Hàng hóa nhiều, sức mua yếu

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN), doanh thu trong quý 1-2015 bị sụt giảm bình quân khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2014, dù quý 1 là thời điểm “ôm trọn” mùa kinh doanh tết. Với tình hình này, các DN đang phải nỗ lực để vượt khó.
Hàng hóa nhiều, sức mua yếu

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN), doanh thu trong quý 1-2015 bị sụt giảm bình quân khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2014, dù quý 1 là thời điểm “ôm trọn” mùa kinh doanh tết. Với tình hình này, các DN đang phải nỗ lực để vượt khó.

Bão hòa

Gặp chúng tôi tại chợ An Đông, chị Diệp chủ một DN ngành may mặc, có 4 gian hàng bày bán quần áo tại chợ than thở, chưa năm nào tình hình kinh doanh lại “tệ” như thời điểm này. Theo chị Diệp, ngay từ cuối năm 2014, sức mua vẫn chưa có dấu hiệu tốt lên, cả ở trong nước lẫn xuất khẩu, DN chỉ còn biết trông chờ vào quý 1-2015 (mùa kinh doanh Tết Nguyên đán) nhưng điều này đã không diễn ra.

Từ sau tết đến nay, đơn hàng trong nước quá chậm, hàng xuất sang Campuchia gần như bị chựng lại đã gây khó khăn không ít cho DN, bởi hàng có bán được hay không thì chi phí để nuôi công ty vẫn phải tính đúng, tính đủ. “Bài toán tiết kiệm tối đa trong sản xuất giờ đã không còn tác dụng vì chúng tôi chẳng biết sẽ phải cắt giảm thêm cái gì, trong khi chi phí đầu vào trong quý 1 đã tăng lên đáng kể” - chị Diệp cho biết.

Hàng hóa đầy chợ nhưng sức mua yếu, đang là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp.

Công ty Vissan là một trong những DN chủ lực cung ứng các mặt hàng thiết thực cho bữa ăn hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, kết thúc quý 1-2015, doanh thu của công ty chỉ đạt 1.010 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan thẳng thắn, nếu xét về con số tuyệt đối tăng 3% mang lại cho DN một chút hưng phấn, nhưng nếu so với mức tăng cùng kỳ những năm trước là quá thấp (quý 1-2014 tăng 10%). Mặt khác, quý 1-2015 đã tính cả mùa kinh doanh cao điểm tết, nên càng không thể xem đây là dấu hiệu của sức mua đã phục hồi hoàn toàn.

Anh T.A.D., Trưởng phòng kinh doanh ngành hàng thực phẩm chế biến của một DN hàng đầu về thực phẩm tại TPHCM cho biết, những tháng đầu năm doanh số tụt giảm khoảng 10% so với cùng kỳ. Trong khi đó, kinh phí dành cho khuyến mãi vẫn không ngừng gia tăng mới mong bán được hàng. Theo anh T.A.D., kinh phí khuyến mãi của riêng ngành hàng thực phẩm chế biến năm 2014 đã lên tới 35 tỷ đồng, tăng 30% so với 2013. Dự kiến năm 2015, con số này vẫn chưa có điểm dừng. Cùng với việc tăng khuyến mãi, các nhân viên kinh doanh cũng tăng cường “nằm vùng” ở nhiều thị trường khác nhau để mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

Cùng quan điểm này, ông Trần Bá Dũng, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Sản xuất Hương Mi, chuyên may cặp xách, ba lô học sinh cho hay, so với năm ngoái, khởi động thị trường còn rất uể oải, đơn hàng quá chậm. Mặc dù công ty đã chuẩn bị nguyên liệu để tăng sản lượng lên 20% nhưng với tình hình này, Hương Mi sẽ phải vừa sản xuất, vừa xem chừng thị trường nhằm tránh dư thừa hàng hóa quá lớn.

Khó kỳ vọng sức mua tăng

 

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1-2015 ước tính tăng 6,03%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua. Bình luận về các chỉ số này, một số chuyên gia cho rằng, phục hồi kinh tế rất đột biến nhưng chỉ ở trong một số ngành như xây dựng, cơ khí, khu vực DN FDI, đặc biệt các gói giải ngân từ cuối năm 2014 đã phát huy tác dụng vào những tháng đầu năm góp phần làm cho GDP tăng mạnh.

 

Không dừng lại ở lĩnh vực sản xuất, nhiều DN phân phối cũng đang “gồng mình” để ổn định giá, bảo vệ sức mua. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op), từ đầu năm đến nay, việc điều chỉnh giá bán nhiều mặt hàng thiết yếu đã tạo sức ép khá lớn đến việc tăng giá các mặt hàng tiêu dùng. Saigon Co.op vẫn đang rà soát lại tất cả các nhóm hàng có ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng giá đầu vào, từ đó bàn bạc và đàm phán kỹ hơn với các nhà cung cấp về mức giá bán ra phù hợp theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.

Qua theo dõi, tại hệ thống Co.opMart sức mua trong quý 1-2015 đối với nhóm các mặt hàng thiết yếu (hàng tiêu dùng nhanh) vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng, nhưng với các nhóm hàng phi thực phẩm như hàng may mặc, dụng cụ gia đình… lại giảm so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, người tiêu dùng vẫn tiếp tục “thắt lưng, buộc bụng”, có sự tính toán rất kỹ trong chi tiêu và mua sắm hàng hóa nhằm đảm bảo ngân sách gia đình.

Đánh giá chung về sức mua trong năm 2015, nhiều DN cho rằng, rất hồi hộp, lo lắng bởi thực chất của vấn đề sức mua là do yếu tố khách quan của nền kinh tế, đặc biệt các chính sách vĩ mô. DN có thể chủ động giảm chi phí, hy sinh lợi nhuận nhưng không thể chủ động để tăng sức mua trên thị trường được. Với những gì đang diễn ra, từ nay đến cuối năm sức mua trên thị trường đang rơi vào tình trạng bão hòa, rất khó bật dậy mạnh mẽ. Đầu ra yếu sẽ là lực cản các DN tăng tốc trong năm 2015.

Để kích cầu sức mua, nhiều ý kiến cho rằng, ở tầm vĩ mô, Chính phủ cần nâng tổng cầu xã hội, thúc đẩy các nguồn vốn lưu chuyển mạnh mẽ trong các lĩnh vực đầu tư cơ bản, tiếp tục xử lý nhanh vấn đề nợ xấu, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đối với các DN, cần nắm bắt và phân tích kịp thời diễn biến từ thị trường, phân tích và dự báo về sức mua một cách tương đối chính xác, để có định hướng sản xuất và cung ứng hàng hóa phù hợp.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục