Thí sinh Lạng Sơn, Hòa Bình “áp đảo” các trường công an, quân đội: Giải tỏa băn khoăn cách nào?

“Khi chưa có kết luận điều tra, chúng ta phải khẳng định các em không có tội. Kể cả có cho thi lại mà các em điểm thấp thì cũng không kết luận được rằng các em gian lận. Vì thi còn có yếu tố may rủi, nhất là thi trắc nghiệm"...

Nghi vấn gian lận thi cử tiếp tục kéo dài sự hoài nghi của dư luận khi hàng loạt trường quân đội, công an ở phía Bắc có thủ khoa và á khoa đầu vào là thí sinh của tỉnh Hòa Bình, Lạng Sơn, Sơn La.

Trong khi đó Hòa Bình đã khởi tố vụ án hình sự, bắt một số cá nhân vì gian lận điểm thi.

Tỉnh Lạng Sơn cũng có dấu hiệu điểm thi bất thường, nhưng đoàn công tác của Bộ GD-ĐT sau khi rà soát không phát hiện sai phạm.

Vấn đề đặt ra trong dư luận hiện nay là các trường có số lượng thủ khoa, á khoa đến từ các tỉnh thành dính nghi án gian lận điểm thi chiếm áp đảo liệu có động thái kiểm tra lại đầu vào?

Đại diện Cục Đào tạo (Bộ Công an) cho biết, nếu các trường có kiến nghị chính thức thì Cục sẽ báo cáo lên lãnh đạo cấp trên để xin chủ trương.

Nếu Bộ Công an cho chủ trương thì lúc đó mới có thể đề xuất với Bộ GD-ĐT kiểm tra một số bài thi.

Còn hiện tại, các trường công an vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia 2018 làm căn cứ pháp lý để xác định thí sinh trúng tuyển và chưa có chủ trương kiểm tra đầu vào của thí sinh vì chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện việc này.

Khi cơ quan điều tra công bố kết quả điều tra ở các tỉnh, nếu phát hiện có trường hợp thí sinh gian lận, lúc đó sẽ xử lý theo đúng quy chế của Bộ GD-ĐT.

Thí sinh Lạng Sơn, Hòa Bình “áp đảo” các trường công an, quân đội: Giải tỏa băn khoăn cách nào? ảnh 1  Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT 
Ngày 9-8, trao đổi với báo chí, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện tại chưa có trường đại học nào đề xuất Bộ GD-ĐT rà soát lại kết quả thi 2018.

“Tuyển sinh hoàn toàn là quyền tự chủ của các trường. Vì vậy có rà soát,  kiểm tra lại đầu vào hay không cũng là quyền chủ động các trường. Nếu các trường đề xuất rà soát điểm thi của thí sinh, Bộ sẽ hỗ trợ tùy yêu cầu của từng trường”, ông Trinh nhấn mạnh.

“Đừng đặt vấn đề tất cả các thí sinh này đều gian lận thi cử. Nói như vậy rất tổn thương các em. Hiện tại, chúng tôi đang trong quá trình xử lý sự việc ở các địa phương. Thế nên, trước mắt chúng ta tạm thời chấp nhận kết quả để tuyển sinh và thực tế các em đã tuyển sinh”, ông Trinh cho hay.

Khi có kết quả điều tra, việc xử lý sẽ theo quy chế, thậm chí sẽ xử lý ở mức độ cao nhất.

Trao đổi với PV Báo SGGP về việc các trường công an, quân đội có nên có động thái để xóa tan những “câu hỏi” mà dư luận đặt ra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cũng cho rằng, chưa có cơ sở pháp lý để xử lý việc này.

“Tôi cho rằng trong trường hợp này tự bản thân các trường sẽ có giải pháp để tự điều chỉnh. Trường có thể tổ chức đánh giá lại, đó là chuyện của trường; còn quy định của luật pháp thì không có chuyện thi lại cho các thí sinh này”, ông Bình nêu quan điểm.

