Thi nhau độ xe

Từ lâu rồi việc độ xe (tân trang, thêm một số phụ tùng để xe trông “ngầu” hơn, vận chuyển nhanh hơn, đèn sáng hơn, pô nổ to hơn…) đã được nhiều thanh niên yêu thích. Không chỉ độ xe máy, nhiều người cũng độ cả ô tô.

Tiền độ mắc hơn tiền mua

Con gái của ông Nguyễn Hữu Tính (ngụ phường 12 quận 10, TPHCM) đậu vào lớp 10 một trường danh tiếng ở quận 5. Tuy nhiên, ông Tính lại cười như mếu, tâm sự: “Vợ chồng tôi hứa thưởng cho con chiếc xe máy 50 phân khối nếu thi đậu. Nhưng nó khăng khăng không chịu mua xe máy mới, mà đưa tôi ra đường Lý Thái Tổ đòi mua một chiếc Cub 81 cũ với giá 12 triệu đồng. Chưa kịp làm giấy tờ sang tên, nó đem chiếc xe đi tân trang lại với lý do con gái đi xe cũ mèm coi sao được. Tổng cộng chi phí làm đồng, sơn, thay nhông, sên, dĩa, niềng, căm, máy mới… hơn 20 triệu đồng! Tính ra tiền độ còn mắc hơn tiền mua chiếc xe và tổng chi phí cho chiếc xe này cao hơn tiền mua một chiếc xe mới của các hãng khác”.

Thi nhau độ xe ảnh 1 Bộ đèn Xenon LED có giá hơn 10 triệu đồng
Con trai của ông Đoàn Thanh Tùng (ở phường 14 quận Bình Thạnh) vừa vào đại học. Ông Tùng kể: “Tôi định mua cho con chiếc xe máy để đi học, nhưng con tôi lại dứt khoát không muốn mua các dòng xe tay ga, số tự động mà chỉ khoái loại xe vô số bằng ambraya (côn tay), rồi chọn mua chiếc Yamaha Exciter. Chiếc xe vừa gắn biển số thì một loạt phụ tùng được thay thế. Đầu tiên là bộ phuộc Ohlin có giá 8,5 triệu đồng, rồi bộ ốc titan màu xanh 1,5 triệu đồng, tay thắng RCB giá 500.000 đồng, chân chống 350.000 đồng, tay thắng 1 triệu đồng, kính chiếu hậu dáng thể thao 500.000 đồng… Sơ sơ đã tốn thêm cho chiếc xe hơn 15 triệu đồng”.

Gầm như mãnh thú

Sáng đầu tuần, cửa hàng bán phụ tùng ô tô trên đường An Dương Vương (quận 5) khá đông khách. Ngay trước cửa hàng, chiếc BMW màu đen của anh Nguyễn Mạnh Cường (ngụ phường 21 quận Bình Thạnh) khá sang trọng. Tuy vậy, anh Cường vẫn mang đến đây để độ chiếc xe cưng của mình. Ngoài hệ thống camera hành trình, dàn âm thanh hiện đại, bộ đèn LED ở các núm cửa xe…, anh Cường còn thay dàn đèn gầm, đèn pha Xenon LED, bộ pô tăng tốc. Tổng chi phí hơn 30 triệu đồng. 

Chị chủ tiệm bàn: “Nếu chỉ đổi bóng, thay bi thì phải khoét lồng. Như vậy sẽ mất đẹp chiếc xe mà cũng không tăng độ sáng bao nhiêu. Nếu thay mới bộ đèn thì giá khoảng 11 triệu đồng. Đèn sáng đảm bảo đi đường trường an toàn. Tương tự, nhiều người khoái gắn thêm móc ở đầu pô để có tiếng kêu lạ. Nhưng âm thanh chỉ lớn khi chạy đúng tốc độ, pô đủ hơi. Còn di chuyển trong thành phố thì tác dụng không cao. Nếu thay nguyên bộ pô sẽ đảm bảo tiếng kêu gầm rú hơn, hơi được thoát ra nhiều và xe tăng tốc rất  nhanh. Bộ pô mới 1 ống ra 2 ống, nhìn xe đẹp hơn và có giá khoảng 12 triệu đồng. Cửa hàng bao luôn chi phí lắp ráp. Tuy nhiên, nếu đi xét xe hay kiểm định thì phải tháo đèn và kèn ra. Bởi lẽ, cơ quan kiểm định sẽ từ chối xét xe nào đã thay đổi đặc trưng cũng như một số máy móc, phụ tùng”.

Thi nhau độ xe ảnh 2 Móc đầu pô ô tô, khi gắn vào sẽ phát ra các âm thanh lạ 
Dù biết là căng như vậy, nhưng anh Cường vẫn đồng ý độ xe. Gần 12 giờ, bộ đèn và pô được lắp xong. Anh Cường nổ máy, tiếng máy xe êm ái lúc ban đầu đã bị thay thế bằng tiếng nổ giòn giã như tiếng máy chà gạo và khi nẹt pô thì gầm rú đinh tai.

Pháp luật nước ta chưa cho phép thay đổi đặc trưng, thiết bị xe, nhưng việc mua bán và thay thế thêm phụ tùng, thiết bị, đèn, kèn, pô… ô tô, xe máy vẫn công khai.

Ông Lê Ngọc Sơn (52 tuổi, nhà ở phường 3 quận 5) đang hành nghề lái xe, cho biết: “Đèn ô tô chính hãng đã đủ sáng, nhưng không hiểu sao nhiều người vẫn thích thay thế bằng đèn Xenon LED. Ánh sáng của nó mạnh lắm, lái xe ban đêm mà gặp xe gắn đèn đó lưu thông chiều ngược lại là rất nguy hiểm, vì đèn sáng quá  làm mình bị chóa mắt cả chục giây và không thể quan sát. Tương tự, bộ pô được nhà sản xuất lắp đặt theo xe đã đủ công dụng rồi. Xe đua thì họ mới cần pô tăng tốc. Đằng này các dòng xe sang như Mazda, Lexus, BMW… vẫn độ pô thì không phù hợp. Các loại xe như vậy tiếng máy êm ru, chớ sao lại gầm rú ồn ào được. Việc độ thêm đèn, kèn, pô của ô tô và gắn máy rất hại cho xe. Nhà sản xuất đã tính công suất bình điện, đường dây dẫn điện đủ cho các thiết bị. Nay lắp thêm thiết bị sẽ ảnh hưởng đến bình điện, dây dẫn. Lâu ngày, dây dẫn điện nóng chảy sẽ rất dễ gây cháy”.

Tin cùng chuyên mục