“Thiếu gió” phát triển phong điện

Nếu khai thác hiệu quả, năng lượng điện gió (phong điện) có thể cung cấp gấp 6 lần tổng công suất của toàn ngành điện vào năm 2020. Tuy nhiên, với việc đầu tư nhỏ giọt, ì ạch vào điện gió như hiện nay, còn lâu mới đạt mục tiêu theo quy hoạch đã phê duyệt.

 

Điện gió tại Bình Thuận. Ảnh: THÀNH TRÍ
Điện gió tại Bình Thuận. Ảnh: THÀNH TRÍ
Chưa tương xứng tiềm năng

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là quốc gia có tiềm năng năng lượng gió lớn nhất trong khu vực, vượt qua Lào, Campuchia và Thái Lan. Trữ lượng gió của Việt Nam ước tính đạt 513.360MW, gấp 6 lần tổng công suất ước tính của toàn ngành điện vào năm 2020. Nghiên cứu của WB cũng cho thấy, 8,6% diện tích đất liền của Việt Nam rất giàu tiềm năng, thuận lợi cho việc lắp đặt các tuabin gió lớn. Con số tương ứng của Campuchia là 0,2%, Lào 2,9% và Thái Lan 0,2%. Do đó, gió sẽ là nguồn năng lượng giúp Việt Nam đảm bảo tốt vấn đề an ninh năng lượng thông qua việc giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch phải nhập khẩu và những biến động trên thị trường than đá, khí đốt. Ngoài ra, phong điện cũng có thể giúp loại bỏ một số thách thức mà thủy điện gặp phải liên quan đến hiện tượng thay đổi khí hậu theo mùa hay các vấn đề về ô nhiễm của các nhà máy nhiệt điện. Đáng chú ý, với địa hình tại Việt Nam, có thể tận dụng các đồi trọc để xây nhiều tuabin gió, không gây ảnh hưởng đến đất canh tác. Đồng thời, ảnh hưởng của thiên nhiên nơi đặt các tuabin gió không đáng kể nếu so sánh với nhà máy thủy điện, nhiệt điện, điện hạt nhân…

Mặc dù tiềm năng khá lớn nhưng đến nay, sau thời gian dài kêu gọi, thu hút đầu tư vào điện gió vẫn còn rất khiêm tốn. Thống kê của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho thấy, các dự án điện gió đang vận hành ước tính có khoảng 1.300 máy phát điện gió cỡ gia đình (công suất từ 150 - 200W) đã được lắp đặt sử dụng, chủ yếu ở vùng ven biển từ miền Trung trở vào Nam. Đồng thời, đưa vào vận hành các nhà máy quy mô tương đối lớn với tổng công suất khoảng 160MW như Nhà máy Phong điện 1 Bình Thuận (30MW), Bạc Liêu (99,2MW), Phú Lạc (24MW), Phú Quý (6MW). Bình Thuận được xem là địa phương tiên phong trong việc thu hút đầu tư phát triển nguồn điện gió với tổng công suất lên đến 2.500MW, chiếm hơn 40% tổng công suất điện gió của cả nước vào năm 2010. Tuy nhiên, đến nay địa phương này mới chỉ có 3/19 dự án điện gió đi vào hoạt động. Có 2 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa thi công, các dự án còn lại mới dừng lại ở việc đo gió và khảo sát lập hồ sơ dự án đầu tư. Trong số 14 dự án điện gió đang tiến hành khảo sát, nghiên cứu, trình hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận đang đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu thu hồi chủ trương xây dựng 6 dự án vì đến nay chủ đầu tư không nộp hồ sơ theo quy định. Những dự án chậm triển khai còn lại do vướng mắc liên quan đến chồng lấn với quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan do Chính phủ ban hành. Đại diện các chủ đầu tư xây dựng dự án điện gió cho biết, giá thành thấp và cơ chế thu hút đầu tư không tương xứng khiến họ còn lưỡng lự, chưa mặn mà đầu tư ngay. 

Cần chính sách hỗ trợ đồng bộ

Trong Quy hoạch điện Quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18-3-2016, mục tiêu phát triển điện gió của Việt Nam được đặt ra là tổng công suất nguồn điện gió đạt 800MW vào năm 2020, đạt 2.000MW năm 2025 và khoảng 6.000MW vào năm 2030. Nhiều chuyên gia cho biết, đây vẫn là mức thấp so với tiềm năng về điện gió khổng lồ tại nước ta. Chưa kể, với tốc độ đầu tư nhỏ giọt, manh mún như hiện nay, mục tiêu đến năm 2020, sản lượng điện gió đạt 800MW rất khó khả thi. 

“Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án điện gió, trước mắt Bộ Công thương cần kiến nghị Chính phủ xem xét tăng giá mua điện gió từ mức 7,8 cent/kWh lên 12 cent/kWh vào năm 2020, nhằm thu hút các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng cho vay. Ngoài ra, cần có chính sách để các nhà đầu tư được tiếp cận và vay vốn từ các nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp để phát triển điện gió. Đối với các dự án điện gió nằm trong vùng dự trữ khoáng sản titan trong tầng cát đỏ, kiến nghị Chính phủ có chủ trương ưu tiên cho các dự án điện được thực hiện trước”, đại diện một nhà đầu tư dự án điện gió tại tỉnh Bình Thuận đề nghị. PGS-TS Bùi Huy Phùng, Viện Khoa học Năng lượng, cho rằng giá điện từ gió trong thời gian 5 -10 năm tới chắc sẽ vẫn còn cao hơn các nguồn truyền thống; do vậy, cần có chính sách hỗ trợ để phát triển nguồn năng lượng này. Cần phải nghiên cứu giá và mức hỗ trợ có tính hệ thống, đồng bộ đối với tất cả nguồn điện thay vì các quyết định hỗ trợ cho từng loại nguồn điện. Ngoài ra, nâng cao tỷ trọng nội địa hóa, cập nhật thông tin và cẩn trọng trong đàm phán dự án năng lượng tái tạo để giảm tối đa đầu tư. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện các khung chính sách pháp lý, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của bộ máy tổ chức và phương thức quản lý trong lĩnh vực điện gió. Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ sản xuất, sử dụng máy phát điện gió cỡ nhỏ phục vụ gia đình. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng chế tạo các máy phát điện gió loại nhỏ sử dụng cho gia đình. Những sản phẩm này không yêu cầu cao về công nghệ, doanh nghiệp có thể nâng tỷ lệ nội địa hóa lên đến 80% để giảm giá thành sản xuất, lắp đặt. Qua đó, sẽ góp phần giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và nâng cao tỷ lệ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt nguồn năng lượng điện gió trong cơ cấu các nguồn điện những năm tới.

Tin cùng chuyên mục