Nhưng kể cả trường kiểm tra lại thì cũng rất tế nhị ở chỗ là thí sinh đi thi lần này điểm cao, lần khác điểm kém là bình thường, nên để đánh giá có gian lận hay không cũng là cả vấn đề.

Ông Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM thì nêu quan điểm, điều này phụ thuộc vào quan điểm của các trường.

“Nếu ở ĐHQG TPHCM thì đánh giá lại là chuyện đơn giản, bởi chúng tôi có ngân hàng đề thi. Các đề thi có tính tương đương nhau về độ khó, nên thí sinh có thể đánh giá lại được. Một thí sinh làm bài được 9-10 điểm thì thi lại không thể chỉ đạt 4-5 điểm, ít nhất phải 7-8 điểm”, ông Quân nói.

Cũng theo Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM, đòi hỏi của chúng ta là phải bảo đảm công bằng cho các thí sinh khác và cho chính các thí sinh đỗ vào trường đó.

“Nếu cứ để như hiện nay, những em vào trường bằng chính thực lực của mình cũng bị đánh đồng với nghi vấn gian lận, điều đó là không thể được. Nếu tôi là lãnh đạo các trường đó, tôi sẽ cho kiểm tra, đánh giá lại số thí sinh bị đặt vấn đề này”, ông Quân nêu quan điểm cá nhân; đồng thời cho rằng, các nước trên thế giới họ cũng sẽ không để như vậy, một mặt là danh dự của trường, hai là danh dự của các thí sinh.

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT thì cho rằng, động thái này là phụ thuộc từng trường. Thông thường, sau khi tuyển sinh, một số trường vẫn tiến hành kiểm tra đầu vào để phân loại thí sinh, xếp lớp đào tạo.

“Khi chưa có kết luận điều tra, chúng ta phải khẳng định các em không có tội. Kể cả có cho thi lại mà các em điểm thấp thì cũng không kết luận được rằng các em gian lận. Vì thi còn có yếu tố may rủi, nhất là thi trắc nghiệm. Vì thế, dù có kiểm tra đầu vào thì cũng không phát hiện được vấn đề”, ông Tùng cho hay.

“Đặt giả thiết có 5-10% thí sinh có gian lận thi cử thì trường cũng phải chấp nhận, cách giải quyết là phân loại thí sinh để hỗ trợ đào tạo. Trường có thể kiểm tra đầu vào lại nhưng không phải để xác định gian lận, giải tỏa vấn đề nghi kỵ mà là để có biện pháp hỗ trợ đào tạo”, ông Tùng nêu quan điểm. Tất nhiên, trong quá trình đào tạo, nếu các em không đáp ứng được thì sẽ bị đào thải.

Ông Lê Trường Tùng cũng nêu quan điểm, báo chí, xã hội không nên đánh đồng tất cả các thí sinh điểm cao đến từ Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La đỗ vào các trường công an, quan đội, như thế là làm tổn thương các em.

“Chúng ta đòi hỏi công bằng cho tất cả các thí sinh, nhưng khi chưa có kết luận thì phải công bằng với các em. Còn khi có kết luận điều tra thì các trường có thể xử lý để bảo đảm công bằng cho thí sinh, ví dụ những thí sinh bị trượt thì phải chấp nhận, còn phải tạo cơ hội những em khác đỗ, lúc đó các trường khác nên tạo điều kiện để thí sinh được rút hồ sơ về nhập học ở trường mà các em yêu thích”, ông Tùng kiến nghị giải pháp.

Tương tự, với thí sinh là nạn nhân của việc gian lận thì nếu bị trượt trường này thì các em có thể đỗ trường khác, và lúc đó các em cần được tạo cơ hội.

“Các hiệu trưởng nếu quan tâm thí sinh sẽ giải quyết được hết, vì số lượng sẽ không nhiều”, ông Tùng nói.

Tin cùng chuyên mục