Thí điểm hợp nhất 3 văn phòng ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh: Cần sự hiệu quả, ổn định

Dự kiến, từ ngày 1-1 đến hết ngày 31-12-2019, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh của một số tỉnh - thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được thí điểm hợp nhất.

Dự kiến, từ ngày 1-1 đến hết ngày 31-12-2019, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh của TPHCM, TP Đà Nẵng và các tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Thái Bình, Tây Ninh, Tiền Giang sẽ được thí điểm hợp nhất với tên gọi Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh - thành phố trực thuộc Trung ương.

Đây là chủ trương góp phần tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy tổ chức văn phòng gọn nhẹ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, giúp việc và phục vụ của văn phòng (theo nghị quyết của Trung ương). Ngược lại cũng có đề xuất cần nghiên cứu thấu đáo để có mô hình phù hợp nhằm tạo sự ổn định về mô hình tổ chức, từ đó phát huy hiệu quả chức năng tham mưu tổng hợp. Phóng viên Báo SGGP ghi nhận một số ý kiến góp ý về việc hợp nhất này:

Ông NGUYỄN THANH TRIỀU, nguyên Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TPHCM:

Cần đánh giá đầy đủ

Trong thời gian Văn phòng Đoàn ĐBQH TPHCM hợp nhất với Văn phòng HĐND TPHCM (gọi là Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TPHCM), hoạt động của văn phòng chung này có nhiều thuận lợi. Bởi vì đoàn ĐBQH và HĐND TPHCM đều là cơ quan dân cử, cơ quan giám sát.

Văn phòng hợp nhất vừa tham mưu cho Đoàn ĐBQH, vừa tham mưu cho HĐND TP, hoạt động khá hiệu quả nhờ sự phối hợp tốt giữa lãnh đạo Đoàn ĐBQH TPHCM và Thường trực HĐND TP. Văn phòng chung cũng có nhiều thuận lợi trong công tác quản lý biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất và chánh văn phòng chung này chịu sự quản lý của Thành ủy TPHCM.

Ngoài ra, việc tham mưu, phục vụ đoàn ĐBQH thường tập trung cao vào thời điểm trước và sau các kỳ họp QH, còn khi bình thường thì công việc ít hơn nhiều. Cho nên mô hình văn phòng chung lúc đó có sự bố trí công việc phù hợp, tận dụng tối đa nhân lực cho công việc chung của 2 tổ chức.

Tuy nhiên, cuối năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết tách, thành lập riêng văn phòng đoàn ĐBQH trực thuộc Văn phòng QH. Sau khi chia tách, lợi thế về sự phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ ít nhiều đã giảm. Khi tách ra thì văn phòng đoàn ĐBQH cũng không được thành lập các phòng (chỉ gồm chánh, phó văn phòng và chuyên viên) để không phình biên chế. Việc này cũng gây ra bất cập cho công tác nhân sự, bởi không có cán bộ quản lý cấp phòng - là nguồn quy hoạch giữ chức vụ lãnh đạo văn phòng đoàn ĐBQH.
Thí điểm hợp nhất 3 văn phòng ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh: Cần sự hiệu quả, ổn định ảnh 1 Đoàn ĐBQH TPHCM đang thực hiện chức năng giám sát. Ảnh: MẠNH HÒA
Đề án thí điểm hợp nhất 3 văn phòng đã được thông qua, sẽ thí điểm tại một số địa phương từ ngày 1-1-2019. Việc hợp nhất nhằm sắp xếp tinh gọn bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế nhưng cần lưu ý không đơn thuần chỉ sáp nhập mang tính chất cơ học. Quá trình thực hiện thí điểm cần đánh giá những mặt tích cực để phát huy và những bất cập để hoàn chỉnh, sửa đổi. Trong đó, đặc biệt lưu ý phải đảm bảo được tạo điều kiện đáp ứng chức năng nhiệm vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời tránh trộn lẫn chức năng vừa tham mưu chấp hành (văn phòng UBND) vừa tham mưu giám sát việc chấp hành (văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND).

Ông LÊ MINH ĐỨC, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM:

Tránh sáp nhập cơ học

Văn phòng chung sau hợp nhất sẽ vừa tham mưu cho cơ quan thực thi chính sách pháp luật tại địa phương, vừa tham mưu cho cơ quan giám sát việc thực thi chính sách pháp luật tại địa phương đó. Điều này chẳng khác nào vừa tham mưu cho “anh” đá bóng, vừa tham mưu cho “anh” thổi còi.

Ngoài ra, mỗi đơn vị có chức năng khác nhau, đối tượng phục vụ khác nhau thì khi hợp nhất lại, liệu có thể làm tốt các chức năng này. Hiện nay có luồng ý kiến băn khoăn việc hợp nhất 3 văn phòng liệu có bị rơi vào tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” hay không? Do đó, điều quan trọng đặt ra là cần phải làm gì để khi hợp nhất thành văn phòng chung thì đạt được mục đích và hiệu quả cao.

Trước hết, chúng ta cần thấy rằng việc sắp xếp lại bộ máy giúp việc cho 3 đơn vị (đoàn ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh - thành phố) là đúng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.

Đây là điều nên làm. Bởi vì hiện nay bộ máy của chúng ta, đầu mối tổ chức, biên chế cồng kềnh, cần phải được sắp xếp lại, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tất nhiên, để làm được như thế thì phải có cơ sở khoa học và cả thời gian.

Ngoài ra, khi thực hiện thí điểm hợp nhất thì phải làm tốt công tác tư tưởng đối với từng cá nhân, tập thể của 3 tổ chức này. Thông thường, chúng ta có tâm lý “tách ra thì ai cũng phấn khởi nhưng nhập vào là tâm tư”. Do đó, công tác tư tưởng phải đi trước một bước.

Tiếp theo, cần phải tính toán lại tổ chức, bộ máy, biên chế của văn phòng chung, phải đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế, sắp xếp tinh gọn bộ máy. Nghĩa là phải tránh tình trạng nhập cơ học, gọn đầu mối nhưng nhân sự vẫn cồng kềnh.

Đồng thời, vừa phải đảm bảo cho hoạt động phục vụ chung, vừa phải đảm bảo chức năng riêng của từng lĩnh vực phù hợp, tránh việc chỉ “nặng” phục vụ cơ quan thực thi chính sách pháp luật, “xem nhẹ” việc tham mưu cho cơ quan giám sát việc thực thi chính sách pháp luật. Cùng đó, xem xét đầy đủ chế độ chính sách đặc thù, phù hợp quy định, đảm bảo cho người lao động, cán bộ công chức tinh giản khi hợp nhất.

Việc tổ chức thực hiện hợp nhất cần không làm gián đoạn công tác tham mưu, phục vụ các đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh - thành phố trực thuộc Trung ương. Việc quản lý cơ sở vật chất của văn phòng sau khi hợp nhất phải đảm bảo chặt chẽ theo quy định, tránh thất thoát tài sản nhà nước.

Ngoài ra, khi tổ chức hợp nhất văn phòng cũng phải tính toán đồng bộ với các tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể, tạo sự đoàn kết, thống nhất, xây dựng tổ chức vững mạnh và hoạt động hiệu quả.

Ông NGUYỄN BÁ THUYỀN, nguyên Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng:

Cốt lõi nhất vẫn là chất lượng của cán bộ

Theo tôi, muốn nhập hay không nhập 3 văn phòng, điều quan trọng, cốt lõi nhất vẫn là chất lượng của cán bộ. Trường hợp những người giữ vai trò tham mưu có đầy đủ năng lực thì nên nhập, vì chỉ còn một số thư ký, tham mưu trong công việc với từng lĩnh vực cụ thể.

