Nhà ở xã hội: Góp phần “tan băng” thị trường bất động sản

Nhà ở xã hội: Góp phần “tan băng” thị trường bất động sản

Sau khi báo chí đưa tin Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn - Gia Định đăng ký hỗ trợ 400 căn nhà cho Chương trình nhà ở xã hội của TPHCM, nhiều bạn đọc đã đề nghị cho biết chi tiết vấn đề này.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phụng Thiều, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn – Gia Định, về dự án nhà ở nói trên.

-  Phóng viên:
Vừa qua ông đã có công văn đề xuất UBND TP và Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho điều chỉnh 2 block chung cư A2, A3 gồm 146 căn hộ tại khu dân cư Thới An (Q.12) từ 1 trệt 4 lầu lên 8 tầng thành nhà ở xã hội. Trong đó có 400 căn hộ dành cho CBCNV và nhân dân lao động nghèo. Là một doanh nghiệp cổ phần tư nhân, dựa vào đâu ông dám làm điều này?

Nhà ở xã hội: Góp phần “tan băng” thị trường bất động sản ảnh 1
Khu dân cư Thới An - một dự án của Chương trình nhà ở xã hội. Ảnh: X.Quyền

- Ông Nguyễn Phụng Thiều: Với thời gian 21 năm phụ trách Công ty Phát triển nhà Tân Bình (1980-2001), điều lớn nhất tôi học được là dựa vào sức dân, từ dân ta sẽ có nhiều cách để thực hiện được mơ ước của mình.

Trên cơ sở đó tôi đã mạnh dạn đề xuất UBND TP cho phép thực hiện dự án này để cho “3 nhà” đều có lợi, đó là “nhà dân, nhà nước và nhà doanh nghiệp”.

Về tiêu chí, chúng tôi dựa vào Luật Nhà ở vừa được ban hành và Công văn 537/TTG-CN này 6-4-2006 của Thủ tướng Chính phủ cho phép TP Hà Nội, TPHCM và tỉnh Bình Dương được triển khai trước một số dự án về nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở.

- Ông đã chuẩn bị điều kiện gì chưa nếu được Sở Quy hoạch - Kiến trúc điều chỉnh quy hoạch và UBND TP chấp thuận?

- Chúng tôi đã có đầu ra rồi - đó là CBCNV và nhân dân lao động nghèo, đây là đối tượng có nhu cầu cấp bách nhất. Tại khu dân cư Thới An với diện tích 15 ha, chúng tôi đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng chợ Thới An, xây dựng nhà phố và villa, trường học, công viên, xây dựng 1 block chung cư 54 căn hộ diện tích 65m2 - 85m2/căn hộ cho người thu nhập thấp góp vốn trước, dự kiến bàn giao dịp 30-4-2007.

Với điều kiện có sẵn về mặt bằng, khách hàng, nếu được Sở Quy hoạch - Kiến trúc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thì chúng tôi có thể triển khai xây dựng ngay 800 căn hộ nhà ở xã hội.

- Giá cả và thể thức mua nhà ở xã hội ra sao? Nghe nói ông đã dành 400 căn cho UB MTTQ TP và một số quận?

- Trong khi chờ các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, chúng tôi tạm đưa các loại chi phí vào giá thành, trung bình 144-240 triệu đồng/căn hộ góp trước 50%, 50% còn lại trả góp 10-15 năm theo lãi suất ngân hàng.

So với thời điểm năm 1990 - lúc Công ty Phát triển nhà Tân Bình làm thí điểm xây dựng nhà trả góp cho thành phố với diện tích tương tự, mỗi căn hộ 10 lượng vàng thì nay với giá 144 triệu đồng/căn hộ tương đương 12 lượng vàng – theo tôi là có thể chấp nhận được với điều kiện người dân góp vốn xây dựng trước 50%.

Và nếu được ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi cũng như xét giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền sử dụng đất giúp chi phí xây dựng hạ tầng thì người dân lao động nghèo và CBCNV diện chính sách có thể được giảm giá thành 10%-20% nữa.

- Có khó khăn gì khi thực hiện dự án trên?

- Như tôi đã nói, cái khó lớn nhất đối với doanh nghiệp là vốn, nên nếu ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi và nhà nước hỗ trợ, quan tâm hơn nữa đối với các doanh nghiệp tham gia Chương trình nhà ở xã hội, thì tôi tin rằng các dự án sẽ thực hiện rất nhanh.

 Đây là một chủ trương đúng đắn, được lòng dân, chúng tôi rất ủng hộ. Mong thành phố sớm có quyết định ban hành quy chế nhà ở xã hội trên địa bàn để tiến tới xã hội hóa nhanh, mạnh việc xây dựng nhà ở, đáp ứng kịp yêu cầu của bà con lao động và góp phần “tan băng” trong tình hình “đóng băng” của thị trương bất động sản hiện nay.

- Ông có thể cho biết vì sao trong danh sách phân bổ 400 căn hộ cho Q12, Q.Tân Bình và UB MTTQ lại có thêm một hội từ thiện là Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo?

- Hội BTBNN TP là tổ chức xã hội từ thiện lớn của TPHCM, được cả nước biết đến. Thông qua hội, hàng ngàn bà con lao động nghèo đã được cứu giúp thoát mù và các bệnh tật ngặt nghèo… Tổ chức này được sự lãnh đạo bởi các cô chú lão thành cách mạng rất có uy tín được bà con lao động tin tưởng.

Trong hàng trăm ngàn bà con nghèo được Hội BTBNN chữa bệnh, có rất nhiều bà con chưa có nhà ở, hoặc nhà ở rách nát, thiếu thốn tiện nghi tối thiểu. Tôi cũng là ủy viên Ban chấp hành hội từ ngày sáng lập năm 1994 đến nay nên thấy được những bức xúc đó mà đề xuất hỗ trợ 100 căn cho HBTBNN. 

Hoài An - Lan Vinh

Tin cùng chuyên mục