Bóng ma doping

Bóng ma doping

Giới mộ điệu điền kinh đã sốc khi đón nhận scandal doping liên quan đến hàng loạt ngôi sao tên tuổi của Jamaica, Mỹ, Nga… trước thềm giải Vô địch thế giới 2013. Kể từ sau vụ bê bối Balco hồi năm 2003, khi “nữ hoàng tốc độ” Marion Jones bị tước 3 HCV Olympic 2000 và phải ngồi tù đến 6 tháng, điền kinh thế giới thêm một lần nữa phải rúng động. Doping vẫn luôn là nỗi ám ảnh không chỉ đối với các VĐV thế giới, mà với cả quốc gia đang phát triển thể thao như Việt Nam…

Lực sĩ Hoàng Anh Tuấn từng bị loại khỏi Asian Games 2010 vì dính doping. Ảnh: QUANG THẮNG

Lực sĩ Hoàng Anh Tuấn từng bị loại khỏi Asian Games 2010 vì dính doping. Ảnh: QUANG THẮNG

Hỏi thử một số huấn luyện viên (HLV) và vận động viên (VĐV) của làng thể thao Việt Nam rằng họ có biết và cảm nhận gì trước thông tin gây chấn động: hàng loạt ngôi sao điền kinh thế giới như Tyson Gay, Asafa Powell, Veronica Campell Brown… bị phát hiện dính doping. Câu trả lời rất ư… nản lòng: “À chuyện của người ta, chứ có phải chuyện ở xứ mình đâu mà nghĩ ngợi!”.

Thì đúng là những sự cố vừa xảy ra ở nước Mỹ, Jamaica và châu Âu chứ chẳng phải ở Việt Nam. Nhưng đã là dân thể thao, lại đang học đòi làm chuyên nghiệp thì đấy là những điều cần phải biết, thậm chí phải biết rúng động trong lòng để tự răn mình né tránh, không phạm phải sai lầm có thể làm tiêu tan sự nghiệp như thế.

Gần nhất, cua-rơ Nguyễn Trường Tài của Việt Nam dính vào nghi án doping ở Tour de Singkarak 2013 (Indonesia) và Liên đoàn Xe đạp thế giới (UCI) cho biết sẽ xử nghiêm nếu mẫu thử của VĐV này cho kết quả dương tính với chất cấm trong danh mục quy định. Đấy có thể coi là chuyện lớn, nhưng nhiều VĐV ở môn thể thao khác vẫn “bình chân như vại”, tảng lờ như không hề biết. Ngoại trừ một số VĐV thường xuyên dự các sân chơi Đông Nam Á, châu Á và thế giới như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện, Nguyễn Thị Thanh Phúc (điền kinh), Nguyễn Hữu Việt, Hoàng Quý Phước, Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Đỗ Minh Quân, Nguyễn Hoàng Thiên (quần vợt)… tự ý thức được rằng chỉ một sơ sẩy là có thể trở thành “tội nhân thiên cổ”.

Có một thực tế là thể thao Việt Nam vẫn chưa có thói quen kiểm tra doping, đặc biệt đối với những môn nhạy cảm như điền kinh, bơi lội, xe đạp, cử tạ, bóng chuyền, bóng đá… hoặc nếu có kiểm tra cho VĐV cũng chỉ mang tính hình thức (vì thiếu kinh phí kiểm tra mẫu thử VĐV), không hề phản ánh được thực chất vấn đề.

Đại đa số VĐV đều mù tịt khi nhắc đến danh mục các chất cấm, đến những hình thức có thể dẫn tới việc dính doping.

Tính ra, trong vòng 10 năm trở lại đây, thể thao Việt Nam có hơn 10 trường hợp bị phát hiện doping ở những giải đấu quốc tế. Đấy chỉ là con số nhỏ, phản ánh một góc cạnh cũng rất nhỏ, vì không phải VĐV nào của Việt Nam cũng được đi thi đấu quốc tế và được thử doping. Thậm chí, một số HLV ở các môn điền kinh, cử tạ và xe đạp còn cho hay ở Việt Nam vẫn còn tồn tại tình trạng sử dụng chất cấm để tăng cường thể lực, sức mạnh trong thi đấu nhưng không bị phát hiện vì không có chuyện thử máu, thử nước tiểu thường xuyên ở các giải vô địch quốc gia trong nước.

“Nữ hoàng thể dục dụng cụ” Đỗ Thị Ngân Thương từng rớt nước mắt khi Ban tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008 tuyên bố cô dính doping và bị loại khỏi cuộc tranh tài. HCB Olympic Bắc Kinh 2008, lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn - bị loại trước ngày khởi tranh Asian Games 2010 vì bị phát hiện dùng chất cấm, trong khi nữ lực sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh (thể hình nữ) từng ngậm ngùi chấp nhận bản án bị cấm thi đấu 1 năm vì vô tình dính doping hồi năm 2008…

Đó là những bài học xương máu đối với thể thao Việt Nam và cái giá phải trả cho việc chủ động hay vô tình sử dụng chất cấm luôn rất đắt. Scandal doping ở môn điền kinh thời gian qua, cũng như chuyện của huyền thoại xe đạp thế giới Lance Armstrong bị tước 7 danh hiệu Áo vàng Tour de France cũng chỉ vì doping là tấm gương để không chỉ những VĐV đỉnh cao của thế giới mà của cả Việt Nam soi vào để răn mình phải nghiêm túc tránh xa hấp lực của doping vì một cuộc chạy đua thành tích hư ảo…

LÊ HÙNG

Tin cùng chuyên mục