Thiệt tình, chơn chất

- Giờ về quê, nhiều khi tối trời không biết mần gì. Nhậu nhẹt thì mệt, mà không lẽ đập chân đi ngủ sớm. Nghe ếch nhái à uôm, chợt chỉ thèm nghe đờn ca tài tử. Cứ tích tịch tình tang vậy chớ ấp ủ bao nhiêu chuyện đời, thấm từ trong thấm ra.
- Tại không biết chỗ, chớ biết thì vẫn kiếm được “tụ” thôi. Nước chảy về chỗ trũng, đờn ca tài tử vẫn nhẫn nại chảy trong những nơi mà người ta còn quý trọng, yêu thương vốn cũ. Để bữa nào thèm, tui dắt đi.
- Nghe mãi rằng thế hệ trẻ quay lưng, bảo bối thất truyền, bài bản xưa không ai chơi, cũng buồn buồn trong dạ.
- Có chuyện đó thiệt, mà cũng không hẳn chỉ như thế. Bởi vẫn có những nghệ nhân nuôi được tiếng đờn, giọng ca vang vọng, nuột nà. Họ truyền lòng mến mộ cho con cháu, cho hàng xóm láng giềng bằng sự say mê. Khảy một tiếng đờn mà ấp ủ đam mê đắm đuối, tự dưng nghe thấy lồng ngực rùng rùng. Gieo hạt yêu thương trong thôn xóm, trong ruộng đồng, sức mấy mà mai một.
- Nghe vậy cũng mừng. Nhưng bộ những hội thi đờn ca tài tử không có ích lợi gì mấy?
- Lợi thì cũng có, nhưng chẳng bao nhiêu. Vì hội thi phần nhiều rình rang về hình thức, thực chất cũng lèng èng. Nghệ nhân đâu cần giải thưởng huy chương đeo cổ, mà cần sự tán thưởng nhiệt thành của bà con. Nuôi dưỡng đờn ca thì phải nuôi trong cuộc đời thiệt tình, chơn chất. 

Tin cùng chuyên mục