Thị trường bán lẻ: Nhộn nhịp và hồi hộp

 Thực tế là tại TPHCM, nhiều tập đoàn đa quốc gia chuyên về bán lẻ thức ăn, thức uống đã… trả mặt bằng. Điều đó khiến nhiều người hoang mang về sự phát triển thật của thị trường bán lẻ.
Trước thông tin Hãng tư vấn A.T. Kearney của Mỹ công bố Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2017 cho rằng, Việt Nam đã tăng hạng từ vị trí 11 (2016) lên hạng thứ 6 trong năm nay, nhưng có một thực tế là tại TPHCM, nhiều tập đoàn đa quốc gia chuyên về bán lẻ thức ăn, thức uống đã… trả mặt bằng. Điều đó khiến nhiều người hoang mang về sự phát triển thật của thị trường bán lẻ.
Thăng hạng
Nếu năm 2016, Việt Nam đứng vị trí thứ 11 về bán lẻ toàn cầu thì năm nay đã lên hạng 6, cho thấy Việt Nam đã trở lại “top ten” trong bảng xếp hạng về mức độ hấp dẫn của thị trường bán lẻ. Theo khảo sát, năm 2017, Việt Nam chỉ đứng sau các thị trường lớn là Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE). Có nghĩa là Việt Nam đã vượt qua các thị trường Indonesia, Thái Lan (vị trí 30), Philippines (vị trí 18)… Chỉ số thể hiện thị trường bán lẻ trong nước đang rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Vì sao Việt Nam đạt được chỉ số tăng vọt này, theo các chuyên gia thì Việt Nam vẫn đang ở trong thời kỳ “dân số vàng” vì dân số trẻ, tầng lớp thành thị và trung lưu tăng nhanh; GDP tăng trưởng tương đối cao so với các nước trong khu vực… Nền kinh tế Việt Nam cũng đang chuyển đổi theo hướng mở rộng đầu tư khối tư nhân, bình đẳng các thành phần kinh tế. Chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam cũng rõ ràng hơn, hướng tới xuất khẩu hàng hóa giá trị cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn cho xã hội. Điều đó giúp các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng hơn vào sự phát triển của đất nước trong tương lai. 
Thị trường bán lẻ: Nhộn nhịp và hồi hộp ảnh 1 Thị trường bán lẻ trong nước nhộn nhịp. Ảnh: CAO THĂNG
Đặc biệt, gần đây các chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ đối với lĩnh vực bán lẻ đã thông thoáng hơn. Chính phủ đã mở cửa tự do cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị bán lẻ trong nước, tức cho phép mở rộng 100% quyền sở hữu của các nhà bán lẻ nước ngoài và thậm chí có nhiều chính sách ưu đãi các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ trong nước thời gian qua đạt mức khá cao so với các nước trong khu vực.
Trong tổng số dự án đầu tư vào Việt Nam thì ngành bán lẻ đứng vị trí thứ 2 với 222 dự án cấp mới, 41 lượt dự án tăng vốn và 680 lượt dự án có góp vốn, mua cổ phần. Tổng số lượt dự án rót vốn vào ngành bán buôn, bán lẻ tương ứng với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và vượt qua ngành khai khoáng. Con số đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang dành sự quan tâm lớn cho thị trường bán lẻ Việt Nam, đầu tư vào nhiều hơn ở cả hình thức đầu tư mới lẫn mua bán - sáp nhập.
Nhiều cửa hàng fast food trả mặt bằng
 Tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư vào các lĩnh vực trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt 12,1 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 6,2 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ. Xét quy mô các dự án FDI được cấp phép mới trong 5 tháng, tỉnh Kiên Giang có số vốn đăng ký lớn nhất với 1,3 tỷ USD, chiếm gần 1/4 tổng vốn đăng ký cấp mới.
Thống kê chung 5 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.600 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe gắn máy là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở mức cao, sau công nghiệp chế biến chế tạo và khai khoáng. Ở hoạt động góp vốn mua cổ phần, nổi bậc có vụ ACA Investments - công ty quản lý quỹ của Nhật Bản, thuộc Tập đoàn Sumimoto - vừa rót một khoản đầu tư nắm giữ 20% cổ phần của Bibo Mart. Công ty cổ phần Seven System Việt Nam - đại lý nhượng quyền của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7 - Eleven - cũng công bố kế hoạch chính thức mở cửa tại Việt Nam vào tháng 6 này. Theo dự báo, mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đang là phân khúc phát triển nhanh nhất trên thị trường bán lẻ tại Việt Nam. 
Thế nhưng, trên thực tế thì rất nhiều cửa hàng fast food (thức ăn nhanh), chuỗi nước uống đã trả lại mặt bằng, sẵn sàng chịu phạt thanh lý hợp đồng trước thời hạn. Cửa hàng thức ăn nhanh ở góc đường Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ đã được Lotte trả trước hạn và sẵn sàng bồi thường hàng trăm triệu đồng. Nhiều cửa hàng khác của các ông “trùm” thực phẩm cũng đã tháo chạy. Thế nhưng, các nhà đầu tư nước ngoài khác vẫn đang nhắm đến thị trường Việt Nam. Bằng chứng là trong 5 tháng đầu năm, vốn FDI vẫn khả quan, với hơn 2.000 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 1,79 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục