Giai đoạn 2 cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại TPHCM: Đẩy mạnh quảng bá, tư vấn về hàng Việt

Chiều 26-5, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành chức năng góp ý kiến sơ kết một năm thực hiện chương trình hành động của TP về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ NVNƯTDHVN), bàn kế hoạch công tác trong năm 2011.
Giai đoạn 2 cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại TPHCM: Đẩy mạnh quảng bá, tư vấn về hàng Việt

Chiều 26-5, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành chức năng góp ý kiến sơ kết một năm thực hiện chương trình hành động của TP về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ NVNƯTDHVN), bàn kế hoạch công tác trong năm 2011.

Phát biểu tại cuộc họp, các đại biểu đều cho rằng, CVĐ không chỉ giúp doanh nghiệp (DN) nhận thức rõ vai trò của thị trường nội địa mà quan trọng hơn, niềm tin người tiêu dùng về hàng Việt được nâng lên rõ rệt.

Chọn mua bánh do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất tại siêu thị. Ảnh: CAO THĂNG

Chọn mua bánh do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất tại siêu thị. Ảnh: CAO THĂNG

Xắn tay cùng làm

Theo nhận định của các chuyên gia, CVĐ đã có sự chuyển biến về chất so với nhiều chương trình vận động trước đó. Đã có sự kết hợp khá nhuần nhuyễn cho từng mục tiêu cụ thể, đó là người tiêu dùng cụ thể, địa bàn tập trung, truyền thông nhất quán và đặc biệt là có sự “xắn tay áo cùng làm” của cả bộ máy chính trị, chính quyền các cấp. Chính sự tham gia một cách cụ thể, với những mục tiêu nhỏ nhưng khả thi đã từng bước đưa hàng VN tiếp cận thành công đến người tiêu dùng.

Tại cuộc họp nhiều ý kiến cho rằng, CVĐ NVNƯTDHVN mang ý nghĩa quyết định sống còn cho sự phát triển của sản xuất trong nước khi VN đã gia nhập hoàn toàn vào nền kinh tế thế giới. Do vậy, việc đánh giá kết quả CVĐ phải được lượng giá thông qua những con số cụ thể từ đó có thể bóc tách những mặt được và chưa được, rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện.

Điều quan trọng, chúng ta đang hô hào người dân hãy ủng hộ hàng Việt nhưng với mỗi cán bộ, công chức cũng như việc mua sắm công đã thực hiện đến đâu lại chưa làm được. Nói cách khác, cho đến nay TP vẫn chưa tiến hành một cuộc khảo sát mang tính toàn diện, từ đó đánh giá mức độ tiêu dùng hàng Việt trong dân.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc tiến hành điều tra, khảo sát cũng là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình triển khai CVĐ. Ngay trong tháng 6, Sở Công thương phối hợp với Cục Thống kê TP thực hiện sớm để đưa kết quả vào báo cáo.

Ngoài việc khảo sát mức độ tiêu dùng trong dân nên mở rộng các khu vực, đối tượng khảo sát vào các sở, ngành, trong đó lưu ý đến việc mua sắm công xem các cơ quan này có thực hiện đúng theo chỉ đạo của nhà nước theo hướng ủng hộ hàng Việt hay vẫn sính hàng ngoại. Trong trường hợp phát hiện việc chi tiêu không đúng trọng tâm CVĐ, Sở Tài chính có quyền từ chối chi ngân sách.

Công tác truyền thông cần đi vào chiều sâu

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, việc tuyên truyền trong giai đoạn mới của CVĐ sẽ góp phần tư vấn, định hướng tiêu dùng đúng cho người dân, đồng thời phê phán hàng dỏm, hàng giả trên các báo đài, ghi nhận ý kiến, nguyện vọng của người dân về hàng Việt, vừa kích thích tiêu dùng, vừa khuyến kích động viên những nhà sản xuất chân chính. Trước mắt, Sở Thông tin và Truyền thông cùng với Đài Truyền hình TPHCM sẽ mở kênh chuyên giới thiệu, quảng bá và bán hàng Việt.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận, mục tiêu CVĐ đặt ra trong năm 2011 là phải đi vào chiều sâu, tạo thành phong trào hành động của các tầng lớp nhân dân, của các DN. Theo đó, TPHCM sẽ tập trung cho vấn đề chính là thông tin truyền thông, tổ chức thường xuyên, định kỳ, có chuyên đề chuyên trang cụ thể để tạo dấu ấn cho bạn đọc. TPHCM cũng sẽ tổ chức giải báo chí cũng như các giải thưởng về văn hóa văn nghệ liên quan đến chủ đề NVNƯTDHVN nhằm tạo sức lan tỏa, tạo hiệu quả cao nhất, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, ổn định an sinh xã hội.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, chủ trương của Bộ Chính trị về CVĐ NVNƯTDHVN là đúng đắn, tạo sự đồng tình chung trong xã hội. Thông qua CVĐ, các DN có nhiều nỗ lực trong việc sản xuất và cung ứng những sản phẩm có chất lượng, giá thành vừa phải, còn người tiêu dùng cũng nhận thức tốt hơn về hàng Việt. Theo đó, hành vi mua sắm của người tiêu dùng cũng có bước chuyển đáng kể, đó là xu hướng chọn mua hàng Việt ngày càng gia tăng, thể hiện được tinh thần yêu nước của người dân.

Đồng chí nhấn mạnh, trong 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp của UBND TP đề ra cần quan tâm đến việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN liên quan đến vốn, chính sách... Các sở, ngành chức năng cũng cần đi sâu sát hơn đến hoạt động của các DN, từ đó đề xuất, tham mưu cho chính quyền TP hỗ trợ cho DN đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo cung cầu hàng hóa, đáp ứng tiêu dùng nội địa. Ngoài ra công tác kết nối sản xuất và phân phối cần được chú trọng để tạo cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng phát triển. Các hiệp hội DN, ngành hàng cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển mạng lưới phân phối hàng Việt...

Hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường. Trong ảnh: Sản xuất máy tính thương hiệu Việt tại Nhà máy FPT Elead. Ảnh: CAO THĂNG

Hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường. Trong ảnh: Sản xuất máy tính thương hiệu Việt tại Nhà máy FPT Elead.
Ảnh: CAO THĂNG

Theo ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP, một năm qua, CVĐ triển khai ngày càng sâu rộng, bước đầu đã tạo được sự đồng thuận hưởng ứng của toàn xã hội. Kết quả khảo sát trong 2 tháng 9 và 10-2010 của Bộ Công thương cho thấy, có 59% người tiêu dùng xác định sẽ ưu tiên chọn hàng VN; 39% người tiêu dùng khuyên người thân mua hàng Việt; 36% đã thay đổi thói quen mua hàng ngoại sang hàng VN.

Trong đó, sản phẩm quần áo, giày dép có tới 80% người tiêu dùng ưa chuộng; thực phẩm, rau quả 58%; đồ gia dụng 49%; vật liệu xây dựng, đồ nội thất 38%; đồ chơi, dụng cụ học tập 34%; văn phòng phẩm 33%… Tại TPHCM, trong năm 2010, hàng hóa sản xuất trong nước bày bán tại các hệ thống siêu thị như Big C, Co.opMart đã chiếm tỷ lệ 90%-95%. Theo đó, lượng hàng Việt tiêu thụ tại một số siêu thị đã tăng thêm 55% so với năm 2009.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục