Thị trường bánh trung thu 2009 - Coi chừng “bánh dỏm”

Nếu ở đầu vụ, các doanh nghiệp sản xuất bánh Trung thu cứ lo ngại về mãi lực thì những ngày gần đây, doanh nghiệp đang “đau đầu” với hiện tượng tráo “bánh dỏm” vào hộp bánh của những thương hiệu nổi tiếng.        Treo “đầu dê”,bán... “thịt chó”!
Thị trường bánh trung thu 2009 - Coi chừng “bánh dỏm”

Nếu ở đầu vụ, các doanh nghiệp sản xuất bánh Trung thu cứ lo ngại về mãi lực thì những ngày gần đây, doanh nghiệp đang “đau đầu” với hiện tượng tráo “bánh dỏm” vào hộp bánh của những thương hiệu nổi tiếng.

        Treo “đầu dê”,bán... “thịt chó”!

Để tráo bánh giả vào hộp bánh các thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng, hiện nay nhiều điểm bán bánh Trung thu đã chọn cách kinh doanh nhiều nhãn hiệu bánh cùng một lúc. Bằng chứng là nhiều điểm treo bảng hiệu là bánh Kinh Đô nhưng bên trong lại bán thêm các loại bánh có thương hiệu lạ hoắc.

Để “qua mắt” người tiêu dùng, người bán sẵn sàng tráo “bánh giả” vào những bánh hộp có thương hiệu nổi tiếng nếu người mua hàng lơ là hoặc để cho người bán tự chọn bánh giùm.

Anh Nguyễn Thiên Phúc (nhà ở đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận) cho biết đã mua một hộp bánh Trung thu nhãn hiệu Kinh Đô tại một điểm bán bánh Trung thu Kinh Đô nhưng khi về nhà mở ra anh và gia đình mới phát hiện bên trong chỉ có 2 cái mang nhãn hiệu Kinh Đô, còn lại là bánh mang nhãn hiệu Văn Lệ Đồng Khánh. Anh Phúc mang hộp bánh vừa mua ấy ra điểm bán bánh, sau một hồi đôi co, người bán đã chấp nhận đổi bánh cho anh với lý do là vô tình “để nhầm”.

Tương tự, chị Lê Thị Thi (đường D1, phường 25 quận Bình Thạnh) cũng đến hiệu bánh Kinh Đô trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh để mua bánh nhưng chị đã phát hiện ra nhân viên của tiệm này đã tuồn bánh không thương hiệu vào hộp có nhãn hiệu Kinh Đô.

Người tiêu dùng cần cẩn thận với bánh trung thu bán dạo. (Ảnh một xe bán bánh trung thu trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7). Ảnh: CAO THĂNG

Người tiêu dùng cần cẩn thận với bánh trung thu bán dạo. (Ảnh một xe bán bánh trung thu trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7). Ảnh: CAO THĂNG

Tình trạng này không chỉ dừng ở Hà Nội và TPHCM mà theo ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bibica, thì đã lan ra cả các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Phú Yên, Ninh Thuận… “Bánh giả” hiện được “cải trang” tinh vi, chúng thường được để sẵn trong tủ kiếng với bao bì y chang bánh thật, chỉ khác một số chi tiết nhỏ nếu người mua không tinh ý sẽ khó phát hiện hàng giả.

Ngoài việc tráo bánh, tình trạng lập lờ thương hiệu và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng diễn ra khá phổ biến trong mùa Trung thu năm nay. Nếu trước đây tình trạng này chỉ dừng lại ở thương hiệu bánh Trung thu Đồng Khánh với sự “ăn theo” của hàng chục loại bánh Trung thu Đồng Khánh khác thì nay “tệ nạn” này lại đến với thương hiệu bánh Trung thu Kinh Đô.

Trong những ngày đầu tháng 9 vừa qua, Đội quản lý thị trường 3A đã phát hiện hàng loạt vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu này.

Điển hình là vụ ngày 5-9, tổ công tác đã phát hiện điểm bán bánh Trung thu trên hè đường Nguyễn Tri Phương, phường 8, quận 5 mang tên Thành Đô có 45 vỏ hộp bánh mang nhãn hiệu Thành Đô sử dụng chữ Trung Quốc (chữ nguyệt) đã được Công ty CP Kinh Đô đăng ký bảo hộ độc quyền trước đó. Lý giải về việc này, người chủ cửa hàng trên cho biết do công ty ông mới vừa thành lập nên đã mua các vỏ hộp này tại chợ Phùng Hưng rồi đóng mộc tên công ty mình vào và không biết là điều này đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ?!

Không chỉ có ở cửa hiệu trên mà năm nay rất nhiều cơ sở sản xuất bánh Trung thu đã “mượn” bao bì của Kinh Đô bằng cách làm nhái từ màu nền hộp cho đến hoa văn, vì thế nếu không quan sát kỹ người tiêu dùng sẽ rất dễ bị nhầm lẫn.

Chế biến bánh trung thu tại một cơ sở sản xuất nhỏ. Ảnh: GIA BẢO

Chế biến bánh trung thu tại một cơ sở sản xuất nhỏ. Ảnh: GIA BẢO

        Tẩy chay hàng giả, hàng dỏm bằng cách nào?

Để bảo vệ sức khỏe của gia đình và người thân đã đến lúc người tiêu dùng nên nói không với các loại bánh Trung thu giả, dỏm. Trước khi mua bánh, người tiêu dùng nên xem kỹ thông tin trên bao bì vì thông thường các loại bánh giả không bao giờ nhái được 100% bánh thật mà chúng chỉ giống na ná khoảng 40%, và ít có sản phẩm bánh giả nào ghi rõ ràng ngày sản xuất, hạn sử dụng cũng như nơi sản xuất cụ thể. Ngoài ra, dù có bận rộn cách mấy đi chăng nữa thì người mua hàng cũng nên tự mình chọn từng cái bánh một, tránh tình trạng người bán đưa cái gì mình cầm cái đó.

Ở góc độ khác, các nhà sản xuất mong muốn các cơ quan chức năng, nhất là đội ngũ quản lý thị trường các địa phương nên sớm vào cuộc và cần làm quyết liệt hơn nữa trong việc truy lùng đến tận nơi sản xuất “bánh giả” để xử lý, giúp người tiêu dùng không phải tiền mất tật mang mà nhà sản xuất cũng không bị thiệt hại và ảnh hưởng đến thương hiệu.

Bởi càng về cuối vụ, bánh Trung thu “3 không” (không bao bì, không nơi xuất xứ, không hạn sử dụng – không ngày sản xuất) sẽ xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều hơn và tình trạng tuồn “bánh giả” vào hộp thật cũng sẽ phổ biến và tinh vi hơn.

Hơn nữa, để bảo vệ sức khỏe của mình trước các sản phẩm kém chất lượng qua các chiêu khuyến mãi theo kiểu mua một tặng một, giảm giá 50%..., người tiêu dùng nên tỉnh táo hơn. 

LÊ MAI THI

Tin cùng chuyên mục