Thần tượng và người thầy

Bóng đá ở đâu cũng thế, một HLV giỏi thường chỉ xuất phát từ 2 dạng: Hoặc là một cựu danh thủ có thành tích lẫy lừng, hoặc là một bậc thầy về lý thuyết bóng đá với khả năng am hiểu sâu rộng về mọi lĩnh vực trong công tác huấn luyện. Điểm chung của cả 2: đủ khả năng thuyết phục cầu thủ tôn trọng mình trước khi bắt họ phải nghe mình.
Thần tượng và người thầy

Bóng đá ở đâu cũng thế, một HLV giỏi thường chỉ xuất phát từ 2 dạng: Hoặc là một cựu danh thủ có thành tích lẫy lừng, hoặc là một bậc thầy về lý thuyết bóng đá với khả năng am hiểu sâu rộng về mọi lĩnh vực trong công tác huấn luyện. Điểm chung của cả 2: đủ khả năng thuyết phục cầu thủ tôn trọng mình trước khi bắt họ phải nghe mình.

Thần tượng và người thầy ảnh 1

Hai HLV gắn liền với bóng đá Việt Nam:Ông Calisto (trái) và Phan Thanh Hùng. Ảnh: Dũng Phương

Bóng đá Đông Nam Á đang có xu hướng trẻ hóa đội ngũ HLV của mình và họ khéo léo chọn các cựu danh thủ vào vị trí thuyền trưởng các đội tuyển trẻ. Trong mắt các cầu thủ độ tuổi 20-21 của Thái Lan và Singapore, Kiatisak và Aide Iskandar là thần tượng của họ. Đấy đều là những người đã đưa bóng đá nước họ lên đỉnh cao khu vực. Indonesia thì từ 2011 đến 2013 chọn Rahmad Darmahwan và Aji Santoso, những người đã chơi bóng ở thời cực thịnh của bóng đá xứ Vạn đảo các năm 1988-1993, để đứng đầu đội tuyển quốc gia và U23.

Hiện tại, đội tuyển quốc gia Thái Lan đang được dẫn dắt bởi Surachai Jaturapattarapong, người đội trưởng mẫu mực trong thời gian Thái Lan thống trị bóng đá SEA Games khi còn dành cho ĐTQG. Không cần phải nói nhiều, chỉ cần danh thần tượng ấy đứng một chỗ, uy lực đã tỏa khắp đội bóng. 

Trong khi đó, bóng đá Malaysia lại chọn trào lưu còn lại. Người ta vẫn ví “King” Rajagobal như một “ông giáo già” là để so sánh với một “giáo sư” Asene Wenger của Arsenal. Tiếp nối Rajagobal là Ong Kim Swee, một HLV có dáng vẻ nhà giáo khác.

Như vậy, chỉ quan sát nhanh các đối thủ của bóng đá Việt Nam, xu hướng chọn HLV nội là rất rõ về tiêu chí: Hoặc là một thần tượng bóng đá hoặc là một nhà tâm lý và giỏi về lý thuyết huấn luyện. Một điểm chung khác, họ đều tiếp cận quan điểm ấy ngay từ đội trẻ để phát huy tối đa tính hiệu quả của lựa chọn này. Nói gì thì nói, các cầu thủ trẻ dễ bị ảnh hưởng ngay từ đầu bởi tên tuổi của HLV, khác với cấp độ đội tuyển quốc gia, cần một người có kinh nghiệm và chuyên môn cao hơn.

o0o

Với những phân tích đó, mới thấy tư duy của VFF kém đến mức nào so với những người đồng cấp trong khu vực khi họ mạo hiểm chọn HLV Hoàng Văn Phúc bất chấp trước đó, chính Calisto đã “phác thảo” phần nào tương lai cho chiếc ghế HLV trưởng với những chọn lựa rất cá tính của ông.

Không cần đào sâu chi tiết, thoạt nhìn cũng biết HLV Hoàng Văn Phúc chẳng ở thể loại nào trong những xu hướng chọn HLV của bóng đá hiện đại. Ông Phúc đương nhiên chẳng có lỗi gì ở đây cả, chính những quan điểm “ương ương, dở dở” của VFF đã làm hại ông và cả đội tuyển.

Ông Phúc không phải là danh thủ, cũng chẳng có thành tích huấn luyện đặc biệt, một “giáo sư bóng đá” lại càng không. Thế nên, để thuyết phục cầu thủ nghe theo mình, ông dùng biện pháp “nhân tâm” bao gồm cả việc “nuông” cầu thủ và đóng khung đội hình để bảo đảm cho họ các chỗ đứng từ sớm. Về công việc thì ổn nhưng về năng lực của đội bóng thì không cao do cầu thủ đá vì “thương” hơn là “nể trọng”.

Tất nhiên, bóng đá Việt Nam không thiếu các danh thủ và cũng chẳng thiếu các nhà mô phạm bóng đá. Lứa trẻ có Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Đức Thắng… tuổi cao một chút có Phan Thanh Hùng, Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung,… VFF được cho là đã tiếp xúc với họ nhưng chẳng biết mời mọc kiểu nào mà chẳng có ai lên tuyển nhận nhiệm vụ. Đương nhiên là họ có lý do đề từ chối nhưng thuyết phục họ như thế nào chính là năng lực của VFF.

Câu chuyện liên quan đến ông Phan Thanh Hùng, người đáp ứng khá nhiều tiêu chí, là ví dụ cho thấy sự kém cỏi của VFF trong việc chọn người.

Mà ngay cả khi không có HLV nội thì cũng nên chuyển ngay sang HLV ngoại chứ lại “ương ương, dở dở” với HLV Hoàng Văn Phúc thì rốt cục chẳng theo bất kỳ xu hướng nào cả.

Đăng Linh

Tin cùng chuyên mục