Hai câu chuyện, một nỗi lo

Sau thất bại của tuyển U.23 tại SEA Games 27, VFF đang lên kế hoạch cho một số vấn đề cần làm sắp tới, bao gồm chưa chấp nhận cho HLV Hoàng Văn Phúc từ chức, bàn giải pháp để tuyển nữ thắng được Thái Lan tranh suất dự World Cup và tập trung cho bóng đá trẻ nhằm lấy lại “phong độ” cho đội tuyển tương lai. Cuộc họp không mấy được kỳ vọng, nhưng những vấn đề đặt ra ở đây thật sự quan trọng và ảnh hưởng lớn đến định hướng phát triển bóng đá. Vì vậy, có mấy điều lạm bàn cùng các nhà quản lý bóng đá.

Sau thất bại của tuyển U.23 tại SEA Games 27, VFF đang lên kế hoạch cho một số vấn đề cần làm sắp tới, bao gồm chưa chấp nhận cho HLV Hoàng Văn Phúc từ chức, bàn giải pháp để tuyển nữ thắng được Thái Lan tranh suất dự World Cup và tập trung cho bóng đá trẻ nhằm lấy lại “phong độ” cho đội tuyển tương lai. Cuộc họp không mấy được kỳ vọng, nhưng những vấn đề đặt ra ở đây thật sự quan trọng và ảnh hưởng lớn đến định hướng phát triển bóng đá. Vì vậy, có mấy điều lạm bàn cùng các nhà quản lý bóng đá.

Nên chấm dứt HLV thời vụ. VFF muốn HLV Hoàng Văn Phúc dẫn dắt U.23 thi đấu xong trận vòng loại Asian Cup với Hồng Công (Trung Quốc) vào tháng 3-2014 là hợp lý trong bối cảnh không còn gì để phấn đấu. Tuy nhiên, quan điểm tuyển chọn HLV sau đó lại chưa thật thuyết phục, thậm chí có ý kiến cho rằng trong năm 2014 đội tuyển quốc gia cũng như U.23 không có mục tiêu nào có thể chinh phục với thực lực cầu thủ hiện nay, nên không cần chọn ngay HLV giỏi.

Chính cách chọn HLV nhăm nhăm vào mục tiêu ngắn hạn này đã khiến cho bóng đá Việt Nam xuống đáy như hiện nay. Một kinh nghiệm của bóng đá các nước là ngay khi thất bại tại vòng loại World Cup, nếu thấy HLV không đạt yêu cầu thì họ lập tức thay ngay để chuẩn bị cho World Cup 4 năm sau. HLV cùng ban huấn luyện vừa đảm bảo mục tiêu ngắn hạn nhưng cũng không thể lơ là định hướng lâu dài cho đội bóng. Khi đó, họ mới có thời gian đãi cát tìm vàng, xây dựng chiến thuật hợp lý, định hình một trường phái bóng đá hiệu quả nhất.

Không đâu xa xôi, xem bóng đá nữ Việt Nam sẽ thấy nhiều năm qua đội bóng được dẫn dắt bởi chuyên gia Trần Vân Phát nên đã hình thành được một lớp các cầu thủ có độ chín và lối đá không thể chê vào đâu. Nếu vị trí HLV cũng thay xoành xoạch và thiếu định hướng như bóng đá nam thì chắc chắn bóng đá nữ Việt Nam không thể có được thành tích như hôm nay.

Quan tâm đầu tư bóng đá trẻ, nhưng độ tuổi nào gọi là trẻ, hay trẻ có nghĩa là… U.19? Có 2 vấn đề cần làm rõ để tránh quan điểm sai dẫn đến lãng phí thời gian như trước đây. Lứa U.19 hiện nay hoàn toàn không do VFF đầu tư, đó là sản phẩm của một học viện bóng đá tư nhân. Cho nên, khi nhiều quan chức VFF tuyên bố sẽ lấy U.19 làm nền tảng cũng có nghĩa là “hớt váng” mà thôi. Điều thứ hai, theo quy hoạch của một nền bóng đá, U.19… đã không còn trẻ nữa mà đã cận kề lứa đội tuyển. Đầu tư cho bóng đá trẻ là phải quan tâm đến việc tuyển chọn, đào tạo cầu thủ từ khi họ chưa biết tới trái bóng, nghĩa là phải từ 11 - 12 tuổi trở lên.

Thật tiếc, không nghe bàn gì về chiến lược này mà chỉ chăm chăm vào lứa U.19 vốn đã được Hoàng Anh Gia Lai đào tạo gần như hoàn chỉnh. Cái cách mà VFF “làm ngơ” cho Ban tổ chức giải U.13 quốc gia kỷ luật và loại hẳn đội U.13 PVF ra khỏi giải không có lý do chính đáng khi đội này thi đấu quá xuất sắc đã cho thấy họ chẳng quan tâm gì đến các lứa trẻ này. Vậy nên, khi nào liên đoàn “xắn tay áo” lên để xây dựng chiến lược dài hơi bắt đầu từ những học viên nhí như Hoàng Anh Gia Lai hay PVF đang làm thì người ta mới tin là họ thực tâm. Còn làm theo kiểu “ngắt ngang” U.19, vốn sẽ tham dự SEA Games tới thì sao gọi là bóng đá trẻ được?

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục