Vui - buồn văn hóa cơ sở

Thiếu giải trí, yếu thiết chế

Tụi nhỏ ở quê được mấy đứa ra nhà văn hóa, mà mấy chỗ đó chán chết; còn đám già thì mong mỏi con mắt chờ đoàn hát xuống diễn, hổng có đoàn hát thì đi ngủ, vậy thôi
Khoảng sân trống trước nhà là sân chơi đá banh của các em ấp 3 xã Hưng Long, huyện Bình Chánh
Khoảng sân trống trước nhà là sân chơi đá banh của các em ấp 3 xã Hưng Long, huyện Bình Chánh
Đem câu hỏi người dân giải trí cái gì, hỏi nhiều người đang sống ở khu vực vùng ven ngoại thành, bà con lắc đầu cười xòa. “Cái gì cũng có chút chút, mà không có cái gì làm bà con sảng khoái lâu dài hết. Tụi nhỏ ở quê được mấy đứa ra nhà văn hóa, mà mấy chỗ đó chán chết; còn đám già thì mong mỏi con mắt chờ đoàn hát xuống diễn, hổng có đoàn hát thì đi ngủ, vậy thôi”, ông Hai Đạm (ngụ đường Nhị Bình 18, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn), nói chuyện thiệt tâm.

Dân nông thôn “khát” giải trí

“Dân nông thôn mà giải trí gì con, 8 giờ tối lên giường đánh một giấc thẳng cẳng là tới sáng, chỉ mong sao đủ sức sáng ra tiếp tục ra ruộng, làm vườn”, dì Tư Thành (ngụ đường Nhị Bình 18, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn) tâm sự. Trầm ngâm một lúc, dì Tư Thành lại ước ao về những khu vui chơi cho đám con nít trong xóm: “Người lớn thì sao cũng được, nhưng còn tụi nhỏ thì phải khác. Lúc trước trụ sở văn hóa ấp 2 có mấy thiết bị vui chơi cho tụi nhỏ mà giờ xuống cấp hết rồi. Đám con nít trong xóm muốn đi tàu lượn, thú nhún, bập bênh là phải ra mấy điểm vui chơi do tư nhân mở. Ở đó thu phí cũng cao nên thi thoảng lễ tết sắp nhỏ mới được chơi”. 

Chúng tôi quan sát ở phía trước trụ sở văn hóa của ấp có khu vui chơi trẻ em nhưng đã hư hỏng, được rào chắn cẩn thận để phòng trường hợp trẻ em vào chơi. Trong sân có vài thiết bị tập thể dục cũ cho người lớn tập dưỡng sinh. Bà Võ Thị Hương, Tổ trưởng tổ 9, ấp 3, cho biết: “Xã Nhị Bình đã lên nông thôn mới nhưng cách sống của người dân vẫn chân chất như xưa. Dậy sớm để ra đồng nên họ ngủ sớm là lẽ thường, cũng bởi vậy mà chẳng ai màng đến giải trí hay đòi hỏi phải có sân chơi. Nói vậy nhưng không phải họ không thích giải trí đâu nha. Từ khi Trường THCS Đặng Công Bỉnh được xây mới, có khoảng không rộng rãi nên lâu lâu diễn viên Nhà hát Trần Hữu Trang xuống diễn cải lương, hay dịp lễ, tết, trung thu, tết thiếu nhi, trung tâm văn hóa huyện cũng xuống biểu diễn văn nghệ, xiếc… Bà con mừng lắm, ai cũng tranh thủ nghỉ sớm về lo cơm nước rồi rủ nhau đi xem, y như ngày hội”. “Chiều chiều phụ ba mẹ làm nhang xong, tụi em hay rủ nhau đá banh trước sân cho vui”, Nguyễn Bảo Quốc (15 tuổi, ngụ ấp 3, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh) chia sẻ. Khu công viên vui chơi cách nhà không xa, với các thiết bị tập thể dục công cộng được bố trí sẵn nhưng có vẻ không thu hút được các em. Quốc nêu lý do: “Em thấy người lớn ra tập thể dục, chứ tụi em ít ra lắm. Chơi đá banh ở nhà vui hơn”…

Một tuần 2 buổi, cứ khoảng 5, 6 giờ chiều là nhóm thanh niên trong xóm rủ nhau đá banh như một cách vừa tập thể dục vừa giải trí cuối ngày. Mỗi buổi tham gia đá banh, mỗi người bỏ 20.000 đồng góp vào quỹ chung để trả tiền sân và mua nước uống, đội nào thắng thì không phải trả tiền sân. “Tới mấy dịp lễ lớn cả đám cũng tự tổ chức giải đấu với nhau, mời thêm mấy ông bác trong xóm, tuy lớn tuổi nhưng cũng mê đá banh lắm. Vậy là làm luôn một giải thanh niên đá với lão tướng, chủ yếu vui là chính”, anh Nguyễn Hồ Thanh Nhân (ngụ ấp 4, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) chia sẻ. Rồi mấy công ty, doanh nghiệp trong xã thỉnh thoảng cũng tổ chức giải đấu để nhân viên, công nhân trong công ty giao lưu, họ mời thêm đội bóng của xã để giải đấu có thêm màu sắc. Thường những giải này do các công ty tài trợ hoàn toàn. “Tụi này tự tổ chức hoặc đi đá tranh giải vui vui, chứ giờ kêu ra nhà văn hóa, trung tâm văn hóa thì xa, mà cũng không có nhiều hoạt động phù hợp”, anh Thanh Nhân cho biết. 

Mỏi mòn chờ hoàn thiện các thiết chế

Anh Hoàng Anh (ngụ đường Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12) cho biết, vào cuối tuần, anh và con trai thường đến tham gia các hoạt động tại Trung tâm Văn hóa quận 12, do gần nhà và các lớp học ở đây phù hợp với sở thích của con. Anh chia sẻ: “Tôi cho thằng nhỏ đi học võ ở trung tâm, chờ hết giờ thì rước về. Còn hơn là để nó lao vô game online, hay lông bông ở nhà. Còn gần nhà cũng có mấy khu vui chơi tư nhân, nhưng con mình học cấp 2, đâu còn thích thú nhún, tàu lượn gì nữa. Nên việc cho đi học kỹ năng với trẻ vùng ven, đâm ra lại hay”. 

Hiện tại mỗi năm Trung tâm Văn hóa quận 12, một đơn vị được cho là điểm sáng trong hệ thống thiết chế văn hóa tại cơ sở ở TPHCM, tổ chức gần 500 chương trình biểu diễn phục vụ người dân. Các phòng tập thể dục nhịp điệu, tập thể hình, dạy ngoại ngữ, dạy chơi nhạc cụ, dạy võ… đều duy trì hoạt động. Tuy nhiên, với Nhà văn hóa thể thao Tân Thới Hiệp và Nhà văn hóa Thạnh Lộc, do nguồn kinh phí còn hạn chế nên việc mua sắm, sửa chữa trang thiết bị hầu như không có, phần lớn sử dụng lại các trang thiết bị cũ như loa, âm ly, micro…

Kinh phí cho trung tâm văn hóa thể thao phường, xã ở TPHCM hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào sự quan tâm của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương; sự điều tiết mỗi nơi mỗi cách. Ngoài ra, chưa có quy định về định mức chi cho phúc lợi văn hóa theo đầu người dân trên địa bàn hoặc kế hoạch hoạt động năm, tài chính do cơ quan quản lý tài chính thông qua. Do điều kiện cụ thể của từng địa phương, sự đầu tư cho hoạt động nhà văn hóa đang trở thành thứ yếu.  

Khảo sát qua một số nhà văn hóa thể thao phường xã, cho thấy cơ sở vật chất ở nhiều nơi như nói trên đã xuống cấp và một số công trình không còn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Như chuyện hệ thống thư viện cơ sở. Người dân không thể tới chỉ để xem những ấn phẩm xuất bản từ những năm 1980 của thế kỷ trước mà không có những tác phẩm mang hơi thở đương đại. Trong khi đó, câu chuyện thư viện điện tử ở cơ sở vẫn là dấu chấm hỏi với những người làm công tác văn hóa của thành phố này. Trong khi đó, thay vì phải tự tổ chức các hoạt động, thiết chế văn hóa tại quận huyện vùng ven phục vụ bà con thì ở nhiều nơi, câu chuyện này đã được “đẩy cây” qua các cơ sở tư nhân, với mức thu vui chơi không thể kiểm soát và không theo bất cứ quy định nào. 

Bà con khu vực vùng ven ngoại thành ở TPHCM, thời gian dành cho thưởng thức văn hóa đã ít, lại phải gồng gánh chi phí tham gia thụ hưởng hoạt động giải trí từ các cơ sở tư nhân; phải chăng, ngành văn hóa thành phố đang đẩy cái khó cho người dân?

Cần thiết phải đổi mới mô hình hoạt động của các trung tâm văn hóa theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công, các đơn vị sự nghiệp có khả năng khai thác nguồn thu và từng bước chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tài chính. Ngay tại quận 12, thời gian qua, trung tâm văn hóa đã chủ động tìm và mời gọi đối tác đầu tư, hiện đã mời gọi xây dựng cụm rạp chiếu phim trên khuôn viên trung tâm văn hóa với diện tích gần 1.500m². Với dự án này, người dân quận 12, hay xa hơn như người dân huyện Hóc Môn, có thể tìm đến đây như một địa chỉ văn hóa chơi được, vui được…

Tin cùng chuyên mục