Thi hành án chỉ thu hồi được 0,92% số tiền tham nhũng

“Các báo cáo của Chính phủ, Tòa, Viện đã phản ánh khá đầy đủ công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), nhưng thực tiễn cho thấy, công tác PCTN vẫn chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga thẳng thắn nhận định khi trình bày báo cáo tại phiên họp UBTVQH chiều 21-9.
Thi hành án chỉ thu hồi được 0,92% số tiền tham nhũng

(SGGPO).- “Các báo cáo của Chính phủ, Tòa, Viện đã phản ánh khá đầy đủ công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), nhưng thực tiễn cho thấy, công tác PCTN vẫn chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga thẳng thắn nhận định khi trình bày báo cáo tại phiên họp UBTVQH chiều 21-9.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tại phiên họp UBTVQH ngày 21-9

Hoàn thiện thể chế PCTN là tiêu chí đánh giá Bộ trưởng

Theo người đứng đầu UBTP, nhiều tồn tại, hạn chế đã được UBTP nêu ra từ những năm trước nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Đó là thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở; việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức và chưa hiệu quả; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở một số nơi còn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác PCTN; việc nâng cao trách nhiệm và kỷ luật công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để hạn chế tình trạng nhũng nhiễu chậm chuyển biến; tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu…

Trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN, số lượng văn bản ban hành khá lớn, chất lượng được nâng lên một bước; song vẫn còn nhiều văn bản pháp luật thiếu minh bạch, sơ hở, chồng chéo nhưng chậm được sửa đổi; chưa loại bỏ được cơ chế “xin – cho” là nguyên nhân quan trọng làm phát sinh tham nhũng. “Đề nghị Quốc hội coi việc hoàn thiện thể chế để PCTN là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các Bộ trưởng, Trưởng ngành”, bà Lê Thị Nga phát biểu.

Việc công khai, minh bạch hoạt động của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, triển khai chậm. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là Luật PCTN chưa quy định chế tài xử lý đối với những trường hợp không công khai, minh bạch hoạt động.

Về kê khai tài sản, thu nhập, một biện pháp quan trọng trong PCTN, báo cáo của Chính phủ cho biết, năm 2015, số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập rất nhiều (hơn 1 triệu người), tỷ lệ bản kê khai được công khai cũng rất cao (993.127 bản), số trường hợp xác minh tài sản là 414 người, nhưng không phát hiện ra vi phạm. Mặc dù vậy, qua phản ánh của dư luận và báo chí thì việc kê khai tài sản còn hình thức, không ít trường hợp kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực.

Đặc biệt, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua: chỉ có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, trong khi đó có tới 159 vụ/402 bị cáo TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm. Tính đến tháng 7-2016, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu giảm 155,5% so với cùng kỳ năm 2015. Người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức coi vi phạm, tham nhũng của cấp dưới, của đơn vị do mình quản lý không phải là trách nhiệm của mình. Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT làm giả công văn, cấp chứng nhận trái phép hơn 800 sản phẩm thức ăn thủy sản và xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản, mặc dù các cá nhân vi phạm đã bị xử lý nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước không được xem xét đầy đủ. Việc chỉ định 11 tổ chức hoạt động chứng nhận chất lượng phân bón, thử nghiệm phân bón và một số đơn vị kinh doanh, sản xuất phân bón của Cục trồng trọt Bộ NN-PTNT dẫn đến hàng loạt sai phạm của các tổ chức này cũng chưa được xem xét trách nhiệm quản lý nhà nước đầy đủ…

Vi phạm nhiều, thu lại chẳng bao nhiêu

Trong khi đó, hiệu quả hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng còn chưa tương xứng với tổ chức bộ máy đã được kiện toàn; thậm chí đã xảy ra một số vụ tham nhũng ngay trong chính lực lượng có chức năng chống tham nhũng. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả của cuộc đấu tranh PCTN.

Công tác giải quyết tố giác, tin báo, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đều giảm so với cùng kỳ năm 2015 và không đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội.

Cụ thể, cơ quan điều tra tiến hành khởi tố 128 vụ/272 bị can, giảm 39% về số vụ và 16,5 % số bị can; Viện Kiểm sát truy tố 236 vụ/548 bị can, giảm 31% về số vụ và 27% số bị can; Tòa án xử sơ thẩm 159 vụ/402 bị cáo, giảm 63,5% về số vụ và 28,6% số bị cáo; qua giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng thu hồi được 92 tỷ 460 triệu đồng, đạt 38,5%; qua công tác thi hành án thu hồi được 45 tỷ 606 triệu đồng, đạt 0,92%).

Đáng lưu ý, qua giám sát của UBTP thì trong ba năm gần đây số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử giảm dần. Hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm, còn nhìn chung ở cấp tỉnh, huyện, các bộ, ngành thì việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn rất ít trong khi theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở những nơi này vẫn còn nghiêm trọng...

Nhìn chung, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thẳng thắn nhận xét, các báo cáo về công tác tư pháp “năm này sang năm khác khá giống nhau, không chỉ rõ được địa chỉ làm tốt và chưa tốt, trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp thế nào”.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, ông Phan Thanh Bình cũng tỏ ra rất băn khoăn. Ông Bình nhận định: “Các số liệu thống kê rất cần được phân tích kỹ hơn. Án treo giảm, nhưng là do phạm tội ít hơn hay đã được xử lý nghiêm khắc hơn? Hành vi chống đối người thi hành công vụ tuy nói giảm 20% về số vụ, nhưng tính chất nghiêm trọng. Tội phạm môi trường cũng vậy,  giảm 3% về vụ việc, nhưng đang là điểm nóng của xã hội”.

Chủ nhiệm Phan Thanh Bình yêu cầu xem xét, đánh giá kỹ hơn về tội phạm công nghệ cao và tội phạm ma túy; rà soát hiệu quả phối hợp giữa các ngành tư pháp; giữa chính quyền các cấp với cơ quan thi hành án”

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục