Chương trình bình ổn giá tại TPHCM: Điều tiết thị trường

Sau 8 năm thực hiện chương trình bình ổn giá vào các dịp Tết Nguyên đán, bước sang năm thứ 9 (năm 2010), TPHCM đã tiến thêm một bước là triển khai việc bình ổn giá hàng hóa quanh năm. Chương trình đã vượt khỏi phạm vi TPHCM và lan tỏa ra nhiều tỉnh thành.
Chương trình bình ổn giá tại TPHCM: Điều tiết thị trường

Sau 8 năm thực hiện chương trình bình ổn giá vào các dịp Tết Nguyên đán, bước sang năm thứ 9 (năm 2010), TPHCM đã tiến thêm một bước là triển khai việc bình ổn giá hàng hóa quanh năm. Chương trình đã vượt khỏi phạm vi TPHCM và lan tỏa ra nhiều tỉnh thành.

  • Tiên phong

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, gần 10 năm qua, tình hình thiên tai diễn biến rất phức tạp, biến động về giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa vào những dịp Tết Nguyên đán tăng từ 20% - 40% so với bình thường nên công tác quản lý giá rất khó khăn. Xuất phát từ những nguyên do trên, TPHCM đã xây dựng và triển khai công tác bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố.

Bắt đầu thực hiện từ năm 2002, với số vốn 45 tỷ đồng, năm 2003 tăng lên 80 tỷ đồng. Chương trình bình ổn trong giai đoạn này chưa xác định chủng loại, số lượng hàng hóa cụ thể, chưa có các quy định về giá bán, chưa thực hiện công tác tuyên truyền tại các điểm bán mà chủ yếu giao các DN chủ động lựa chọn mặt hàng, kênh phân phối thực hiện vào các dịp tết. Là địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện việc bình ổn giá nên việc triển khai trong thực tế gặp không ít khó khăn, lúng túng.

Năm 2004, TPHCM bắt đầu xác định từng mặt hàng bình ổn cụ thể, với tổng vốn giao tăng lên 214 tỷ đồng. Tuy nhiên, chương trình chỉ thực sự lớn mạnh kể từ Tết Bính Tuất 2006 cho đến nay, cả về nguồn vốn lẫn số lượng các DN tham gia. Thông qua việc các DN tự đề xuất tham gia, UBND TPHCM đã xây dựng các tiêu chuẩn, điều kiện xét chọn DN cụ thể, khách quan.

Mua hàng bình ổn giá tại Co.opMart Cống Quỳnh (TPHCM) ngày 24-9. Ảnh: CAO THĂNG

Mua hàng bình ổn giá tại Co.opMart Cống Quỳnh (TPHCM) ngày 24-9. Ảnh: CAO THĂNG

Đến năm 2010, TPHCM tiến tới việc bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu quanh năm, thông qua 8 nhóm hàng gồm: gạo - nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến và rau củ. Đây cũng là năm đầu tiên TPHCM thực hiện bình ổn giá đối với nhóm các mặt hàng quần áo và học cụ phục vụ cho mùa tựu trường 2010-2011.

Cũng từ năm 2006, các DN tham gia bình ổn đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình, từ chỗ chỉ thực hiện cam kết đảm bảo giá bán các mặt hàng thấp hơn giá thị trường 10% tại từng thời điểm, tiến tới ổn định, xuyên suốt trong thời gian thực hiện.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, giá bán hàng hóa là do DN tham gia chương trình xây dựng và đăng ký với Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá và phải thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm cam kết đăng ký giá ít nhất 10%. Giá thị trường là giá công bố của Cục Thống kê TPHCM tại thời điểm đăng ký giá. Trong thời gian tham gia chương trình, trường hợp thị trường biến động tăng giá, các DN không được tăng giá bán sản phẩm; trường hợp thị trường biến động giảm giá từ 5% trở lên (nghĩa là giá bán bình ổn chỉ còn thấp hơn giá thị trường khoảng 5%), các DN phải đăng ký điều chỉnh giảm giá bán sản phẩm tương ứng.

