Bản quyền truyền hình giải ngoại hạng Anh (EPL): Lợi nhuận hay lấy tiếng?

Trong loạt bài về bản quyền truyền hình EPL trước đây, Báo SGGP từng nhận định chắc chắn sẽ có đơn vị truyền hình tại Việt Nam mua bản quyền dù phía IMG đưa ra cái giá rất cao và thông tin về việc K+ là đơn vị có bản quyền không làm ai bất ngờ.

Trong loạt bài về bản quyền truyền hình EPL trước đây, Báo SGGP từng nhận định chắc chắn sẽ có đơn vị truyền hình tại Việt Nam mua bản quyền dù phía IMG đưa ra cái giá rất cao và thông tin về việc K+ là đơn vị có bản quyền không làm ai bất ngờ.

Thật ra, cuộc đua đã ngã ngũ ngay khi phía IMG chào giá lên đến 1.000 tỷ đồng. Với số tiền đó, chỉ có một đơn vị còn khả năng tham gia là K+ với lợi thế là đơn vị liên doanh, trong đó sức mạnh tài chính từ đối tác nước ngoài Canal Plus đóng vai trò quan trọng.

Hơn nữa, chính các đơn vị khác đã “chào thua” khi thống nhất “nhờ” VTV làm đại diện thương thảo để tìm một giá thấp gần phân nửa giá IMG chào bán. Tất nhiên là một đơn vị mua đi, bán lại như IMG không thể bán thấp hơn và đơn vị cử đi đàm phán là VTV lại không hề quan tâm đến chuyện phải mua cho bằng được.

Điểm mắc mứu duy nhất là phản ứng đến từ dư luận khi số tiền bỏ ra mua bản quyền quá cao, gây lãng phí. Vì vậy, K+ “giải bài toán” này bằng cách thông qua việc Canal Plus mua bán trực tiếp với IMG và “trao lại quyền sử dụng” cho K+. Về lý thuyết, K+ cũng như là liên doanh mà họ tham gia cùng VTV là VSTV không trực tiếp bỏ tiền ra mua nên không ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán của Hiệp hội bản quyền truyền hình sắp đến.

Thông tin mới nhất cho biết, nhóm các đài Việt Nam vẫn có quyền mua tiếp những gói mà Canal Plus chưa mua và tất nhiên, giá vẫn sẽ cao. Bản thân K+ hiện cũng chưa xác nhận quá trình đàm phán của họ với IMG.

Theo thông tin mà chúng tôi có được cho biết, sau thời gian đầu tư phát triển gần 4 năm qua, K+ không những chưa thu hồi vốn mà còn lỗ nặng với con số lên đến vài trăm tỷ đồng, chủ yếu đến từ chi phí bản quyền khi mà mục tiêu phát triển thuê bao không như kỳ vọng. Thậm chí đã có tin, đối tác nước ngoài trong liên doanh này có ý rút lui để cắt lỗ.

Thực tế trên thị trường truyền hình trả tiền cho thấy, số lượng và chất lượng các kênh trong hệ thống K+ không có ưu thế so với các hệ thống khác trong khi chi phí để người tiêu dùng bỏ ra sử dụng K+ lại cao hơn những đài khác. Vì lẽ đó, nếu không có bản quyền EPL, coi như K+ chẳng còn lợi thế cạnh tranh nào ở thị trường ngày một khốc liệt hiện nay.

Như đã từng phân tích, đứng ở góc độ kinh doanh, dù rất tốn kém nhưng việc sở hữu bản quyền EPL gần như là sống còn với K+, nhất là đối với hoạt động đầu tư của Canal Plus. Hơn nữa, dù chưa biết hiệu quả kinh doanh ra sao nhưng việc sở hữu EPL cũng đồng nghĩa là K+ triệt tiêu cơ hội của các đài khác.

