Xung quanh bản quyền giải ngoại hạng Anh (EPL): Mập mờ câu chuyện độc quyền

Xung quanh bản quyền giải ngoại hạng Anh (EPL): Mập mờ câu chuyện độc quyền

Không nằm ngoài dự đoán, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) xác nhận tập đoàn Canal Plus đã làm việc trực tiếp với IMG để mua lại các gói độc quyền tốt nhất của EPL vào các ngày thứ bảy và chủ nhật. Đồng thời, VTV cũng xin thôi vai trò đại diện cho các nhà đài PayTV ở Việt Nam trong quá trình đàm phán. Thông tin này gây sốc nhưng không bất ngờ so với những nhận định mà Báo SGGP đã từng phân tích.

  • Không biết hay không muốn biết?

Đại diện nhiều đài truyền hình tỏ ra bức xúc khi cho rằng mình đã quá “cả tin” vào vai trò của VTV trong thương vụ này. Tuy nhiên, trên thực tế, việc ủy quyền cho VTV trong hoạt động đàm phán với IMG ngoài việc tuân thủ chỉ đạo của Bộ Thông tin - Truyền thông, còn cho thấy các đài PayTV không thể thoát khỏi cái “bóng” của VTV. Cử VTV làm “chủ  xị” chẳng khác nào đã chấp nhận “thua” trên bàn đàm phán bởi VTV với tư cách độc lập của mình lại chẳng hề có nhu cầu mua EPL làm gì. Các kênh sóng miễn phí của họ không cần mà ngay cả các kênh PayTV của họ như VCTV, SCTV đã có lượng thuê bao ổn định.

Nói cách khác, chính các “đối thủ” của VTV như AVG, VTC hoặc các dịch vụ truyền hình trả tiền mới có nhu cầu nhằm chia sẻ thị trường mà VTV và các đài con đang kiểm soát phần lớn. Ấy vậy mà các “đối thủ” lại nhờ VTV làm đại diện thì… cũng như không.

Thành ra, nếu VTV nói rằng họ không biết về vụ Canal Plus mua trực tiếp từ IMG cũng đúng bởi chẳng có nghĩa vụ nào buộc Canal Plus phải thông báo cho họ thương vụ mang tính quốc tế này. Tuy nhiên, nói VTV “không muốn biết” cũng chẳng sai bởi làm gì thì làm Canal Plus mua bản quyền cũng chỉ có một mục đích đó là cung cấp ngược lại cho K+, nơi mà VTV giữ 51% cổ phần. Tóm lại, đứng ở tư cách độc lập, VTV chẳng cần quan tâm đến việc liệu EPL có được phát sóng tại Việt Nam hay không.

  • Bao giờ hết độc quyền?

Rốt cục, toàn bộ trách nhiệm của câu chuyện bản quyền nghìn tỷ EPL lại dồn hết vào…người hâm mộ, người xem. Để tránh nguy cơ bị móc túi thêm, chỉ còn cách là tẩy chay EPL bằng cách không đăng ký thuê bao mới. Nhưng để người hâm mộ rơi vào tình thế ấy rất cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam.

Minh họa: A.DŨNG

Minh họa: A.DŨNG

Trên thực tế, để xem EPL chỉ cần đăng ký thêm kênh phát độc quyền giải đấu này và trả phí thuê bao phát sinh. Vấn đề ở chỗ, hạ tầng kỹ thuật truyền hình không đồng bộ nên muốn có kênh phải mua thêm thiết bị đầu cuối. Chưa hết, chi phí để mua 2-3 kênh có EPL cao gấp 3 lần so với gói cơ bản thông thường vốn lên đến cả trăm kênh khác nhau là một điều bất hợp lý, rất cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý bởi nó là hệ quả tiêu cực của vấn đề độc quyền. Đây chính là nguyên nhân khiến dư luận phản ứng về chi phí “nghìn tỷ” mua bản quyền chứ không phải là chuyện “thuận mua vừa bán”. Người xem có quyền tẩy chay không đăng ký thuê bao nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải can thiệp vào phí thuê bao, không thể có chuyện anh mua nhiều tiền thì sẽ bán nhiều tiền để thu hồi vốn.

Điều đáng nói là cuối năm rồi, đài K+ đã liên kết cùng một loạt các đơn vị viễn thông có kinh doanh dịch vụ PayTV để bổ sung “gói K+” vào. Rõ ràng, K+ bắt buộc phải có bản quyền EPL bằng mọi giá nhằm giữ uy tín cũng như bảo đảm quyền lợi cho các đối tác. Động thái trên là công khai nhưng lại không hề được các nhà quản lý lưu ý nên dẫn đến chuyện ủy quyền cho VTV trong một thương vụ thất bại ngay từ đầu.

Trên thị trường cạnh tranh, bất kỳ đơn vị kinh doanh nào cũng nhắm đến vấn đề độc quyền dịch vụ, sản phẩm trong khi ở Việt Nam khái niệm này vẫn chưa được kiểm soát bằng luật cụ thể.

Tuy nhiên, cũng như nhiều lĩnh vực khác, khả năng giám sát của cơ quan quản lý cần được  thể hiện rõ trong lĩnh vực truyền hình trả tiền mà bản quyền EPL là cơ sở rõ ràng nhất để can thiệp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Ở đây cần phải thấy rõ bản quyền EPL khác hẳn với những chương trình mang tính độc quyền khác của truyền hình bởi tính “độc nhất” của nó và trên thực tế, độc quyền EPL theo kiểu K+ là nhắm thẳng vào việc bán sản phẩm cụ thể là đầu thu và phí thuê bao bất hợp lý trên thị trường. Hơn nữa, qua hơn 10 năm EPL phát sóng tại Việt Nam, chi phí bản quyền tăng theo cấp số nhân và còn tăng nhiều hơn nữa thì không thể nói là không đủ dữ kiện để cơ quan quản lý can thiệp bằng biện pháp hành chính.


EPL sẽ vẫn phủ đều ở Việt Nam

Nếu không có gì thay đổi, ngoài các gói độc quyền mà gần như sẽ thuộc về K+ trong ngày chủ nhật và trận đấu sớm ngày thứ bảy, tất cả các trận đấu còn lại của EPL sẽ có mặt trên sóng truyền hình Việt Nam như 3 năm vừa qua. Hiện chắc chắn các đài thuộc “nhóm VTV” như VCTV, SCTV sẽ mua gói còn lại này. Những đài VTC, AVG, HTVC hiện chưa xác nhận do vẫn còn trong tình trạng “nhờ” VTV làm đại diện. Tuy nhiên, hiện chưa biết chính xác Canal Plus đã mua lại của IMG bao nhiêu gói. Nếu họ mua hết toàn bộ những gì IMG có thì rất khó để những đài ngoài “nhóm VTV” có thể có bản quyền. 

Cho đến nay, đại diện của Canal Plus trong liên doanh K+ cũng chỉ mới thông báo với VTV về việc họ đã độc quyền một số gói nhưng không nói cụ thể.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục