Giấc mơ chuyên nghiệp

Giấc mơ chuyên nghiệp

Ở làng thể thao Việt Nam bây giờ, ngoại trừ tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh, kỳ thủ cờ vua Lê Quang Liêm sở hữu thu nhập “siêu khủng”, còn lại hầu hết VĐV của các môn khác đều sống dựa vào tiền lương, thưởng của địa phương, nhà nước ở giải trong nước và quốc tế. Để trở thành một VĐV thể thao chuyên nghiệp quả là không dễ.

Tiến Minh (cầu lông) và Quang Liêm (cờ vua) giờ đã tìm được chỗ đứng vững chắc trong làng thể thao thế giới. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG - NGUYỄN NHÂN

Tiến Minh (cầu lông) và Quang Liêm (cờ vua) giờ đã tìm được chỗ đứng vững chắc trong làng thể thao thế giới. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG - NGUYỄN NHÂN

Thể thao Việt Nam vẫn chưa chuyên nghiệp, và đấy là một thực tế đáng tiếc dù chúng ta đã rất nỗ lực phấn đấu vì điều đó. Tự nuôi sống bản thân mình nhờ tài năng xuất chúng kiểu như tay vợt Nguyễn Tiến Minh hay kỳ thủ Lê Quang Liêm là chuyện rất hiếm. Nói cách khác, ngoại trừ 2 nhà thể thao đang vận động tích cực theo hướng chuyên nghiệp thực sự như họ, làng thể thao Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tư duy chờ đợi được Tổng cục TDTT hoặc địa phương rót kinh phí đầu tư đào tạo, sắp xếp kế hoạch huấn luyện và thi đấu trong nước, quốc tế.

Xuất phát điểm của 2 VĐV TPHCM cũng không khác nhiều so với hàng ngàn VĐV ở những môn thể thao khác. Có điều, nhờ sự trợ lực từ gia đình, nhờ nỗ lực vươn lên của chính bản thân (tất nhiên một phần là nhờ vào sự năng động của Liên đoàn Cầu lông, Cờ vua TPHCM cũng như quốc gia), Tiến Minh và Quang Liêm thậm chí giờ đây đã tìm được chỗ đứng vững chắc trong làng cầu lông và cờ vua thế giới.

Họ tự sống được và được coi là những nhà thể thao giàu có bậc nhất Việt Nam hiện nay cũng nhờ tính cầu tiến và chấp nhận mở cánh cửa bước ra bên ngoài thế giới. Giờ đây, Tiến Minh thường xuyên được mời tham dự những giải đấu danh giá, luôn có tên trong nhóm những hạt giống của các sân chơi Open, Super Series, giải VĐTG… Vừa rồi, anh còn được CLB Pune Vijetas (Ấn Độ) mời về thi đấu với chi phí lót tay lên đến 44.000 USD, chưa kể tiền thưởng nếu đạt thành tích cao.

Tương tự như vậy, Đại kiện tướng quốc tế Lê Quang Liêm mỗi năm “ẵm” cả tỷ đồng tiền thưởng ở các giải thế giới, châu lục, chưa kể đến việc hưởng lợi từ những lần khoác áo các CLB nước ngoài thi đấu trong thời gian ngắn. Để đạt được thành công của ngày hôm nay, cả Quang Liêm lẫn Tiến Minh đều có quá trình phấn đấu mệt mỏi, phải hy sinh nhiều thú vui của tuổi thơ, tuổi trẻ chỉ để đạt đến cái đích mà ngay từ đầu họ đã nhắm đến: VĐV chuyên nghiệp!

Danh tiếng, tiền bạc có đủ, nên có thể khẳng định Nguyễn Tiến Minh và Lê Quang Liêm là 2 nhà thể thao thành đạt thực sự ở xứ Việt. Còn nói chính xác hơn, họ là những VĐV thể thao chuyên nghiệp – ước mơ của hàng ngàn đồng nghiệp khác trên dải đất hình chữ S.

o 0 o

Bóng đá là môn thể thao từ lâu đã được thừa nhận là đặc biệt (dù chưa đạt đến đẳng cấp chuyên nghiệp), có mức đãi ngộ cao vượt qua mọi giới hạn. Người ta vẫn thường cho rằng sẽ khập khiễng nếu đem so sánh thu nhập giữa một cầu thủ bóng đá với một VĐV môn thể thao khác. Nhưng VĐV điền kinh, bóng chuyền, cầu lông, cờ vua, bóng bàn, quần vợt, xe đạp… lại nắm giữ lợi thế tiếp cận tính chuyên nghiệp nhanh hơn bóng đá, ít nhất là ở Việt Nam.

Vấn đề ở đây chỉ còn là con đường để đạt đến trình độ chuyên nghiệp, kiểu như Nguyễn Tiến Minh hay Lê Quang Liêm đang đi. Đại đa số các môn thể thao vẫn chưa thoát khỏi tư duy kiểu cũ, nghĩa là chờ đợi được đầu tư và rập khuôn về đào tạo, khả năng ứng dụng khoa học TDTT vào công tác huấn luyện yếu. Hoặc giả nếu có cách tân (như bóng chuyền, xe đạp, quần vợt...) cũng chưa mang tính triệt để, rất ngập ngừng và thường lo sợ bị thất bại.

Vì vậy mới nói chuyên nghiệp vẫn là một giấc mơ đối với thể thao Việt Nam.

LÊ HÙNG

Tin cùng chuyên mục