Với chi phí bỏ ra như vậy, hoạt động kinh doanh của K+ sẽ được kiểm soát ra sao khi không hề có cách nào giải bài toán lợi nhuận. Phải chăng việc Canal Plus mua nhưng “nhường” quyền cho K+ sẽ giúp đài này giảm lỗ nhưng lại làm méo mó thị trường truyền hình trả tiền khi rõ ràng đã có sự cạnh tranh không sòng phẳng trong trường hợp này, tạo tiền lệ không tốt cho các “cuộc chiến” khác sau này? 

VIỆT QUANG

Xé rào

Hiện thông tin K+ đang đơn phương đàm phán bản quyền truyền hình giải ngoại hạng Anh (EPL). Thậm chí có thông tin cho biết K+ đã mua gói này, một lần nữa khiến dư luận dậy sóng. Dậy sóng không phải vì mừng rỡ khi dân ghiền bóng đá có thể thưởng thức những trận bóng hay mà vì có sự xé rào bất chấp dư luận.

Kinh doanh luôn có sự cạnh tranh, phải có những quyết định nhanh nhẹn, thông minh để mang lại lợi nhuận. Nhưng với truyền hình ở nước ta hiện nay, pháp luật có những ràng buộc rất cụ thể. Ngoài yếu tố kinh doanh thì như các cơ quan báo chí khác, truyền hình còn có nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương đường lối chính sách nhà nước, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Việc cạnh tranh mua bản quyền truyền hình giải EPL trong những năm qua, do không chịu ngồi lại với nhau, đã bị đối tác nước ngoài bắt chẹt, nâng giá một cách phi lý, gây thất thoát ngoại tệ, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng.

Chính vì điều đó mà năm nay, khi mọi thứ còn trong giai đoạn chuẩn bị, Bộ TT-TT đã có văn bản nói rõ: “Để đảm bảo hài hòa lợi ích của các đơn vị truyền hình và lợi ích người xem, tránh để các công ty nước ngoài lợi dụng, tăng giá bản quyền bất hợp lý, gây lãng phí nguồn lực xã hội và gây thiệt hại cho khán giả truyền hình do sự cạnh tranh của các đơn vị truyền hình Việt Nam, Bộ TT-TT đồng ý với đề xuất của VTV về việc giao VTV làm đầu mối đàm phán mua bản quyền truyền hình EPL 2013-2016”.

Sau đó, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cũng có công văn đề nghị tất cả các đơn vị có nhu cầu cùng mua, cùng chia sẻ bản quyền EPL đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, không gây thiệt hại cho từng đơn vị nói riêng và cả hệ thống truyền hình trả tiền nói chung. Dư luận hết sức đồng tình với quan điểm này và đa số các đài trong nước đã chấp nhận ngồi lại để VTV làm đại diện thương thảo hợp đồng.

Với cách làm chính đáng này, đương nhiên đối tác không thể tự tiện nâng giá phi lý, người xem cũng hài lòng khi mình được xem bóng đá với chi phí vừa phải như các nước. Đùng một cái, chưa biết thực chất các gói bản quyền đã được mua bán hay chưa, nhưng đại diện kênh K+ thừa nhận đang thương lượng với đối tác nước ngoài về bản quyền EPL khiến người hâm mộ bức xúc.

Xấp xỉ 1.000 tỷ đồng cho gói bản quyền EPL là một điều phi lý khi đất nước đang trong giai đoạn kinh tế khó khăn, nhiều công trình phải cắt giảm ngân sách, người dân cắt giảm chi tiêu để thực hiện chủ trương của Chính phủ nhằm đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn. Càng phi lý hơn khi có ai đó phớt lờ chỉ đạo của cơ quan quản lý, cạnh tranh bằng mọi giá mà không quan tâm đến quyền lợi người tiêu dùng.

Thưởng thức những trận bóng hay là nhu cầu có thực nhưng không phải bằng mọi giá. Thể thao Việt Nam còn nhiều khó khăn, các vận động viên đỉnh cao còn chật vật với những khoản lương ít ỏi, cần sự nỗ lực đóng góp của xã hội. Vì vậy, xé rào để có được lợi ích riêng trong hoàn cảnh này thật thất nhân tâm.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục