Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Giá xăng giảm được tính sát từng đồng

Chiều  23-5, trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội ngay sau khi quyết định giảm giá xăng dầu được công bố, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết việc giảm giá xăng dầu “đã được tính sát từng đồng”. Cùng với việc giảm giá, Bộ Tài chính đang xem xét điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu, nhưng có tới 2/3 trong độ chênh lệch giữa giá thế giới và giá trong nước được dùng để giảm giá bán lẻ chia sẻ với người dân. Bộ trưởng cho biết:
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Giá xăng giảm được tính sát từng đồng

Chiều  23-5, trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội ngay sau khi quyết định giảm giá xăng dầu được công bố, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết việc giảm giá xăng dầu “đã được tính sát từng đồng”. Cùng với việc giảm giá, Bộ Tài chính đang xem xét điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu, nhưng có tới 2/3 trong độ chênh lệch giữa giá thế giới và giá trong nước được dùng để giảm giá bán lẻ chia sẻ với người dân. Bộ trưởng cho biết:

Các tính toán trong vòng 30 ngày về giá xăng dầu nhập khẩu cho thấy, giá bán lẻ xăng A92 đang cao hơn giá cơ sở 900 đồng mỗi lít. Trong đó, Bộ Tài chính tính toán sử dụng hai phần ba (tương đương 600 đồng) để giảm giá. Một phần còn lại (tương đương 300 đồng) để tăng thuế.

Cụ thể, liên bộ đã trình Chính phủ cho phép tăng thêm 2% (từ 2% lên 4%) thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng A92. Đối với diesel thì chênh lệch thấp hơn, khoảng 600 đồng, nên chỉ điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu thêm 1% (từ 2% lên 3%), phần còn lại dùng để giảm giá (khoảng 400 đồng). Mặt hàng này có tác động lớn đến sản xuất, bà con ngư dân đi biển đang gặp khó khăn nên Chính phủ phải chia sẻ nhiều hơn. Thực tế là việc giảm giá xăng dầu đã được tính toán chi li, cặn kẽ.

Giá xăng giảm vào lúc 15 giờ 30 ngày 23-5. Ảnh: DIỄM THY

Giá xăng giảm vào lúc 15 giờ 30 ngày 23-5. Ảnh: DIỄM THY

* Phóng viên: Dù giảm giá xăng dầu là một tin vui, nhưng điều khiến người dân khá bức xúc là khi tăng giá thì rất nhiều, còn khi giảm lại rất ít. Bộ trưởng lý giải gì về điều này?

* Bộ trưởng VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: Bức xúc đó là hoàn toàn chính đáng, nhưng chúng ta cũng cần phải xem xét bản chất của việc đó là gì! Khi giá thị trường thế giới tăng, giá bán lẻ buộc phải tăng lên, nếu theo đúng tỷ lệ giá cơ sở thì có thể mức tăng rất cao. Nhưng để bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát, bình ổn giá, không để ảnh hưởng quá lớn tới sản xuất và tiêu dùng, thông thường khi xem xét điều chỉnh tăng giá, chúng tôi phải tính toán mức tăng vừa phải, hy sinh lợi ích của Nhà nước trước – tức là điều chỉnh giảm thuế. Cả một thời gian dài vừa qua, thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu đều về 0%. Khi có dư địa để giảm giá, thì cũng phải tính toán vấn đề về thuế.

Như vậy, việc giảm giá lại có chút chia sẻ ngược lại với lợi ích của Nhà nước. Suy cho cùng tiền thuế đó cũng được sử dụng trở lại cho nhân dân, cho an sinh xã hội. Tôi cam đoan rằng nếu khi tăng giá, thị trường chấp nhận đưa đủ hết các yếu tố vào, thì khi khi giảm cũng sẽ giảm tương ứng.

* Theo tính toán của một số chuyên gia, hiện nay mặt hàng xăng đang lãi khoảng 1.700 đồng/lít. Nhưng thông tin Bộ Tài chính đưa ra lại cho biết chỉ lãi 900 đồng/lít. Bộ trưởng giải thích thế nào về điều này?

* Ở đây có câu chuyện về cách tính toán. Nếu dựa trên giá thế giới và giá bán lẻ trong nước vào một ngày nhất định thì có thể có kết quả như vậy. Nhưng hiện nay cách tính để điều hành giá của chúng ta là tính theo giá cơ sở trong vòng 30 ngày, theo đúng chu kỳ dự trữ xăng dầu. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới cũng liên tục biến động từng ngày, chẳng hạn ngày 22-5 là 115 USD/thùng thì ngày 23-5 là 116 USD/thùng.

* Qua 2 đợt giảm giá xăng, Bộ trưởng có kỳ vọng gì về những tác động đối với mặt bằng giá cả trong nước cũng như mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô?

* Lạm phát từ đầu năm đến nay được kiểm soát khá tốt. Tính toán sơ bộ cho thấy tháng 5 CPI chỉ tăng khoảng 0,18%. Như vậy từ đầu năm đến nay lạm phát chỉ tăng chưa đầy 3%. Tuy nhiên so với cùng kỳ thì vẫn còn khá cao. Chính vì thế, Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như Bộ Công thương thấy rằng khi có cơ hội để giảm giá xăng dầu được thì giảm ngay để chia sẻ với người dân và doanh nghiệp. Hy vọng diễn biến này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu dùng trong thời gian tới.

* Cảm ơn Bộ trưởng!

 
 

Xăng giảm 600 đồng/lít

Liên bộ Tài chính - Công thương vừa có quyết định giảm 600 đồng/lít xăng, 400 đồng/lít dầu diesel, 300 đồng/lít với dầu hỏa và mazut từ 15 giờ 30 ngày 23-5. Theo đó, giá bán lẻ xăng A92 sẽ giảm từ mức 23.300 đồng/lít hiện hành xuống còn 22.700 đồng/lít, dầu diesel giảm từ mức 21.600 đồng/lít hiện hành sẽ chỉ còn 21.200 đồng/lít, dầu hỏa từ 21.400 đồng/lít xuống 21.100 đồng/lít, dầu mazut từ 19.200 đồng/kg xuống 18.900 đồng/kg. Đồng thời, liên bộ cũng khôi phục lại thuế suất thuế nhập khẩu ở mức độ phù hợp, cụ thể: xăng khôi phục thêm 2% (từ 2% lên 4%); diesel khôi phục thêm 1% (từ 2% lên 3%); dầu hỏa, mazut khôi phục thêm 2% (từ 3% lên 5%). Giữ ổn định mức trích Quỹ Bình ổn giá với mặt hàng xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế 300 đồng/lít, kg như quy định hiện hành.

Đây là lần giảm giá xăng lần thứ hai kể từ đầu năm và cũng là lần thứ hai trong tháng 5. Trước đó, giá mặt hàng này đã được điều chỉnh giảm 500 đồng/lít xăng và 300 đồng/lít dầu diesel vào ngày 9-5. Đồng thời, tăng 2 lần vào các ngày 7-3 và 20-4 với tổng mức tăng lên tới 3.000 đồng/lít. Năm ngoái, thị trường xăng dầu trong nước cũng trải qua hai lần tăng giá vào tháng 2 và 3, trước khi giảm nhẹ 500 đồng vào tháng 4.

 
 

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục