Quản lý tem chống giả: Ngỡ chặt mà… lỏng

Vài ngày gần đây, dư luận xôn xao về việc những con tem chống giả bị làm giả hết sức tinh vi. Dù đây là chuyện cũ nhắc lại, nhưng tính thời sự vẫn nóng, nhất trong thời điểm Tết Nguyên đán đã cận kề, hàng hóa “vàng thau lẫn lộn” trên thị trường. Hơn nữa, khi Chính phủ đã có Nghị định 105/2007/NĐ-CP quy định việc cấp phép cho các đơn vị, công ty có nhu cầu in tem chống giả, nhưng vì sao ít đơn vị in tem chống hàng giả ra đời… Biện pháp quản lý về mặt lý thuyết nghe có vẻ thuyết phục nhưng kỳ thực tem chống giả vẫn tràn lan bát nháo trên thị trường. Vì sao?

Vài ngày gần đây, dư luận xôn xao về việc những con tem chống giả bị làm giả hết sức tinh vi. Dù đây là chuyện cũ nhắc lại, nhưng tính thời sự vẫn nóng, nhất trong thời điểm Tết Nguyên đán đã cận kề, hàng hóa “vàng thau lẫn lộn” trên thị trường. Hơn nữa, khi Chính phủ đã có Nghị định 105/2007/NĐ-CP quy định việc cấp phép cho các đơn vị, công ty có nhu cầu in tem chống giả, nhưng vì sao ít đơn vị in tem chống hàng giả ra đời… Biện pháp quản lý về mặt lý thuyết nghe có vẻ thuyết phục nhưng kỳ thực tem chống giả vẫn tràn lan bát nháo trên thị trường. Vì sao?

Mạnh ai nấy làm

Trước thực trạng “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay, nhu cầu làm tem chống giả của các doanh nghiệp rất lớn. Chúng tôi chỉ cần nhấp một cú đúp chuột trên mạng Google, xuất hiện hàng chục công ty lớn nhỏ từ Hà Nội vào tới TPHCM sẵn sàng đáp ứng nhu cầu in tem chống giả cho khách hàng. Thậm chí, các công ty này còn cam kết chắc như đinh đóng cột rằng có khả năng làm được các mẫu tem của Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an mà “các cơ quan chức năng không thể phát hiện được”. Có thể thấy làm tem chống giả đang là công việc “ăn nên làm ra” đối với một bộ phận trong xã hội.

Trên thị trường hiện nay, dường như không có một mẫu tem chống giả đồng bộ cho tất cả các mặt hàng, nên tem tồn tại với đủ kiểu dáng, màu sắc như: hình tròn, chữ nhật, e-lip; màu xanh, vàng, cam, nâu… Tem được in ra tuân theo quy luật “nhiều tiền - tem xịn, ít tiền - tem thường”. Hầu hết hình thức, kiểu dáng, chi tiết tem đều do doanh nghiệp thỏa thuận, thống nhất với nơi in. Thành ra, riêng với loại tem chống giả cũng lên tới hàng ngàn kiểu dáng, mức giá bao nhiêu cũng có. Chưa kể tới việc các loại tem nhãn cũng được doanh nghiệp tận dụng thành tem chống giả bằng cách in dòng chữ “chống hàng giả” lên trên. Điều này vô hình chung mặc định cho khách hàng rằng tem nhãn và tem chống giả là một. Thống kê cho thấy hơn 90% sản phẩm trên thị trường được người tiêu dùng nhận diện thông qua hình thức mập mờ trên.

Theo quy định “Tem chống giả phải có tính bảo mật cao, phải đăng ký về kiểu dáng công nghiệp, bản quyền tác giả, đặc biệt phải có tính pháp lý và cấp giấy chứng nhận mẫu tem. Doanh nghiệp phải nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà cung cấp tem khi sản phẩm bị làm giả trên thị trường”. Đại diện của một công ty tên tuổi (công ty này được Quates 3 đặt in tem chống giả) chuyên in tem chống giả tại TPHCM cho biết, loại tem nhãn tồn tại trên thị trường hiện nay có in chồng dòng chữ chống giả không mang tính pháp lý, rẻ tiền, công ty nào cũng có thể in được.

Luật bị buông lơi

Để một công ty được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực in tem chống giả, công ty đó phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu mang tính pháp lý theo đúng quy định của pháp luật rất khó khăn. Chiếu theo Nghị định số 105/2007/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông được quyền cấp giấy phép cho các công ty, đơn vị xin phép in tem chống giả (tại các tỉnh sẽ là Sở Thông tin và Truyền thông). Hiện nay, nhiều người, ngay cả doanh nghiệp cũng thắc mắc giữa tem chống giả do Viện Khoa học Hình sự thuộc Bộ Công an cấp với các loại tem do các công ty khác có chức năng in tem chống giả cấp khác nhau thế nào.

Để tìm hiểu thực hư chuyện này, chúng tôi đã tìm gặp một số chuyên gia hàng đầu cung cấp tem chống giả cho thị trường Việt Nam. Những vị này đều khẳng định các loại tem trên có giá trị ngang nhau. Điều đặc biệt ở đây là mỗi mẫu tem chống giả đều phải đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Một khi tem đã cung cấp cho các đơn vị đặt in thì đơn vị sản xuất sẽ chịu trách nhiệm về mẫu tem, cũng như không được in tem mới trùng với loại tem đã sản xuất. Vậy theo lý giải này, chính các công ty, đơn vị sản xuất tem phải chịu trách nhiệm trước những con tem mà họ in.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, số lượng công ty, đơn vị được cấp phép in tem chống giả trên cả nước ta hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Còn những công ty được phép in tem, nhãn thì vô số. Chính sự mập mờ giữa chức năng được phép in tem, với in tem chống giả đã khiến thị trường ngày càng nhiều tem chống giả bị… làm giả” – Tổng giám đốc một công ty chuyên in tem chống giả có uy tín tại TPHCM chia sẻ.

Nhân đây, cũng cần nhắc lại câu chuyện về tem CR cách đây hơn 3 tháng, khi Nhà nước bắt buộc dùng tem hợp quy đối với đồ chơi trẻ em, các sản phẩm điện - điện tử. Được biết, ngay khi thời gian gia hạn hết hiệu lực, thời điểm thực thi quy chuẩn bắt đầu, các doanh nghiệp, công ty buôn, bán nháo nhào đi tìm tem CR để dán… đại. Miễn sao có chữ CR. Tính tới nay đã gần 4 tháng nhưng các sản phẩm vi phạm vẫn bày bán công khai. Hóa ra báo chí nhằm cảnh tỉnh dư luận, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ có thể gióng trống, khua chiêng trong một vài ngày, rồi các doanh nghiệp lại “vi phạm mặc bay”, không cơ quan nào sờ gáy. Dư luận lo ngại tình trạng tem chống giả lần này cũng bị chìm xuồng.

“Thiếu sự phối hợp đồng bộ từ người dân, nhà doanh nghiệp, các cơ quan quản lý thì tình trạng trên sẽ còn tiếp diễn. Thậm chí có doanh nghiệp phát hiện ra sản phẩm của công ty bị làm giả, dán tem giả nhưng ngại báo với cơ quan chức năng vì lo sợ mất uy tín, người tiêu dùng không tin tưởng sản phẩm. Chính sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của bản thân doanh nghiệp đã tiếp tay cho đối tượng gian manh trục lợi, có đất sống” – ông Hoàng Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 cho biết

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục