Thị trường bất động sản sốt từng ngày, có vỡ “bong bóng”!?

Thị trường bất động sản sốt từng ngày, có vỡ “bong bóng”!?
Thị trường bất động sản sốt từng ngày, có vỡ “bong bóng”!? ảnh 1
Khi các dự án bất động sản hoàn thành, liệu có làm dịu được cơn sốt của thị trường? Ảnh: P.N.

Những ngày gần đây, giá bất động sản (BĐS) tại các thành phố lớn liên tục tăng cao. Không còn là “nóng”, mà đã thật sự “sốt cao” – giá cả đang đổi thay từng ngày, thậm chí đôi chỗ còn “từng giờ”. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường BĐS?

Người dân giàu lên một cách đột biến, hay thị trường đang bị làm giá? “Cầu” thật hay ảo? Đã có nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài thực sự đổ vào, hay chỉ là những thông tin gây nhiễu loạn? Liệu rằng có hiện tượng “bong bóng” trong sự gia tăng giá BĐS một cách vô tội vạ? Và hiện nay, giá BĐS đã lên đến đỉnh điểm chưa?Hàng loạt câu hỏi chưa có câu trả lời chính thức. Tình trạng bão giá, đang tiếp tục gây sự lo ngại trong giới quan sát thị trường này.

  • Cung không đủ cầu hay BĐS đang bị làm giá!?

 Chiều 16-2, tại huyện Bến Cát (Bình Dương), hàng ngàn người đã đổ xô tới tìm hiểu và đăng ký thông tin khách hàng, nhằm có một suất mua căn hộ cao cấp EcoLakes Mỹ Phước. Dự án này do Công ty SetiaBecamex (Liên doanh giữa tập đoàn bất động sản SP Setia Berhad - Malaysia với Công ty Becamex IDC của Việt Nam) thực hiện, có diện tích 226 ha, với tổng vốn đầu tư 620 triệu USD, sẽ chính thức bán vào tháng 3 năm nay.

Trong năm qua có thể thấy, sự kiện xếp hàng giẫm đạp mua căn hộ tại các dự án như Vista, Sky Garden, Hoàng Anh Gia Lai… ở TPHCM, đã một lần nữa khẳng định sự gia tăng cao về nhu cầu trong thị trường căn hộ và tiếp tục đẩy giá lên.

Trên thực tế, có thể nhìn thấy cung không đủ cầu. Song đó là “cầu nào”? Cầu của những người dân thật sự “đủ sức” mua để ở, hay cầu của các nhà kinh doanh BĐS đang làm giá? Rõ ràng có 2 luồng quan điểm đang tồn tại: Theo ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc Công ty CB Richard Ellis (CBRE) Việt Nam cho biết, thị trường BĐS tại Việt Nam những năm gần đây luôn ở tình trạng cung không đáp ứng nổi cầu.

Vì vậy, việc có những cơn sốt hay tăng giá quá nhanh là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán có nhiều biến động dẫn đến việc các nhà đầu tư chuyển nguồn vốn đầu tư của họ sang thị trường BĐS, một thị trường được xem là dễ sinh lợi và ít mạo hiểm. Song, cũng có luồng ý kiến cho rằng, đó là những cơn sốt giá ảo, do các nhà đầu tư và “cò” nhà làm giá?

Tuy nhiên, dù thế nào chăng nữa theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2008 thị trường BĐS sẽ tiếp tục tăng nóng. Và, có sự khác biệt nhu cầu so với những năm trước đây, người tiêu dùng đòi hỏi những dự án có chất lượng cao, bởi thời giá BĐS đang lùi quá xa tầm với của những người có thu nhập thấp.

Vì thế ngay sau Tết Nguyên đán, thông tin về những căn hộ cao cấp có giá từ 3.000 - 7.000 USD/m2 đang được đặc biệt chú ý. Người mua không còn quan tâm lắm đến gia,ù mà quan tâm đến chất lượng và các trang thiết bị hiện đại được trang bị, vì càng cao cấp càng dễ bán hay cho thuê.

Hiện nay, câu chuyện thời sự nhất khi gặp nhau là giá đất đang tăng vọt từng giờ. Nhiều người xuýt xoa, chỉ mới đầu năm bán miếng đất phải “năn nỉ gãy lưỡi”, mà mấy phần trăm còn lại để làm giấy tờ thì đến tận ngày cận Tết Nguyên đán vừa qua mới lấy được hết tiền. Chuyện đất cũng làm “nóng” các doanh nghiệp.

Ngay trong ngày khai trương đầu năm, giám đốc ngành dệt gặp nhau đã thở dài, đất tăng quá khó lòng yên tâm với việc kiếm tiền kiểu chắt bóp kim chỉ của ngành dệt may. Một lô đất khoảng 300m2 dưới chân cầu Kênh Tẻ, mấy tháng trước giá có 14 triệu đồng/m2, nay đang hét giá 50 - 60 triệu đồng/m2. Không tin nổi. Rõ ràng giá đất đang tăng theo giờ và những câu chuyện trên cứ làm cho thông tin thị trường thêm rối loạn.

  • Bằng chính sách đồng bộ, mới hy vọng cứu vãn thị trường

Việt Nam là một nước đang có nền kinh tế phát triển mạnh, Chính phủ Việt Nam cũng đưa ra nhiều chính sách, nhằm khuyến khích đầu tư từ nước ngoài, trong đó có lĩnh vực BĐS, như việc tăng thời gian giấy phép sử dụng đất cho các nhà đầu tư nước ngoài từ 50 năm lên 70 năm. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có trách nhiệm giải phóng mặt bằng trước khi giao đất cho chủ đầu tư nhằm đẩy nhanh tốc độ của quá trình đầu tư, việc minh bạch hóa đã thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam vào thị trường này.

Có thể nhận ra một điều, mặc dù kinh tế toàn cầu đang xuất hiện những dấu hiệu suy yếu, nhưng làn sóng đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mạnh mẽ đổ vào thị trường BĐS tại Việt Nam, thị trường này vẫn hút các nhà đầu tư và giữ mức tăng trưởng cao.

Bên cạnh đó, các dự án không chỉ tập trung tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM mà đã lan tỏa đến các thành phố đầy tiềm năng khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ… Sự phát triển của một số thị trường mới sẽ làm giảm nhẹ tình trạng thiếu cung trong tương lai.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư lo ngại khả năng đầu tư trong thời gian tới còn gặp rất nhiều khó khăn. Đó là quỹ đất trong khu vực trung tâm hạn chế, giá đất trên thị trường tăng cao, đến các vấn đề về cơ sở vật chất hạ tầng như giao thông, tiếp cận dự án, đền bù giải tỏa… Ngoài ra, các thủ tục giấy tờ nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài và vấn đề về vốn của nhà đầu tư trong nước cũng là thách thức để phát triển các dự án.

Những thách thức này đặt ra đối với tất cả những thành phần tham gia trên thị trường BĐS tại Việt Nam. Việc này đòi hỏi Chính phủ phải có những chính sách quy hoạch cụ thể, đồng bộ, để mang lại cơ hội một cách đồng đều cho tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo ra những tác động tích cực cho thị trường trong thời gian tới đây

PHƯỚC NGỌC

Tin cùng chuyên mục