách... dè dặt!

Thời gian gần đây, dư luận quan tâm tới việc Công ty nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) đang thương lượng để mua độc quyền bản quyền truyền hình của 20 Liên đoàn thể thao trong vòng 20 năm. Hầu hết đại diện các liên đoàn đều tỏ ra phấn khởi vì sẽ thu được tiền bản quyền khi tổ chức các sự kiện thể thao, nhưng lại không tránh khỏi sự dè dặt bởi bản hợp đồng mà AVG đưa ra quá dài.
Háo hức một cách... dè dặt!

Thời gian gần đây, dư luận quan tâm tới việc Công ty nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) đang thương lượng để mua độc quyền bản quyền truyền hình của 20 Liên đoàn thể thao trong vòng 20 năm. Hầu hết đại diện các liên đoàn đều tỏ ra phấn khởi vì sẽ thu được tiền bản quyền khi tổ chức các sự kiện thể thao, nhưng lại không tránh khỏi sự dè dặt bởi bản hợp đồng mà AVG đưa ra quá dài.

Việc AVG đặt vấn đề mua bản quyền của toàn bộ các Liên đoàn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, điền kinh… đã tạo ra một sự thay đổi hoàn toàn cách nghĩ về chuyện này. Trước đây, các Liên đoàn thể thao muốn đưa được hình ảnh các cuộc thi đấu qua đó thu hút các nhà tài trợ đều phải “lót tay” cho một số cán bộ của nhà đài. Thì giờ đây, họ thậm chí còn thu được tiền bản quyền truyền hình, đặc biệt ở môn bóng đá thì số tiền cao hơn nhiều so với trước đây.

Sự kiện AVG muốn thâu tóm bản quyền truyền hình của những môn thể thao hấp dẫn như bóng chuyền đang khiến các Liên đoàn thể thao nghi ngại. Ảnh: Nguyễn Nhân

Sự kiện AVG muốn thâu tóm bản quyền truyền hình của những môn thể thao hấp dẫn như bóng chuyền đang khiến các Liên đoàn thể thao nghi ngại. Ảnh: Nguyễn Nhân

Ở mùa bóng 2010 vừa qua, các đài truyền hình chỉ trả cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam 20-30 triệu đồng/trận ở giải V-League, mà phía đối tác chỉ chọn 1 đến 2 trận đấu mỗi vòng. Bởi thế, khi AVG đưa mức phí tăng cao hơn nhiều, cộng thêm cả phần trăm của các dịch vụ phát sinh thì lãnh đạo VFF tất nhiên gật đầu và 2 bên đang thương thảo hợp đồng để có thể ký trong thời gian sắp tới. Việc VFF đi đầu ký hợp đồng với AVG được các Liên đoàn thể thao khác quan tâm và suy tính cách “liệu cơm gắp mắm”. Có những Liên đoàn như điền kinh hiện đã thành lập “tổ công tác” nhằm bàn bạc mức tài trợ, các biện pháp ràng buộc với đối tác, thậm chí thuê cả luật sư vào cuộc.

Lãnh đạo các Liên đoàn thể thao hồ hởi khi bán được bản quyền truyền hình, nhưng lại dè dặt vì AVG chỉ đưa ra mức giá vài chục triệu đồng cho 1 giải đấu. Số tiền này chưa đủ để làm hài lòng những Liên đoàn thể thao lớn. Thực ra thì các liên đoàn đang hy vọng AVG sẽ đưa lên sóng truyền hình nhiều sự kiện thể thao hơn qua đó thu hút người tập thể thao, thu hút các nhà tài trợ.

Nhưng vấn đề đặt ra là liệu AVG có thể “phủ sóng” các giải đấu thể thao mà họ đã mua bản quyền? Trên thực tế, AVG không có sóng của các đài truyền hình, nên việc họ có đưa được các trận đấu thể thao của cả 20 Liên đoàn thể thao lên các kênh truyền hình hay không là điều không dễ. Các giải đấu của Việt Nam đã có những thay đổi về chất và lượng so với trước đây, nhưng chưa đủ sức hấp dẫn người xem truyền hình. Như thế, AVG có thể bán được bản quyền truyền hình hay không lại là chuyện khác.

Ngoài ra, việc AVG đưa ra thời gian hợp đồng kéo dài đến 20 năm cũng rất khó thực hiện. Ban chấp hành của một Liên đoàn thể thao thường chỉ tồn tại theo nhiệm kỳ 4 đến 5 năm. Nên khi hết nhiệm kỳ, liệu BCH mới có chấp nhận những gì mà BCH cũ đã ký. Kinh nghiệm ở các nước phát triển cho thấy, việc ký hợp đồng dài hạn nhưng với mức giá thấp có thể gây thiệt hại lớn cho chính các liên đoàn khi thời giá thay đổi.  

Thanh Phong

Tin cùng chuyên mục