Cũng từ năm 2010, hàng bình ổn không chỉ dừng lại ở các siêu thị, cửa hàng giới thiệu sản phẩm của DN mà được đưa ra bán rộng rãi tại các chợ. TPHCM đang lập kế hoạch xây dựng chuỗi cửa hàng bình ổn rộng khắp các quận, huyện. Thực tế cho thấy, vào những dịp tết, tại nhiều địa bàn xảy ra tình trạng khan hàng để làm giá, tổ điều hành đã yêu cầu các DN đưa hàng bình ổn đến bán, ngay lập tức các điểm tăng giá bị dập tắt. Nói cách khác, ở nơi nào có hiện tượng tăng giá bất hợp lý, ở đó hàng bình ổn có mặt để điều tiết thị trường.

  • Hỗ trợ doanh nghiệp lớn mạnh

Với việc tham gia chương trình bình ổn giá, các DN không chỉ được quảng bá, tuyên truyền sản phẩm mà còn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ chương trình đã xuất hiện các mô hình liên kết trực tiếp giữa người sản xuất và nhà phân phối, thông qua việc sử dụng chính đồng vốn hỗ trợ của TP.

Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Phú An Sinh cho biết, với số tiền hơn 29 tỷ đồng (chiếm khoảng 50% số vốn lưu động của Phú An Sinh) vay từ chương trình bình ổn năm 2010 lãi suất 0% đã giúp công ty mạnh dạn đầu tư chuyên sâu. Tiến đến việc khép kín mô hình chăn nuôi hiện đại, đầu năm 2010 vừa qua, Phú An Sinh đã đưa vào hoạt động nhà máy chế biến với tổng vốn đầu tư 12 tỷ đồng đặt tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Saigon Co.op, một trong những DN tham gia ngay từ ngày đầu chương trình cũng cho rằng, bằng nguồn vốn ưu đãi, Saigon Co.op đã ứng vốn hoặc đầu tư vốn vào các HTX, các DN chăn nuôi, trồng trọt để ổn định nguồn hàng. Cách làm này không chỉ hỗ trợ các HTX phát triển thông qua việc bao tiêu đầu ra, ổn định giá mà còn giúp cho bà con xã viên ở ngoại thành TP nâng cao thu nhập.

Công ty TNHH Ba Huân cũng vừa thử nghiệm thành công và nhân rộng mô hình nuôi vịt siêu trứng an toàn sinh học. Theo bà Phạm Thị Huân, Giám đốc công ty, nhờ nguồn vốn vay của TP, công ty đã liên kết với các đối tác ở Bình Định để phát triển con giống, kéo ngắn thời gian vịt đẻ trứng chỉ trong 30 ngày thay vì 60 hoặc 70 ngày. Hiện mô hình đã và đang được nhân rộng tại Long An. Ngoài ra, Ba Huân cũng đang đẩy mạnh việc đầu tư vào các dự án để thực hiện các trang trại chăn nuôi liên kết, số lượng lên đến hàng trăm ngàn con, tạo nguồn hàng cung cấp cho TP.

Mua hàng bình ổn giá tại Co.opMart Cống Quỳnh (TPHCM) ngày 24-9. Ảnh: CAO THĂNG
Mua hàng bình ổn giá tại Co.opMart Cống Quỳnh (TPHCM) ngày 24-9. Ảnh: CAO THĂNG

Nhìn lại 9 năm thực hiện chương trình, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng cho rằng, để bình ổn giá hàng hóa, chúng ta không thể thực hiện bằng mệnh lệnh suông, càng không thể bình ổn nếu không có đủ nguồn hàng trong tay và một hệ thống phân phối rộng khắp. Do vậy, ngoài việc ứng vốn hỗ trợ các DN, TPHCM song song triển khai thực hiện các đề án chiến lược như phát triển chăn nuôi tạo nguồn hàng; xây dựng hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TP… Nếu triển khai thành công, chắc chắn TPHCM sẽ có những công cụ hữu hiệu để điều tiết và kiềm chế giá các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là vào các dịp cao điểm mua sắm tết. Với lượng hàng bình ổn chiếm khoảng từ 20%-40%, TPHCM hy vọng sẽ đủ sức chi phối thị trường. Đây cũng là cách TPHCM từng bước làm tốt hơn việc chăm lo bữa ăn cho người dân, ổn định an sinh xã hội

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục