Sau tết, giá thực phẩm giảm, giá dịch vụ vẫn tăng

Nhiều mặt hàng thực phẩm giảm giá
Sau tết, giá thực phẩm giảm, giá dịch vụ vẫn tăng

Vài ngày sau Tết Ất Mùi 2015, lượng hàng nông sản thực phẩm về các chợ đầu mối rất dồi dào, giá giảm nhiều, nhất là các loại rau, củ. Tuy nhiên, giá các dịch vụ ăn uống, làm đẹp, giữ xe… vẫn “phụ thu” dù đã là mùng 6 tết!

Nhiều mặt hàng thực phẩm giảm giá

Tại các chợ, giá bán nhiều loại thực phẩm tươi sống, nhất là rau củ quả, giá còn giảm thấp hơn so với ngày thường trước tết. Cụ thể, tại chợ Văn Thánh và chợ Tân Sơn Nhất, su hào Hà Nội giá chỉ 15.000 - 20.000 đồng/kg; su hào Đà Lạt chỉ 7.000 đồng/kg; bông cải xanh và cải trắng 25.000 - 30.000 đồng/kg…

Sau tết, các loại rau bày bán tại chợ bắt đầu giảm giá. Ảnh: CAO THĂNG

Từ mùng 4 Tết, hoa Lys Đà Lạt tràn ngập các chợ, giá chỉ từ 70.000 đồng - 80.000 đồng/bó 5 cành, trong khi trước tết 2 tuần giá 100.000 đồng/bó và đúng dịp tết, giá vọt lên 180.000 đồng - 220.000 đồng/bó.

Theo các tiểu thương, do hàng nông sản về chợ đầu mối rất dồi dào, trong khi sức tiêu thụ sau tết không cao, nên giá giảm nhiều. Ngoài ra, do các nhà vườn Đà Lạt năm nay được mùa, từ rau củ đến hoa tết, nên dội hàng, giá giảm. Các mặt hàng thủy, hải sản giá bán tương đối ổn định: cá điêu hồng loại 1kg/con từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, tép trứng 100.000 đồng/kg, tôm đất loại vừa 200.000 - 220.000 đồng/kg, cá lóc và cá chép 55.000 - 65.000 đồng/kg…

Hiện nay, hầu hết hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và trung tâm thương mại đã mở cửa đón khách. Tuy nhiên, sức mua trên thị trường vẫn chưa đạt mức trung bình của ngày thường trong tháng trước tết. Tại các siêu thị, lượng khách đến mua sắm tập trung chủ yếu vào buổi sáng, mặt hàng bán nhiều nhất tại thời điểm này vẫn là thực phẩm tươi sống. Chiều và tối còn vắng khách, giá bán nhiều mặt hàng tại các siêu thị vẫn khá ổn định và được niêm yết rất cụ thể. Ngoài ra, để kích cầu tiêu dùng đầu xuân, Co.opMart, Big C, Lotte Mart, cửa hàng Vissan… đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, từ mùng 2 tết, nhiều mặt hàng đã giảm giá 5% - 49%.

Giá dịch vụ vẫn còn “dư âm” tết!

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà hàng, quán ăn, dịch vụ… đã hoạt động bình thường trở lại, mức giá ổn định như thời điểm trước tết. Tuy vậy, một vài điểm kinh doanh trên địa bàn TPHCM vẫn xảy ra tình trạng “níu” giá sau tết khiến người tiêu dùng bực mình.

Ghi nhận của PV Báo SGGP trong hai ngày 22 và 23-2 (mùng 5 và mùng 6), một số điểm chuyên kinh doanh đồ ăn, thức uống như bún bò, cà phê trên địa bàn quận 10, quận 12, quận Tân Bình… xuất hiện tình trạng “phụ thu” ngày tết trên mỗi hóa đơn tính tiền.

Cụ thể, tối mùng 5 tết, tại quán bún bò Huế có tiếng trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình) chủ quán dán sẵn thông báo thu thêm 5.000 đồng/tô bún, tương đương phụ thu 25%, trong khi ngày thường mỗi tô bún có giá 25.000 đồng. “Gia đình tôi 6 người ăn, tính ra mất đứt 30.000 đồng tiền phụ thu ngày tết. Ăn uống, du lịch vào những ngày này toàn bị mất tiền oan”, chị Mai Ngọc, ngụ quận 12 bức xúc. Một điểm bán bún khác trên đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), phụ thu từ 7.000 - 10.000 đồng/tô bún.

Không chỉ có đồ ăn bị “thổi” giá, nước uống (cà phê, nước ngọt) tại một điểm bán khác trên đường Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn), Bắc Hải (quận Tân Bình) cũng phụ thu 15% - 20%. Ngoài ra, dịch vụ rửa xe, cắt tóc, gội đầu… cũng vẫn còn dư âm tết. Đáng chú ý, khả năng hình thành một mặt bằng giá mới đối với một số dịch vụ là rất cao. Chẳng hạn, giá dịch vụ gội đầu bình dân tại quận 10, quận Tân Bình trước Tết Nguyên đán dao động ở mức 25.000 - 30.000 đồng/suất gội, nhưng giá sau tết ở mức 30.000 - 40.000 đồng/suất gội, tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/suất gội. Và giá ngày tết được chủ tiệm thông báo cho khách sẽ là giá mới áp dụng luôn trong cả năm 2015. Giá dịch vụ rửa xe gắn máy sau tết cũng dao động ở mức 20.000 - 25.000 đồng/xe tay ga, xe số rẻ hơn khoảng 5.000 đồng/xe. Nếu so sánh mức giá này với thời điểm trước tết sẽ cao hơn từ 5.000 - 10.000 đồng/xe. Tại một điểm rửa xe gắn máy ở đường Nguyễn Duy Dương (quận 10), giá rửa xe tay ga 24.000 đồng/xe, xe số 20.000 đồng/xe. Thêm nữa, giá dịch vụ giữ xe ở nhà dân tại khu vực chùa Phổ Quang (Tân Bình), Vĩnh Nghiêm (quận 3)… đến ngày 24-2 vẫn ở mức 10.000 - 15.000 đồng/chiếc.

Theo thông tin từ các hiệp hội, năm nay đa số doanh nghiệp sản xuất sẽ bắt đầu khai trương, đi vào hoạt động từ ngày 24-2 đến 26-2 (tức từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng - do được xem là ngày tốt). Nhiều doanh nghiệp lớn có đơn hàng và hợp đồng xuất khẩu, để duy trì kế hoạch sản xuất kinh doanh đã tổ chức xe đưa đón và chế độ khen thưởng cho công nhân, đảm bảo tiến độ sản xuất. Do đó, dự kiến trong 2 ngày tới, hoạt động sản xuất ở nhiều lĩnh vực trên địa bàn TPHCM sẽ trở lại bình thường. Người lao động trở lại TP để làm việc sẽ góp phần làm tăng sức mua trên thị trường. Các doanh nghiệp trong Chương trình Bình ổn thị trường đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm của người lao động, không để thị trường thiếu hàng, biến động giá.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, từ ngày 21-1 đến 23-2, Sở Công thương, Chi cục Quản lý Thị trường đã phối hợp với các sở, ngành và 4 Tổ kiểm tra Chương trình Bình ổn thị trường thực hiện việc kiểm tra hàng gian, hàng giả; vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm dịch gia súc, gia cầm… Qua kiểm tra 1.023 điểm đã phát hiện 429 vụ vi phạm gồm: kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, đặc biệt có 33 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm…

Hải Hà - Gia Hân

Tin cùng chuyên mục