Thí sinh hồ hởi vì đề thi Sử - Địa - Giáo dục công dân dễ

Các thí sinh đều cho biết đề thi môn Sử, Địa nhẹ nhàng, đặc biệt môn Giáo dục công dân rất dễ lấy điểm 7-8.
Thí sinh phấn khởi sau bài thi khoa học xã hội
Thí sinh phấn khởi sau bài thi khoa học xã hội

Hơn 430.000 thí sinh cả nước vừa làm xong bài thi khoa học xã hội (KHXH), kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Ghi nhận chung, các thí sinh đều cho biết đề thi môn Sử, Địa nhẹ nhàng, đặc biệt môn Giáo dục công dân (GDCD) rất dễ lấy điểm 7-8.

Mỗi môn thành phần trong bài thi khoa học xã hội có 40 câu trắc nghiệm với thời gian làm bài 50 phút/môn. Nhiều thí sinh nói thừa thời gian làm bài.

Thí sinh Phạm Thảo Đan, Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội) phấn khởi cho biết, bài thi khoa học xã hội đề sát chương trình, có nhiều câu rất dễ để kiếm điểm mà không cần suy luận. Đáng chú ý, môn GDCD lần đầu tiên đưa vào thi thí sinh thấy thích, vì nhiều câu là kiến thức thông thường, nhiều câu gắn với thực tiễn. “Mã đề Địa lý của em có một câu gắn với chủ quyền biển đảo khi yêu cầu thí sinh xác định vị trí quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”, thí sinh Đan cho biết.

Trong khi đó, thí sinh Lê Thị Lan Anh (Trường THPT Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội) cũng hồ hởi cho hay, thi trắc nghiệm tổ hợp khoa học xã hội rất nhàn, kiến thức bao quát, cả trong sách giáo khoa và vận dụng thực tế cuộc sống. Môn GDCD đưa vào nhiều kiến thức xã hội giúp thí sinh thấy hào hứng.

Thí sinh Phương Linh điểm thi Trường THPT Hàn Thuyên (Phú Nhuận, TPHCM) được các tình nguyện viên cõng xuống từ phòng thi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cũng chia sẻ niềm vui, em Võ Hồng Hạnh (Trường THPT Hà Đông, Hà Nội) cho biết, Sử Địa thì em không tự tin đạt điểm cao nhưng môn GDCD em sẽ đạt 8-9 điểm. “Vì đề thi nhẹ nhàng, nhiều câu rất dễ chỉ cần vài giây là làm xong. Có đến hơn 20 câu hỏi em làm thoáng cái là xong, dành thời gian để làm những câu khác. Đề GDCD có nhiều câu hỏi tình huống thực tế, viện dẫn nhiều nhân vật, ví dụ nói về công ty này công ty kia, trường hợp vợ chồng đánh ghen, ly hôn, tranh chấp tài sản... nên câu hỏi dài, đòi hỏi phải đọc rồi mới chọn được phương án trả lời”, thí sinh Hạnh cho biết.

Nhìn chung, lần đầu tiên thi trắc nghiệm 3 môn Sử - Địa - GDCD trong bài thi tổ hợp xã hội đã giúp thí sinh thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Các em cho biết, với cách thi này, sẽ không phải học thuộc lòng nhiều mà thiên về nâng cao hiểu biết xã hội.

Chiều nay, Bộ GD-ĐT họp báo công bố kết quả kỳ thi. Đề thi và đáp án tất cả các môn cũng sẽ được Bộ công bố ngay sau kỳ thi kết thúc. 

* Ngày thi cuối cùng 24-6, toàn TPHCM có tổng cộng 63.750 thí sinh dự thi bài thi tổ hợp môn KHXH.

Tại điểm thi Trường THCS Võ Trường Toản, sau khi kết thúc môn thi thành phần tự chọn là Địa, Sử, một số thí sinh tự do hoàn thành bài thi ra sớm nhận định rằng đề thi hai môn này vừa sức, tương đối dễ. Thí sinh Châu Sa Ny, Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 1 làm đề 323 cho biết: “Theo em đề thi hai môn Sử, Địa không khó, tuy cần suy nghĩ, tư duy nhưng không có câu nào đánh đố. Riêng môn Địa được sử dụng Atlat nên làm bài nhẹ nhàng, không phải nhớ số liệu, học thuộc lòng. Cơ cấu đề thi dễ, sát với chương trình học và ôn tập nên em chắc chắn đạt điểm đậu tốt nghiệp THPT”.

Tương tự, một số thí sinh tự do khác cũng nhận định đề thi Sử, Địa vừa sức, có thể đạt 5-6 điểm để xét tốt nghiệp như mong muốn.

Thí sinh hồ hởi vì đề thi Sử - Địa - Giáo dục công dân dễ ảnh 2 Thí sinh phấn khởi vì đề hay
11 giờ kết thúc làm bài thi tổ hợp KHXH, các thí sinh làm trọn bài thi tổ hợp KHXH rời phòng thi với tâm trạng thoải mái, tự tin làm bài tốt.

Tại Trường THPT Trưng Vương, nhiều thí sinh nhận định đề thi thành phần 3 môn Địa, Sử, GDCD vừa sức, sát chương trình học trong sách giáo khoa. Chỉ có một số câu khó dành để phân loại thí sinh, đòi hỏi phải tư duy, suy luận và vận dụng thực tế.

Thí sinh Nguyễn Ngọc Đình cùng mộ số bạn khác cho biết đề thi môn GDCD khá hay. Tuy dài nhưng những câu hỏi trắc nghiệm trong đề thi môn GDCD có nội dung hay, phong phú liên quan đến nhiều vấn đề như pháp luật, đời sống xã hội. Các tình huống xử lý vấn đề cuộc sống đặt ra khá gần gũi, thiết thực nên thí sinh làm khá dễ dàng. Chỉ cần nắm vững kiến thức là thí sinh có thể làm được 5-7 điểm. Còn thí sinh nào có năng lực, biết suy luận, tư duy thì sẽ đạt điểm 7-8 trở lên.

Tuy nhiên, thí sinh Tường Đắc Trường THPT Trưng Vương thì cho rằng đề thi môn GDCD có nhiều tình huống đặt ra khó và đòi hỏi suy luận, vận dụng nên không dễ kiếm điểm cao.

Trưa 24-6, Sở GD-ĐT TPHCM đã họp báo thông tin về ngày thi cuối cùng. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết ngày cuối cùng không có sự cố nào xảy ra. Không có thí sinh, cán bộ coi thi vi phạm quy chế. Tại 18 điểm thi có thí sinh ra về sớm nhưng không xảy ra trường hợp nào vi phạm như hôm qua 23-6.

Tại các điểm thi có 63.750 thí sinh dự thi bài thi tổ hợp KHXH và số vắng của ba môn thi này là 373 em. Theo Sở, từ ngày 27-6, ban chấm thi của bộ phận chấm thi tự luận bắt đầu làm việc và chấm thử. Từ 27-6 đến 1-7 sẽ thực hiện chấm thi tự luận và trắc nghiệm, dự kiến 2-7 sẽ thực hiện công tác đối sánh kết quả thi, TP sẽ hội đầu 100% bài thi để đảm bảo tính chính xác. Ngày 3-7 tổng kết công tác chấm thi, gửi dữ liệu về Bộ GD-ĐT theo qui định.

Tin cùng chuyên mục