Thị trường bất động sản ấm lại

Nếu loại bỏ cơn sốt đất nông nghiệp ở vùng ven thì thị trường bất động sản (BĐS) đang ấm lại đã đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế khi xóa dần các dự án dang dở, nợ xấu được xử lý, nhà ở đến tay người có nhu cầu…
Dự án Kenton Node. Ảnh: THÀNH TRÍ
Dự án Kenton Node. Ảnh: THÀNH TRÍ
Xóa biểu tượng “tiêu cực” của khu Nam
Một tòa nhà nằm lừng lững giữa khu Nam Sài Gòn, trên đường Nguyễn Hữu Thọ, ngay giao lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7, TPHCM), lâu nay trở thành biểu tượng của thị trường BĐS hậu sốt nóng: dang dở, đen sì, phó mặc cho mưa nắng! Đó là dự án Kenton, do Công ty Xây dựng - sản xuất - thương mại Tài Nguyên (Công ty Tài Nguyên) làm chủ đầu tư.
Nhưng đó là chuyện của gần 10 năm trước, còn nay chủ đầu tư trở lại với bộ mặt khác, lột xác hoàn toàn. Ngày 21-5, Công ty Tài Nguyên ký kết hợp tác với hàng loạt đối tác nhằm làm “sống” lại dự án. Đó là nhận nguồn tín dụng bổ sung từ các ngân hàng Maritime Bank, BIDV 1.060 tỷ đồng. Khoản tiền trên giúp chủ đầu tư tiếp tục triển khai xây dựng các hạng mục của dự án, đồng thời thực hiện bảo lãnh theo Điều 56 của Luật Kinh doanh bất động sản - trong trường hợp chủ đầu tư không giao nhà đúng hạn thì ngân hàng sẽ trả lại các khoản tiền khách hàng đã nộp cho chủ đầu tư. Tiếp đó, chủ đầu tư cũng ký kết với các đơn vị nhà thầu, thi công, cung cấp vật tư, thiết bị, đơn vị quản lý vận hành tòa nhà…
Sự xuất hiện trở lại lần này cũng khác hẳn, trở thành Khu phức hợp Kenton Node - Hotel Complex. Nói như ông Vũ Anh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Tài Nguyên: “Nơi đây sẽ là một downtown - một trung tâm mới của TPHCM có “hồn” hẳn hoi chứ không đơn thuần là bê tông cốt thép”.
Theo đó, với lợi thế khu đất rộng gần 12ha và mật độ xây dựng chỉ 23%, được thiết kế làm 2 phân khu chức năng, gồm căn hộ 4 sao và khách sạn 5 sao; khu phố đi bộ ven sông dài 1,4km, có nơi trình diễn văn hóa đường phố, ẩm thực phố đêm… Đặc biệt với khu nhạc nước lần đầu tiên xuất hiện trong khu dân cư có tổng vốn đầu tư gần 2 triệu USD, sẽ biểu diễn hàng tuần để phục vụ cư dân cũng như khách du lịch.
Ngoài ra, chủ đầu tư cũng công bố dự án cao cấp khác, đó là Evergreen được nhận hạn mức 500 tỷ đồng tín dụng bổ sung từ Ngân hàng SHB. Dự án vừa có biệt thự vừa có căn hộ, tọa lạc ngay đường Nguyễn Lương Bằng nối dài, đối diện với dự án Chateau của Phú Mỹ Hưng. 
Phát biểu tại buổi ra mắt 2 dự án nói trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM nhận xét: “Thị trường BĐS chờ đợi sự trở lại của Công ty Tài Nguyên quá lâu. Hy vọng, sự xuất hiện lần này của công ty sẽ là mắt ghép hoàn chỉnh sự phát triển cho khu Nam nói riêng và thị trường BĐS nói chung”. 
Tan dần “cục máu đông”
Nợ xấu của nền kinh tế được ví von là “cục máu đông”, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất thuộc về BĐS. Trong 2 năm qua, khi thị trường BĐS ấm lên, nhiều dự án đã “sống” lại, đóng góp rất lớn cho sự khởi sắc của nền kinh tế.
Thị trường đã chứng kiến sự trở lại ngoạn mục của những dự án “chết lâm sàng” như dự án Thảo Loan ở khu Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Có 169 căn hộ xây thô xong rồi “đứng hình”, chủ đầu tư trễ bàn giao nhà 2 năm rồi thay tên đổi họ công ty khiến khách hàng như ngồi trên lửa. Chưa hết, ngân hàng - nơi chủ đầu tư thế chấp dự án, đã dán thông báo khắp khu vực, yêu cầu khách hàng khi giao dịch phải thông qua nhà băng. Sự việc đổ bể, khách hàng kiện tụng rần rần. Nhưng may thay, sau đó dự án được chuyển sang chủ đầu tư khác. Giờ đây, toàn bộ khu căn hộ đang dần hoàn thiện và chuẩn bị giao nhà cho khách hàng. 
Không chỉ xử lý dự án dang dở mà nhờ mua bán dự án - sáp nhập, nhiều chủ đầu tư đã từng bước vượt qua khó khăn. Ví dụ, Công ty BĐS An Gia đầu tiên mua lại 1 lốc chung cư, sau đó mua hết 5 lốc từ dự án La Casa do Công ty cổ phần Địa ốc Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư - ghi nhận doanh thu lãi gộp 325 tỷ đồng vào đầu năm 2017. Nhờ khoản lãi từ bán dự án, công ty dễ dàng triển khai các phương án kinh doanh của mình, như hoàn thiện chung cư Tulip Tower, gồm 132 căn hộ, bị dang dở nhiều năm trước đó. Hoặc mới đây nhất, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) trở thành “cổ phiếu lạ” khi tăng trần không ngừng sau thời gian dài lận đận với trị giá dưới 4.000 đồng/cổ phiếu và chỉ trong vòng hơn tháng qua đã có giá 18.500 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch ngày 18-5). Một nguyên nhân được giải thích trên báo cáo tài chính của công ty, đó là việc bán dự án ở xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè cho Công ty cổ phần đầu tư Sunny Island. Nhờ khoản tiền này, chủ đầu tư đã tất toán được khoản “nợ khủng” đến hạn cho ngân hàng BIDV lên tới 1.352 tỷ đồng. Trước đó QCG cũng đã bán dự án ở quận 4, tất nhiên khoản tiền thu được để xử lý việc nợ nần…
Theo nhận định của Hiệp hội BĐS TPHCM, trong giai đoạn 2009 - 2013, TPHCM có hơn 14.000 căn hộ tồn kho, hàng trăm dự án trùm mền, nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS đã phải bán tống bán tháo để giải quyết bài toán tài chính. Nhưng nay, nhờ việc chuyển nhượng dự án đã góp phần giúp thị trường “gọn gàng, sạch sẽ” hơn, đóng góp tích cực hơn cho nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục