Nên để thị trường tự điều tiết giá cước vận tải

Nên để thị trường tự điều tiết giá cước vận tải

Bộ GTVT, Bộ Tài chính cùng nhiều bộ ngành liên quan đang tăng cường công tác kiểm soát giá cước vận tải trên địa bàn cả nước. Đây là việc làm có trách nhiệm đối với xã hội, bởi giá cước vận tải liên quan trực tiếp đến giá thành của rất nhiều loại hàng hóa, dịch vụ phục vụ người dân. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn nhiều vấn đề phải đặt ra…

Đăng ký giá... chỉ để biết

Từ ngày 1-12-2014, theo Thông tư liên tịch số 152/2014 của Liên bộ GTVT và Tài chính hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô hành khách theo tuyến cố định, doanh nghiệp kinh doanh xe buýt và doanh nghiệp kinh doanh taxi phải lập bản kê khai giá cước và gửi thông báo về giá cước cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ba loại hình vận tải còn lại: vận tải hành khách du lịch, vận tải hành khách hợp đồng, vận tải hàng hóa bằng ô tô không còn buộc phải kê khai giá như quy định trong Thông tư liên tịch số 129/2010 của Liên bộ GTVT và Tài chính cũng về thực hiện giá cước vận tải bằng ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ vừa hết hiệu lực từ ngày 30-11-2014.

Vận tải hàng hóa không còn buộc phải kê khai giá. Ảnh: CAO THĂNG

Tuy đã có 3 loại hình vận tải “được” ra khỏi danh sách bắt buộc đăng ký giá theo quy định của Bộ GTVT và Tài chính song nhận xét về những đối tượng còn lại vẫn còn nằm trong vòng kiểm soát giá của Nhà nước, một luật sư tư vấn chuyên nghiệp cho nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn TPHCM, đề nghị giấu tên nói, xe buýt ở Hà Nội và TPHCM đều được Nhà nước trợ giá. Do vậy, dù doanh nghiệp không đăng ký giá cước, Nhà nước cũng “nắm” được giá, thậm chí trong rất nhiều trường hợp, để thu hút người dân đi xe buýt các cơ quan chức năng còn “quyết” luôn mức giá. Vậy yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xe buýt đăng ký giá cước để làm gì? Hai loại hình vận tải còn lại: kinh doanh hành khách theo tuyến cố định và kinh doanh taxi, bắt buộc phải đăng ký giá với cơ quan nhà nước, theo vị luật sư trên, cũng không giúp được nhiều cho công tác quản lý. Trên thực tế, giá cước vận tải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cung - cầu, giá nhiên liệu, giá nhân công, chi phí cầu đường, chất lượng phục vụ hành khách, phương án kinh doanh của doanh nghiệp… Tất cả những yếu tố này liên tục biến thiên, cơ quan nhà nước làm sao nắm hết để quản? Điều quan trọng hơn nữa, đã có không ít doanh nghiệp vận tải mà luật sư làm tư vấn, không đăng ký giá cước vận tải với cơ quan chức năng như luật định nhưng chưa hề bị xử lý. Cùng quan điểm với vị luật sư, một cán bộ quản lý của một trong những bến xe lớn nhất TPHCM cho biết, ngay như thời gian vừa qua, khi mà giá xăng dầu giảm liên tục và Bộ GTVT, Bộ Tài chính cùng các cơ quan địa phương hối thúc doanh nghiệp vận tải giảm giá cước, đã có không ít đơn vị không chấp hành. Giá xăng dầu giảm nhưng đơn vị đang đầu tư phương tiện vận tải mới. Chất lượng phục vụ tốt hơn nên doanh nghiệp không thể giảm giá…

Quan trọng nhất, quản lý chất lượng vận tải

Theo ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý Vận tải thuộc Sở GTVT TPHCM, hầu hết các mức giá mà doanh nghiệp đăng ký đều được cơ quan nhà nước có trách nhiệm chấp thuận. Chỉ khi có những vấn đề chưa rõ, cơ quan chức năng mới yêu cầu doanh nghiệp giải trình thêm. Không bị làm khó khi đăng ký giá cước vận tải, thế nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng việc này là không cần thiết. Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách và du lịch TPHCM, phân tích, chỉ tính riêng trên địa bàn TPHCM đã có khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch. Đa phần trong số này chỉ hoạt động sôi nổi vào các dịp lễ, tết. Vào ngày thường, những doanh nghiệp có tên tuổi, có mối quan hệ rộng mới có nhiều khách. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như vậy, sẽ khó có doanh nghiệp nào “dám” đưa ra mức giá cao để “bị” khách hàng từ chối.

Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa ô tô TPHCM, cũng có nhận xét tương tự khi cho rằng vận tải hàng hóa bằng ô tô “cung” đang vượt “cầu”. Không ít lần giá xăng dầu tăng nhưng không ít doanh nghiệp vận tải trong Hiệp hội Vận tải hàng hóa ô tô TPHCM vẫn phải giảm giá cước vì nhu cầu giảm. Chưa kể, nhiều hợp đồng vận tải hàng hóa lớn thường được ký trước đó hàng tháng, thậm chí hàng năm. Với những chủ hàng như vậy, các hợp đồng vận chuyển thường được ký với những điều kiện về giá rất chi tiết. Giá nhiên liệu nói riêng và các chi phí khác nói chung, khi tăng, giảm đến một mức nào đó, giá cước vận tải sẽ buộc phải điều chỉnh tương ứng. “Cơ bản, doanh nghiệp vận tải không thể tự “làm” giá được”, ông Thái Văn Chung nhận xét. Theo Thông tư 152/2014 vừa có hiệu lực, doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng ô tô không phải đăng ký giá trừ khi có yêu cầu của chính quyền địa phương. Cho đến thời điểm này, TPHCM chưa có ý kiến về việc có hay không, yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô đăng ký giá và các doanh nghiệp trong khối này vẫn chờ. Tuy nhiên, có vẻ như họ không quan tâm đến vấn đề này bởi trước đây khi thực hiện theo Thông tư liên tịch số 129/2010, nhiều doanh nghiệp không tiến hành đăng ký cước cũng không hề bị xử lý. Một cán bộ lãnh đạo trong Hiệp hội Vận tải hàng hóa ô tô TPHCM cho biết như vậy.

Thật ra, chỉ có một đối tượng bị “trói” với quy định đăng ký cước vận chuyển, đó là taxi. Bị “trói” ở đây không phải vì các thủ tục đăng ký giá mà bởi đặc trưng của taxi. Giá cước của taxi phải được cập nhật vào đồng hồ taximeter. Mỗi lần điều chỉnh giá, taxi phải điều chỉnh đồng hồ taximeter… Thời gian điều chỉnh cũng như chi phí cho mỗi lần điều chỉnh taximeter không nhỏ. Nếu mỗi lần xăng dầu điều chỉnh lên, xuống chỉ vài chục đồng mà buộc taxi phải điều chỉnh giá cước tương ứng là một việc khó đối với họ. Trên thực tế, tại TPHCM, đã có không ít lần giá xăng dầu tăng nhưng taxi không tăng giá cước vì chi phí điều chỉnh taximeter còn… cao hơn, phức tạp hơn. Theo Sở GTVT TPHCM, hiện sở đã “khống chế” số lượng taxi ở con số khoảng 10.000 xe. Thị trường taxi cạnh tranh không khốc liệt như nhiều loại hình vận tải khác nhưng cũng khá gay gắt, nhất là khi xuất hiện thêm loại hình taxi Uber…

Không thể xử lý nghiêm khắc doanh nghiệp vận tải không chấp hành nghiêm quy định về đăng ký giá cước; thị trường vận tải cạnh tranh khốc liệt với hàng trăm doanh nghiệp, khả năng xuất hiện doanh nghiệp có thể khống chế thị trường rất thấp… Do đó, theo nhiều doanh nghiệp, không cần thiết phải có quy định về quản lý giá cước vận tải mà nên để cho thị trường tự điều tiết. Điều cần nhất lúc này, ngành chức năng tăng cường kiểm soát chất lượng phục vụ hành khách của ngành vận tải, nhất là sự an toàn trên mỗi nẻo đường.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục