Thiết chế văn hóa tại TPHCM: Đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm

Theo Quyết định 2164/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 thì hệ thống thiết chế văn hóa cấp TP và quận huyện trên địa bàn TPHCM đã vượt chỉ tiêu.
Đó là báo cáo của Sở VH-TT TPHCM tại buổi làm việc với đoàn đại biểu HĐND TPHCM và các sở ban ngành TP do bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM làm trưởng đoàn, ngày 19-9. Tuy nhiên, thực tế ngành văn hóa TP đang đối mặt khá nhiều khó khăn khi đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm. 
Thiết chế văn hóa tại TPHCM: Đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm ảnh 1 Nhà hát Nghệ thuật cải lương Trần Hữu Trang được xây mới nhưng không đáp ứng chuyên môn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Hàng loạt dự án kéo dài
Văn phòng làm việc của Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP được bố trí tại tầng hầm Nhà hát TP, trong đó khu vực luyện tập của 2 đoàn giao hưởng, nhạc kịch và kho chứa nhạc cụ của đơn vị đặt tại rạp Thanh Vân có diện tích nhỏ hẹp, ẩm thấp. Đây còn là kho phục trang cho cả 3 đoàn nhạc kịch, vũ kịch và giao hưởng, môi trường và điều kiện làm việc không đảm bảo. Trong khi đó, đoàn vũ kịch đang phải thuê sàn tập tại 81 Trần Quốc Thảo nhưng hết tháng 9-2017, đơn vị này phải trả mặt bằng lại, hiện đang cần được hỗ trợ địa điểm mới để luyện tập.
Từ nhiều năm qua, dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP đã được lãnh đạo TP chủ trương đầu tư xây dựng mới, thế nhưng sau khi thay đổi địa điểm từ Công viên 23/9 sang quận 2, mãi đến giờ tiến độ thực hiện vẫn còn phải chờ. 
Đối với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, dù tình hình cải lương TP đối mặt với quá nhiều khó khăn nhưng nhà hát vẫn duy trì diễn 2 suất/tuần tại rạp Thủ Đô. Sân khấu nơi đây vốn đã xuống cấp, lại không có chỗ giữ xe nên khán giả thưa thớt, các suất diễn trong tình trạng bù lỗ, doanh thu bán vé không đủ chi phí tổ chức.
Tình hình những tưởng khả quan hơn từ khi TP đầu tư xây mới Nhà hát Nghệ thuật Cải lương Trần Hữu Trang (tại rạp Hưng Đạo cũ), nhưng thực tế thì không phải vậy. Với nhiều hạng mục thiết kế không phù hợp quy chuẩn của sân khấu cải lương, tập thể cán bộ nhân viên nhà hát chưa kịp vui đã xảy ra nhiều bức xúc.
Theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và UBND TPHCM, hiện Nhà hát Nghệ thuật Cải lương Trần Hữu Trang đang tiếp nhận, khai thác và vận hành nhà hát tạm thời trong thời gian chờ xây dựng nhà hát tại địa điểm mới. 
Về dự án xây dựng rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ tại quận 11, gần đây nhất tháng 7-2017, HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết, quyết định đầu tư dự án này, sử dụng nguồn ngân sách TP với tổng mức đầu tư 1.491 tỷ đồng. Theo tiến độ dự kiến, trong năm 2017, sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi trình phê duyệt.
Tương tự, dự án Bảo tàng Tổng hợp TP tại khu Công viên lịch sử văn hóa dân tộc tại quận 9 hiện đang trong giai đoạn trình Thành ủy TPHCM thông qua đề án… Ngoài ra, các dự án: Xây dựng mới Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM, dự án Trung tâm Văn hóa TPHCM, các dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp bảo tàng cũng đang được thực hiện dù là khá chậm. 
Thách thức về nhân lực 
Câu chuyện bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống luôn được TP quan tâm và các bộ môn này vẫn đang tự thân nỗ lực không ngừng trong hoàn cảnh muôn vàn thiếu thốn. Với nhà hát nghệ thuật hát bội, bức tranh có vẻ còn ảm đạm hơn khi nguồn kịch bản sân khấu hát bội hiện quá khan hiếm. Việc tìm nguồn nhân lực để đào tạo diễn viên, nhạc công cũng quá khó dù nhà hát đã tổ chức đào tạo miễn phí và dành nhiều sự ưu đãi cho học viên. 
Nhà hát kịch TP, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam (hợp nhất giữa đoàn Xiếc và đoàn Nghệ thuật múa rối TP) lâu nay cũng rơi vào tình trạng cơ sở vật chất lạc hậu, trang thiết bị cũ kỹ. Chế độ chính sách chưa tương xứng để thật sự tạo động lực cho nghệ sĩ cống hiến, dẫn đến thiếu hụt nguồn diễn viên và đội ngũ kế thừa. 
Theo báo cáo của Sở VH-TT TPHCM, thiết chế văn hóa cấp TP hiện có 1 trung tâm văn hóa - thể thao và 7 nhà văn hóa do các tổ chức xã hội - chính trị quản lý. Ở cấp quận huyện, 24 quận huyện có trung tâm văn hóa hay trung tâm văn hóa - thể thao, 24 quận huyện có nhà thiếu nhi, 15/24 quận huyện có nhà văn hóa lao động. Ở cấp phường, xã, thị trấn, có 62/262 phường xã có nhà văn hóa, 20/56 phường xã có trung tâm văn hóa - thể thao. Ở cấp khu phố, ấp, TP có 615/1.576 khu phố có tụ điểm sinh hoạt, 351/404 văn phòng ấp kết hợp tụ điểm sinh hoạt văn hóa. 
Ngoài ra, TPHCM có 11 khu công nghiệp - khu chế xuất và 1 khu công nghệ cao. Trong đó, có 5 khu công nghiệp - khu chế xuất đã xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao phục vụ người lao động.
Hệ thống thiết chế văn hóa là trung tâm văn hóa các quận huyện, nhà văn hóa thể thao phường xã cũng là câu chuyện tâm tư của các nhà quản lý văn hóa TP. Kinh phí hoạt động thường xuyên của các nhà văn hóa thể thao phường xã hiện lệ thuộc vào sự quan tâm của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, mỗi nơi điều tiết mỗi khác, kinh phí không ổn định khiến hoạt động văn hóa cơ sở khó phát huy. Đó là chưa kể, nguồn nhân lực cho hoạt động của hệ thống văn hóa cơ sở cũng đang là bài toán nan giải. 
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, cho biết, sở đã kiến nghị UBND TPHCM ban hành quy chế tổ chức và hoạt động các nhà văn hóa phường, xã, thị trấn để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện định biên cán bộ quản lý, tài chính, hạn mức kinh phí, mặt bằng, trang thiết bị và phương thức quản lý hoạt động nhà văn hóa phường, xã, thị trấn.

Tin cùng chuyên mục