Thị trường chứng khoán - Chờ dòng vốn đầu tư mới

Với nỗ lực nhằm hỗ trợ sức cầu và tính thanh khoản của thị trường chứng khoán, các cơ quan chức năng cho biết sẽ có những giải pháp tích cực như: rút ngắn thời gian thanh toán còn T+2 và cho các loại quỹ hoạt động… Đặc biệt, khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 183 hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở đã thu hút được sự quan tâm của nhiều thành viên trên thị trường, trong đó, nhiều người kỳ vọng sẽ có làn sóng đầu tư mới cho thị trường.
Thị trường chứng khoán - Chờ dòng vốn đầu tư mới

Với nỗ lực nhằm hỗ trợ sức cầu và tính thanh khoản của thị trường chứng khoán, các cơ quan chức năng cho biết sẽ có những giải pháp tích cực như: rút ngắn thời gian thanh toán còn T+2 và cho các loại quỹ hoạt động… Đặc biệt, khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 183 hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở đã thu hút được sự quan tâm của nhiều thành viên trên thị trường, trong đó, nhiều người kỳ vọng sẽ có làn sóng đầu tư mới cho thị trường.

  • Hấp dẫn cổ phiếu BIDV?

Trong tình hình thị trường chứng khoán ảm đạm hiện nay, bất cứ sự kiện tích cực nào cũng được các nhà đầu tư mong chờ như một cú hích vào thị trường này. Một trong sự kiện đó là đợt đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của ngân hàng (NH) BIDV- một cuộc IPO “khủng” của năm 2011.

Vài ngày nữa, BIDV sẽ đấu giá cổ phần lần đầu với 84,75 triệu cổ phiếu, giá khởi điểm là 18.500 đồng/cổ phiếu. Lượng tiền tối thiểu BIDV thu hút từ thị trường sẽ là 1.567 tỷ đồng, cao gần gấp ba lần tổng giá trị giao dịch trên sàn chứng khoán hiện nay. Liệu cuộc IPO “khủng” nhất năm nay có tạo nên “làn sóng” cho thị trường chứng khoán và mức giá trên có thực sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư?

Các nhà đầu tư chờ đợi sự khởi sắc của thị trường chứng khoán. Ảnh: KIM NGÂN

Các nhà đầu tư chờ đợi sự khởi sắc của thị trường chứng khoán. Ảnh: KIM NGÂN

Để phân tích tiềm năng của BIDV, các nhà đầu tư sẽ so sánh các yếu tố cơ bản của NH này với 2 NH cùng cấp đó là VietinBank (CTG) và Vietcombank (VCB). Về tài sản, theo số liệu từ báo cáo tài chính quý III/2011, BIDV có tổng tài sản khoảng 380.000 tỷ đồng, VietinBank khoảng 415.000 tỷ đồng, Vietcombank gần 334.000 tỷ đồng. Như vậy, BIDV là NH có tổng tài sản trung bình trong 3 NH. Thêm một yếu tố nữa để các nhà đầu tư so sánh đó là lợi nhuận.

Trong 9 tháng đầu năm 2011, tổng lợi nhuận của BIDV chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng, trong khi Vietcombank đạt gần 3.500 tỷ đồng và VietinBank gần 4.500 tỷ đồng. Như vậy, BIDV đạt thấp nhất trong 3 NH. Hơn nữa, với mức lợi nhuận này, tỷ lệ thu nhập trên tổng tài sản (ROA) 9 tháng đầu năm 2011 của BIDV cũng thấp nhất trong 3 ngân hàng, đạt 0,64%, trong khi Vietcombank là 1,04%, VietinBank 1,08%.

Ngoài ra, so sánh thị giá của các NH trên cho thấy, kết thúc phiên giao dịch 23-12, giá cổ phiếu VCB đóng cửa ở mức 20.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu CTG đóng cửa ở mức 16.400 đồng/cổ phiếu, trong khi giá khởi điểm của BIDV 18.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, các nhà đầu tư sẽ băn khoăn có nên tham gia đấu giá cổ phần BIDV hay mua cổ phiếu của CTG hoặc VCB?.

Theo TS Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Tài chính Trường Đại học Kinh tế TPHCM, một số yếu tố khiến nhà đầu tư cá nhân không mấy hứng thú với đợt IPO sắp tới của BIDV do các cổ phiếu NH niêm yết trên cả 2 sàn có thị giá tương đương giá khởi điểm mà BIDV đưa ra. Vì thế sau IPO, giá cổ phiếu BIDV khó vượt lên khỏi mặt bằng giá cổ phiếu NH hiện nay. Có nghĩa khả năng đạt lợi nhuận cao ở cổ phiếu này rất khó. Năm 2011 là một năm không mấy thành công với IPO. Cổ phiếu của VCB và CTG không thể “ngóc đầu” lên nổi. Theo đó, các nhà đầu tư cũng có thể tự rút ra bài học từ IPO của các NH trước mà quyết định có mua cổ phần BIDV hay không.

  • Kỳ vọng quỹ mở

Quỹ mở là một xu hướng chung trên các thị trường chứng khoán thế giới. Ưu việt của quỹ mở là huy động vốn nhanh, thủ tục pháp lý đơn giản, nhà đầu tư dễ dàng rút vốn khi cần. Quỹ mở khác quỹ đóng là sau khi huy động vốn thành công, chứng chỉ quỹ của quỹ mở sẽ không niêm yết, các giao dịch mua bán chứng chỉ quỹ được thực hiện trực tiếp giữa nhà đầu tư với công ty quản lý quỹ căn cứ vào giá trị tài sản ròng (NAV) tại thời điểm thỏa thuận. Việc này mang lại lợi thế lớn hơn nhiều so với các quỹ đóng hiện tại có mức chiết khấu giá khá lớn, lên đến 50%.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc Thông tư 183 ra đời cho phép thành lập quỹ mở, thể hiện một bước lớn trong việc hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến thị trường chứng khoán với hướng mở, tiếp cận chuẩn quốc tế. Hy vọng sau khi quỹ mở được hoạt động, thị trường sẽ thu hút được một dòng vốn mới, như một món hàng hấp dẫn. Tuy nhiên không ít các nhà đầu tư không tin tưởng năng lực của công ty quản lý quỹ. Lý do, vì quỹ mở luôn chịu sức ép rất nhiều từ các cổ đông đối với kết quả kinh doanh của quỹ, bất cứ lúc nào quỹ cũng có thể bị thoái vốn. Do đó, đòi hỏi năng lực quản lý quỹ phải cao hơn.

Việc cung cấp thêm sản phẩm cho thị trường cũng chưa thể giữ được dòng vốn thoái theo kế hoạch của các quỹ đóng. Hơn nữa, với sự linh hoạt của quỹ mở, dòng vốn có thể rút nhanh khỏi thị trường khi có những biến động bất lợi, điều này có thể tác động xấu đến thị trường.

Theo TS Lê Đạt Chí, sự nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán tạo ra hành lang pháp lý cho mô hình quỹ mở phát triển chỉ góp phần đa dạng hóa sự lựa chọn cho các nhà đầu tư chứ chưa thể tác động làm cho thị trường đảo chiều. Điều quan trọng mà các nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay vẫn là chất lượng cổ phiếu và sự khởi sắc của các tín hiệu kinh tế vĩ mô, cũng như những quyết tâm điều chỉnh chính sách của Chính phủ đi vào hiện thực. 

N.NGUYỄN – N.HỒNG

Tin cùng chuyên mục