Thiên Long góp phần vào sự nghiệp giáo dục

Bên lề buổi họp báo chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” diễn ra vào ngày 28/4/2016 tại Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long về những kỳ vọng của ông đối với trí thức trẻ và tinh thần “vượt khó” của Thiên Long khi theo đuổi con đường “vì sự phát triển của giáo dục”.
Thiên Long góp phần vào sự nghiệp giáo dục

Bên lề buổi họp báo chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” diễn ra vào ngày 28/4/2016 tại Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long về những kỳ vọng của ông đối với trí thức trẻ và tinh thần “vượt khó” của Thiên Long khi theo đuổi con đường “vì sự phát triển của giáo dục”.

° Chào ông, xin ông cho biết tại sao chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” chỉ giới hạn cho những người “trẻ”, tức là những người từ 35 tuổi trở xuống mà không mở rộng ra các đối tượng trí thức nói chung?

Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa -

Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long.

- Khi nói về tuổi trẻ, ở góc độ tích cực, chúng ta thường nghĩ đến sự sung sức, tính sáng tạo, đột phá, muốn thay đổi, chấp nhận thách thức,… và đây là những nét đặc trưng của tuổi trẻ. Chúng tôi tin rằng một trí thức trẻ (ở độ tuổi 35 trở xuống) sẽ hội đủ những tố chất cần thiết về sức khỏe lẫn trí tuệ để tạo ra những đóng góp có giá trị đối với nền giáo dục của chúng ta hiện nay, vốn đang khát khao những thay đổi thiết thực và mới mẻ.

Với chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục”, chúng tôi muốn trao cho tuổi trẻ một cơ hội để thỏa chí thể hiện tài năng, sự cống hiến. Tri thức không có tuổi, tuy nhiên, chúng tôi muốn tập trung nhắm đến những trí thức trẻ. Tại sao chúng ta không đặt niềm tin và kỳ vọng vào thế hệ trẻ của đất nước Việt Nam, đặc biệt trong lúc này?

°  Nhiều ý kiến cho rằng những chương trình như thế này chỉ mang tính phong trào, tìm kiếm được những ý tưởng tốt cũng chưa chắc sẽ thực hiện được vì trở ngại kinh phí chẳng hạn. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

- Quả thật hiện đang có một số chương trình, cuộc thi… mang tính phong trào và nhanh chóng đi vào quên lãng. Tuy nhiên, đối với chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục”, chúng tôi rất tự tin thực hiện trên cơ sở lâu dài vì nhiều lý do. Hiện nay, có rất nhiều tấm gương trí thức trẻ luôn tìm tòi và sáng tạo vì hoạt động giáo dục, và cuộc thi này là điều cần thiết để tuyên dương những cá nhân đó. Kế đến, chương trình này là động lực, là chất xúc tác để trí thức trẻ mạnh dạn nghiên cứu và sáng tạo ra những giá trị mới mẻ, mang tính thực tiễn cho hoạt động giáo dục. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể xem chương trình này như “một sàn giao dịch ý tưởng” để các trí thức trẻ nghiên cứu, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành các công trình hay tác phẩm mới.

Với chương trình được thực hiện trong 5 năm liền, chúng tôi khẳng định rằng đây không phải là chương trình mang tính phong trào.

Về việc thực hiện các ý tưởng, đặc biệt đối với những công trình, sáng kiến có giá trị xã hội lẫn giá trị kinh tế, tôi tin rằng một khi chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” có sự ủng hộ từ cộng đồng, xã hội cũng như sự tham gia của nhiều nguồn lực hỗ trợ khác nhau, chắc chắn kinh phí không phải là chuyện lớn.

° Tri thức là vô tận, nâng cao tri thức và giáo dục cũng là một vấn đề “khó” của đất nước, có khi nào ông cảm thấy “khó” cho một doanh nghiệp đã mang tâm nguyện cống hiến vì sự phát triển nền giáo dục Việt Nam?

- Đôi lần chúng tôi thấy “khó”. Cái khó đầu tiên dễ nhận thấy nhất là bài toán về ngân sách. Mỗi khi đứng trước lựa chọn giữa cân đối ngân sách và lợi ích xã hội, tôi luôn muốn nghiêng về lựa chọn thứ hai nhưng trên thực tế, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, và đôi lần “lực bất tòng tâm”.

Cái khó thứ hai, chính xác hơn là “lo”. Chúng tôi trăn trở không biết những nỗ lực bấy lâu nay của Thiên Long đã đáp ứng được sự mong đợi của cộng đồng và xã hội chưa. Sự ủng hộ từ xã hội chính là động lực lớn lao giúp chúng tôi vượt qua những cái “khó”, cái “lo” để tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

MINH TUYẾT

Ngày 28/4/2016, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và Báo Tuổi Trẻ tổ chức họp báo giới thiệu chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục”. Chương trình nhằm cổ vũ, khuyến khích thanh niên, đặc biệt là các trí thức trẻ đóng góp cho sự nghiệp giáo dục thông qua các công trình, sáng kiến góp phần đổi mới phương pháp giáo dục và đào tạo.

Chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” được các bên tham gia cam kết triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 nhằm tổ chức các hoạt động tạo môi trường để thanh niên, trí thức trẻ thực hiện, đề xuất các công trình, sáng kiến hỗ trợ việc giảng dạy, học tập. Hàng năm, chương trình tuyên dương “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” được triển khai từ tháng 4 cho đến tháng 11. Thời gian dự kiến trao giải vào dịp 20/11 hàng năm.

Thiên Long góp phần vào sự nghiệp giáo dục ảnh 3

4 đơn vị  tổ chức chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục”

Chương trình dành cho đối tượng thanh niên, đặc biệt là trí thức trẻ là công dân Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam dưới 35 tuổi. Các bạn tham gia chương trình bằng cách gửi về Ban Tổ chức các công trình, sáng kiến mới thuộc lĩnh vực giáo dục như phương pháp dạy học, các sáng chế dụng cụ học tập hoặc công trình nghiên cứu giáo dục. Năm 2016, cuộc thi được phát động rộng rãi trên toàn quốc và bắt đầu nhận hồ sơ tham dự từ ngày 28/4 đến hết ngày 30/9/2016.

Dựa trên tiêu chí về tính khả thi và tính mới mẻ để chấm giải, trong khoảng 12 - 15 công trình lọt vào vòng chung kết sẽ có tối đa 5 công trình tiêu biểu được trao giải 100 triệu đồng/công trình. Các công trình còn lại sẽ được trao giải thưởng 10 triệu đồng/công trình.

Địa chỉ nhận hồ sơ:

Ban Thanh niên Trường học, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, số 64 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. SĐT: 04.6263.1852; đồng thời gửi bản mềm (file .pdf, .docx, .doc, .pptx, .ppt hoặc các file thiết kế sản phẩm) tới địa chỉ email: trithuctrevigiaoduc@gmail.com.

Hoặc Ban Thanh niên, Báo Tuổi Trẻ, số 60A, Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. SĐT: 08.3997.3838.

Để biết thêm thông tin về chương trình, vui lòng truy cập vào: www.trithuctrevigiaoduc.com.

Tin cùng chuyên mục