“Tiqui - taca Việt Nam”, tại sao không?

"Tiqui - taca” là thuật ngữ chỉ một trường phái bóng đá đẹp, dựa trên nền tảng phối hợp “nhuyễn, nhỏ” theo kiểu đập - nhả liên tục với kỹ thuật cá nhân cao. Thuật ngữ này thường được dùng cho đội tuyển Tây Ban Nha, đội bóng xây dựng thành công trên những tiền vệ thấp người nhưng kỹ nghệ nhồi bóng thì thuộc hàng thượng thừa.

Rất nhiều chuyên gia đều thừa nhận, dù ở thời gian nào, bóng đá Việt Nam đều có 2 điểm khó thay đổi: thể hình cầu thủ thấp và khả năng chơi bóng kỹ thuật. Về thể hình, đấy là yếu tố chung của thể trạng người Việt. Chính vì điều này mà cầu thủ chúng ta lại có thiên hướng chơi bóng khéo léo và suốt 50 năm qua, những danh thủ nổi bật với đa số là những tiền vệ, chiều cao khiêm tốn nhưng độ khéo léo có thừa. Ngay đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2010, dù đã 35 năm sau ngày thống nhất đất nước vẫn chỉ có chiều cao trung bình chưa đến 1,75m. Còn thực tế tại V-League nhiều năm qua, các tiền đạo nội không cạnh tranh nổi suất trên hàng công do hạn chế thể hình cũng như sức mạnh trong tì, đè.

Ông Calisto đã gần như tìm ra được kiểu chơi phù hợp với Việt Nam khi xây dựng nền tảng chiến thắng trên hàng tiền vệ 5 người. Phát huy tối đa sự khéo léo và khả năng di chuyển thông minh dù các tiền vệ Việt Nam chỉ tầm 1,70m. Suốt 3 năm qua, số bàn thắng do tiền đạo ghi chỉ chiếm 1/4 đủ thấy ưu thế nổi bật của lối chơi dựa vào hệ thống giữa sân này. Đã có thời điểm, Việt Nam từng phảng phất nét “tiqui-taca”. Tất nhiên là ở trình độ thấp và không ổn định.

Thế thì tại sao không chọn lối chơi chính là “tiqui-taca kiểu Việt Nam”.

Chúng ta không hề bỡ ngỡ với lối chơi này. Giai đoạn hoàng kim của Cảng Sài Gòn vẫn được lưu nhớ trong đầu những người yêu bóng đá một phong thái “nhuyễn – nhỏ” do HLV Phạm Huỳnh Tam Lang xây dựng dựa trên chiều cao trung bình 1,70m của cầu thủ Cảng. Ở thời điểm đó, phía Bắc có một Công an Hà Nội đá rất “quái”, đúng trường phái bóng đá phía Bắc, cũng vẫn dựa trên nền tảng “đập - nhả” chuyền bóng triển khai chiến thuật. Xét về chuyên môn, trong 30 năm qua, chính Cảng SG và Công an Hà Nội là những đội hiếm hoi thể hiện rõ trường phái chơi bóng và thành công mặc dù về thành tích họ kém Thể Công (chủ yếu do lực lượng không dồi dào bằng).

Đáng tiếc là cho đến nay, dù thực tế chứng minh Việt Nam có ưu thế để đá “tiqui - taca” nhưng chưa ai thống nhất một lối chơi mang đậm bản sắc Việt. Chúng ta cũng đã thụ hưởng những tìm tòi của ông Calisto nhưng vẫn chưa hệ thống hóa cách chơi đó. Việc tìm kiếm một HLV mới cho đội tuyển Việt Nam dù là cần thiết nhưng quan trọng nhất là chính bóng đá Việt Nam phải cấp thiết tự định hình phong cách của mình rồi mới đặt ra những tham vọng khác về mặt con người.

THÚY OANH

Tin cùng chuyên mục