Nếu tính riêng việc tham mưu cho các ĐBQH, do cơ chế của chúng ta cơ cấu đại biểu; trong một số trường hợp, đại biểu có thể tiếp xúc cử tri độc lập và có đại biểu không thể tiếp xúc cử tri độc lập được, cho nên phải có văn phòng điều phối giữa các đại biểu với nhau, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Thực hiện chủ trương sáp nhập 3 văn phòng để tinh giản biên chế thì hợp lý. Tuy nhiên phải kết hợp chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác, cơ chế hoạt động của văn phòng chung cho phù hợp, nâng cao chất lượng hoạt động, tránh chồng chéo trong công tác tham mưu, phục vụ cho đoàn ĐBQH và HĐND, UBND cấp tỉnh. Bởi các cơ quan này có những đặc thù riêng trong chức năng, nhiệm vụ.

Bà LÝ TIẾT HẠNH, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định:

Vướng mắc cho văn phòng UBND cấp tỉnh

Cũng có nhiều ý kiến lo ngại rằng việc sáp nhập 3 văn phòng trên sẽ gặp khó khăn về quá trình tổ chức thực hiện. Khi sáp nhập lại sẽ như thế nào và hoạt động ra sao?

Quan điểm của tôi là chúng ta cứ phải nhất quán theo cái chung. Nghĩa là, các văn phòng cứ làm đúng theo các chức năng, nhiệm vụ của mình. Quan trọng nhất vẫn là việc tổ chức, sắp xếp bộ máy thật chặt chẽ, đồng thời phải có quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ và bố trí đúng người, đúng việc, đúng chức năng, nhiệm vụ, như vậy thì mọi việc sẽ tốt.

Quá trình thực hiện thí điểm có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đều có mong muốn tinh gọn bộ máy, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần của nghị quyết Trung ương. Do đó, muốn tinh gọn bộ máy, tránh chồng chéo, tránh lãng phí thì phải mạnh dạn tính toán triển khai, làm sao tạo được một hệ thống thông suốt, công khai, minh bạch.

Cá nhân tôi thấy rằng, về góc độ chức năng, nhiệm vụ thì việc hợp nhất 3 văn phòng sẽ có những vướng mắc đối với văn phòng UBND tỉnh. Bởi, trước giờ văn phòng UBND tỉnh thường làm việc, tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh, mang tính thực thi, hành pháp.

Còn văn phòng đoàn ĐBQH thì thực hiện việc giám sát. Điều này sẽ gây ra vướng mắc. Chúng tôi đang suy nghĩ về giải pháp tháo gỡ để khi Bình Định thực hiện việc sáp nhập 3 văn phòng thì mọi việc được thuận lợi 

Nhiều lần tách nhập

Văn phòng đoàn ĐBQH tỉnh - thành phố trực thuộc Trung ương từng được tách ra khỏi văn phòng HĐND, UBND và đoàn ĐBQH vào năm 2005. Đến tháng 10-2008, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết hợp nhất văn phòng đoàn ĐBQH và văn phòng HĐND để thành lập văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh - thành phố trực thuộc Trung ương.

Văn phòng chung được đánh giá là phải chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của khá nhiều chủ thể (lãnh đạo đoàn ĐBQH, thường trực HĐND, lãnh đạo các ban HĐND). Do nội dung, tính chất, phạm vi hoạt động của đoàn ĐBQH và HĐND khác nhau, khi thực hiện nhiệm vụ cho chủ thể nào lại do lãnh đạo của chủ thể đó trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Ngoài ra, mục đích sáp nhập để giảm biên chế, tinh gọn bộ máy cũng không đạt được, khi hầu hết quy mô của văn phòng đoàn ĐBQH  và HĐND tỉnh - thành phố lớn hơn 2 văn phòng trước kia.

Do đó, tháng 12-2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại có nghị quyết tách riêng văn phòng đoàn ĐBQH. Khi tách, có ý kiến khẳng định thực hiện quy định mỗi đoàn ĐBQH có một văn phòng sẽ không làm tăng biên chế, vì hiện nay hầu hết các đoàn ĐBQH đều đã có văn phòng. Mặt khác, văn phòng đoàn ĐBQH trực thuộc Văn phòng Quốc hội vừa phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp với xu thế chung của các nghị viện/quốc hội trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục